Quy chế phối hợp giữa cấp ủy, công đoàn và lãnh đạo trong doanh nghiệp FDI

Thứ năm, 28/05/2020 18:58
(ĐCSVN) - Việc vận hành theo quy chế phối hợp giữa cấp ủy, công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp nhất là ở doanh nghiêp vốn đầu tư nước ngoài đã tạo điều kiện cho các thành viên trong cấp ủy, công đoàn, ban giám đốc cùng phát huy tối đa được vai trò, vị trí của mình trong việc thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa cấp ủy, công đoàn với lãnh đạo doanh nghiệp 

Năm 2006, Cty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) tiến hành cổ phần hóa. Đến nay, Cty không còn vốn nhà nước, vốn cổ đông nước ngoài là 49% trong đó, cổ đông Eland (Hàn Quốc) chiếm 44%, nắm tỷ lệ chi phối và quyền điều hành doanh nghiệp. Đảng bộ Cty hiện có 6 chi bộ với 78 đảng viên đang làm việc tại các nhà máy ở TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Vĩnh Long, nhiều năm liền là đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

"Ban điều hành đều là người nước ngoài lúc đó chưa am hiểu nhiều về chính sách, pháp luật của Việt Nam. Tuy có cùng mục đích phát triển sản xuất - kinh doanh, đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động nhưng giữa ban lãnh đạo mới và tổ chức đảng, người lao động có nhiều điểm khác biệt về nhận thức, tư tưởng chính trị, văn hóa, ngôn ngữ, phương pháp và lề lối làm việc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của tổ chức đảng cũng như các đoàn thể trong công ty", ông Nguyễn Hữu Tuấn, Bí thư chi bộ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty nêu thực tế.

 Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Bí thư chi bộ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu toàn quốc chia sẻ về công tác phát triển đảng trong các doanh nghiệp FDI 

Trước bối cảnh đó, để tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, uy tín của mình, Đảng ủy Cty đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp giữa Đảng ủy với Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty; Quy chế phối hợp giữa Tổng giám đốc với Ban chấp hành Công đoàn công ty… trên cơ sở bình đẳng, hợp tác vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đảng viên, người lao động và doanh nghiệp.

Để chủ sử dụng lao động người nước ngoài dễ dàng hiểu về tổ chức đảng, tổ chức công đoàn, các quy chế phối hợp được dự thảo song ngữ Việt-Anh, chuyển đến ban giám đốc để nghiên cứu, có ý kiến, tổ chức thảo luận từ đó thống nhất và tiến hành ký kết. 

Thực hiện quy chế, cấp ủy đảng và lãnh đạo doanh nghiệp thường xuyên trao đổi thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để các tổ chức đảng, đảng viên, các tổ chức đoàn thể, nhất là công đoàn và người lao động tham gia đóng góp tích cực vào các nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh; xây dựng thoả ước lao động tập thể; hợp đồng lao động; các chế độ, chính sách đối với người lao động và thống nhất các biện pháp phối hợp thực hiện theo quy định của pháp luật.

Các hoạt động thường kỳ của cấp ủy (họp ban chấp hành, họp Đảng ủy...) hay trong các hội nghị lớn của doanh nghiệp (hội nghị triển khai các chương trình, kế hoạch sản xuất kinh doanh, sơ kết, tổng kết...) Đảng ủy, lãnh đạo doanh nghiệp được mời tham dự, phát biểu tham gia góp ý tạo sự thống nhất và đồng thuận giữa cấp ủy và lãnh đạo doanh nghiệp.

Duy trì mối quan hệ hài hòa giữa chi bộ, công đoàn và ban giám đốc

Là doanh nghiệp FDI 100% vốn của Nhật Bản, Cty TNHH dây dẫn Sumi chính thức hoạt động từ tháng 9/2009 tại Hà Nam. Tháng 7/2015, chi bộ Cty mới được thành lập. Theo Bí thư, Chủ tịch Công đoàn Cty Đỗ Thanh Bình đây là kết quả của quá trình vượt khó. Từ việc báo cáo ban giám đốc ủng hộ, tạo điều kiện thành lập và sinh hoạt chi bộ đến việc vận động đảng viên đang sinh hoạt tại địa phương chuyển về sinh hoạt tại chi bộ Cty rồi lựa chọn quần chúng ưu tú bồi dưỡng, kết nạp đảng...

Cũng theo ông Đỗ Thanh Bình, từ đó tới nay, để chi bộ hay công đoàn có được uy tín từ hai phía, từ cả ban giám đốc và người lao động thì việc xây dựng, duy trì mối quan hệ hài hòa là vô cùng cần thiết. Chi bộ luôn chủ động chuẩn bị sẵn nội dung chi tiết, phân công công việc cụ thể mỗi buổi sinh hoạt chi bộ thường được thực hiện trong giờ làm việc chỉ khoảng 1 tiếng hoặc vào giờ làm thêm của Cty không làm ảnh hưởng đến công việc và các đảng viên đều được tính tiền làm thêm thời gian này.

Ngoài ra, tại các buổi sinh hoạt, các nội dung liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, những tấm gương, điển hình tiên tiến, tình hình sản xuất - kinh doanh của Cty luôn được chi bộ thông tin, trao đổi. 

Nhận thấy hiệu quả từ cách làm này nên Ban giám đốc đánh giá rất cao, chi bộ, công đoàn tổ chức bất kỳ hoạt động gì như văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao... đều được ủng hộ.

"Đảng viên, ủy viên Ban chấp hành công đoàn phải làm thật tốt công việc chuyên môn để cùng lãnh đạo Cty và tập thể người lao động phát triển Cty vững mạnh. Công đoàn và chi bộ phải tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo từ Đảng bộ và công đoàn cấp trên từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đảng viên, đoàn viên, người lao động, lắng nghe, hỗ trợ kịp thời khó khăn của họ...đó chính là bí quyết để duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa chi bộ, công đoàn và Ban giám đốc Cty", ông Bình chia sẻ.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa cấp ủy với lãnh đạo doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp không còn vốn nhà nước, vốn nước ngoài chi phối.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực