|
Quang cảnh buổi làm việc. |
Ngày 23/5, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và đại diện một số bộ, ban, ngành có liên quan để giải quyết một số khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và quản lý đất đai trên địa bàn Hà Nội.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; các thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo các bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… tham dự Hội nghị.
Đề xuất nhiều vấn đề tháo gỡ khó khăn trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông trình bày báo cáo tại buổi làm việc cho biết, những năm gần đây, TP Hà Nội đã ban hành 1 chương trình và nhiều nghị quyết, kế hoạch, đề án về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau 2 năm Triển khai thực hiện Chương trình phối hợp hành động bảo vệ môi trường với 6 tổ chức chính trị xã hội, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt của thành phố đạt trên 90%, chất thải y tế đạt 100%; đã hoàn thành chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Thành phố đã tiến hành xử lý ô nhiễm môi trường nước tại 134 hồ; xây dựng 8 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt. 9/9 khu công nghiệp, 26/43 cụm công nghiệp, 100% các bệnh viện tư nhân và 26/28 bệnh viện do thành phố quản lý có hệ thống xử lý nước thải tập trung...
Đối với lĩnh vực quản lý đất đai, Hà Nội đã đạt được những tiến bộ quan trọng, nhất là khai thác nguồn lực từ đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thành phố đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối. Hằng năm, UBND TP thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đem lại từ 15% đến 20% tổng thu ngân sách nhà nước. Tính đến ngày 20/4/2020, 100% tổng số thửa đất cần cấp Giấy chứng nhận đã được đăng ký kê khai; 100% thửa đất đủ điều kiện đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (1.355.510 thửa); việc cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp đạt 99,21%...
Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý đất đai trên địa bàn thành phố cũng được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo, tránh trùng lặp. Từ kết quả thanh tra, UBND TP đã thu hồi đất hoặc bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất với 28 dự án với tổng diện tích 1.758,6ha đất; kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với 24 dự án với tổng diện tích 35,8ha đất; trình Chủ tịch UBND TP ban hành 42 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường với với số tiền trên 924,3 triệu đồng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay với TP Hà Nội đó là lượng nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý trên địa bàn đạt thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 30% tổng lưu lượng phát sinh, còn lại 70% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý nên còn tình trạng ô nhiễm trên các dòng sông, và các mương thoát nước thải. Tình trạng ô nhiễm không khí ghi nhận tại các trạm quan trắc tự động còn cao, mặc dù thành phố đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và đang từng bước có giải pháp phù hợp, tuy nhiên chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Công tác quản lý nguồn nước vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn…
Tại buổi làm việc, TP Hà Nội đã nêu 4 kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về lĩnh vực bảo vệ môi trường và 8 kiến nghị, đề xuất về quản lý đất đai. Trong đó, đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường đảm bảo đồng bộ với các Luật như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng... Thành phố kiến nghị có cơ chế đặc thù như bổ sung hình thức đầu tư BT, đặc biệt xây dựng đơn giá xử lý nhằm thu hút xã hội hóa công tác xử lý ô nhiễm, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp; cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, quy trình đặc thù như TP Hồ Chí Minh để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; đề xuất cơ chế và quy định chi tiết giữa Thành phố với các Bộ ngành, địa phương khác để thực hiện có hiệu quả các chương trình bảo vệ môi trường, nhất là các vấn đề môi trường liên tỉnh như ô nhiễm không khí và quản lý các lưu vực sông liên tỉnh…
Cần có những phương án tháo gỡ phù hợp cho từng vướng mắc
Trao đổi tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao sự chủ động của lãnh đạo TP Hà Nội về việc tổ chức cuộc làm việc để tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đây không chỉ là vướng mắc của TP Hà Nội mà còn là vướng mắc chung, được các bộ, ngành, địa phương quan tâm nhiều năm qua. Do đó, trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất của TP Hà Nội, lãnh đạo các bộ sẽ tiếp thu đầy đủ, tích cực phối hợp với Hà Nội để giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền.
Các đại biểu đã có những ý kiến cởi mở và thẳng thắn đối với từng vấn đề cụ thể. Đối với lĩnh vực đất đai, các tồn tại, vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn với tài sản khác gắn liền, các đại biểu cho rằng, Hà Nội cần xây dựng phương án với từng trường hợp cụ thể, không nên đưa ra tình trạng chung để có những phương án tháo gỡ phù hợp.
Kiến nghị chung về tổ chức bộ máy, là không tổ chức Chi cục Quản lý đất đai trực thuộc Sở như hiện nay mà sắp xếp thành lập 3 Phòng chuyên môn, Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai cho rằng, giảm chi cục quản lý đất đai nhưng lại tăng đầu mối làm việc là bất cập. Bởi, quản lý tài nguyên là vấn đề lớn, phức tạp nhưng mang lại nguồn thu lớn nên rõ ràng cần bộ máy tương đối lớn. Đồng thời, đề nghị Hà Nội cần thanh kiểm tra lại việc sử dụng đất, nhất là đối với đất dự án, giao đất đã lâu nhưng vẫn quây tôn để đó...
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nêu một số khó khăn của Hà Nội và mong nhận được sự chia sẻ của các bộ ngành. Trao đổi về vấn đề cải thiện chất lượng không khí của Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị các Bộ, ngành cần phải đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật khí thải đối với tất cả các loại phương tiện nhưng phải cập nhật các tiêu chuẩn của quốc tế, tránh việc ban hành tiêu chuẩn đuổi theo tiêu chuẩn quốc tế. Đối với việc nâng cấp tiêu chuẩn khí thải xe ô tô, Chủ tịch UBND TP cho biết, đây đang là xu hướng toàn cầu nhằm bảo vệ môi trường. Các nước châu Âu thậm chí còn đang áp dụng tiêu chuẩn Euro 6 thế nhưng Việt Nam mới đang áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 và đến tận 2022 mới áp dụng mức 5. “Giữa tiêu chuẩn khí thải Euro 4 và Euro 5 có sự khác biệt đáng kể về công nghệ, chưa nói đến tiêu chuẩn Euro 6. Do đó, việc TP Hà Nội nhập máy móc từ các nước áp dụng tiêu chuẩn mức 6, mức 5 trong 3 năm trở lại đây lại buộc phải bỏ một khoản kinh phí nữa để điều chỉnh linh kiện, xử lý bộ phận xúc tác cho phù hợp với tiêu chuẩn trong nước” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc. |
Đề cập đến cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng như TP Hồ Chí Minh đang thí điểm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ sẽ báo cáo để Chính phủ xem xét, kiến nghị cho áp dụng chung trên cả nước. Trước mắt, trong tuần tới, Bộ sẽ trình Chính phủ cho phép Hà Nội thực hiện như TP Hồ Chí Minh... “Đối với hoạt động bảo vệ môi trường không chỉ có Nhà nước mà phải có sự tham gia của rất nhiều đối tượng cùng tham gia. Vì vậy, Hà Nội cần huy động được sức mạnh tập thể của cả cộng đồng để bảo vệ môi trường…” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Đối với vấn đề quản lý đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Hà Nội cần quan tâm đến cán bộ quản lý đất đai từ cấp phường xã, tránh sự nhũng nhiều, buông lỏng quản lý để việc thực hiện việc quản lý, sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí…
Cứng rắn, quyết liệt trong quá trình xử lý hai vấn đề an sinh xã hội
Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị, Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành thông báo chung, trong đó xác định rõ trách nhiệm của thành phố và Bộ trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất được nêu tại cuộc làm việc, từ đó nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, các vấn đề liên quan đến quy hoạch, thể chế, chính sách... Cái gì giải quyết được ngay thì phải thực hiện, cái nào gom lại để tiếp tục đề xuất để trình Chính phủ xem xét, quyết định. Trong quá trình thực hiện phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ quy trình, rõ hiệu quả trong quá trình giải quyết; trên cơ sở đó phấn đấu từ nay đến hết năm 2020 tạo ra được chuyển biến rõ rệt về quản lý tài nguyên, môi trường trên địa bàn thành phố.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. |
Lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường của Hà Nội thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND TP tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành, trước hết là Bộ Tài nguyên và Môi trường, tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung, các dự án áp dụng công nghệ đốt rác phát điện trọng điểm, các trạm xử lý nước thải; triển khai từng bước chương trình thu gom xử lý nước thải sinh hoạt ra sông Đáy, nạo vét sông Nhuệ; phối hợp với các tỉnh xây dựng Đề án bảo vệ môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải, trong đó có sông Cầu Bây; hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường nước gắn với tăng cường quản lý các nguồn xả thải...
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo để bảo đảm 100% khu, cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung; xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại các bệnh viện còn thiếu; yêu cầu toàn bộ các khu, cụm công nghiệp mới phải có khu xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động. Đặc biệt, lưu ý việc kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt, bảo đảm an ninh nguồn nước và sức khỏe nhân dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo kiện toàn để bộ phận giám sát hệ thống cấp nước sạch trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đi vào làm việc ngay, nhằm phát hiện kịp thời, không để xảy ra sự cố.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu 2 vấn đề liên quan đến an sinh xã hội là ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm bụi mịn cần phải cứng rắn, quyết liệt trong quá trình xử lý; phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 phải tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng không khí…. Sở Tài nguyên và Môi trường và các quận, huyện, thị xã phải rà soát, lên danh sách toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, giao thời hạn khắc phục; sau thời hạn mà không khắc phục được thì cho dừng hoạt động.
Về quản lý đất đai, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND TP sớm hoàn thành hệ thống hồ sơ địa chính, tinh thần là làm đến đâu cập nhật đến đó; đồng thời tăng cường thanh tra, xử lý kịp thời vi phạm, xử lý dứt điểm các vi phạm đã có kết luận thanh tra. Đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ. Đối với các dự án có vướng mắc về cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, UBND TP phải rà soát lại từng dự án để xin ý kiến các bộ, ngành hoặc trình Thủ tướng để xem xét, giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân…/.