|
Đồng chí Phạm Bình Minh- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao phát biểu chỉ đạo Đại hội. |
Sáng 14/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đưa tỉnh Đắk Lắk bước vào giai đoạn phát triển mới nhanh và bền vững. Vì vậy, các đại biểu tham dự đại hội cần phát huy cao nhất tinh thần của người đảng viên, nêu cao trách nhiệm trước Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tập trung hoàn thành tốt các nội dung, chương trình của Đại hội; đáp ứng lòng mong mỏi, niềm tin mà cán bộ, đảng viên, quân và dân toàn tỉnh gửi gắm.
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tại Đại hội khẳng định: Nhiệm kỳ qua, vượt lên những khó khăn, thách thức, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi toàn diện các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị với nhiều kết quả nổi bật.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 8,75%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng khá, năm 2020 ước đạt 62.500 tỷ đồng, gấp 1,52 lần so với năm 2015. Thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân 19%/năm, tổng thu cân đối 5 năm đạt 30.679 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người ước đạt 54,55 triệu đồng, gấp 1,67 lần năm 2015. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư, tổng vốn đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 24,42%/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng, đã có 61/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,87%/năm, năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 4,99%. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được tăng cường.
Công tác tổ chức xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên không ngừng được nâng lên. Việc kiện toàn, sắp xếp bộ máy, cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị theo các Nghị quyết của Trung ương được thực hiện với quyết tâm cao…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ qua Đắk Lắk vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở một số cấp, ngành, địa phương còn thiếu tính chủ động, quyết liệt; chưa tập trung vào những khâu quan trọng có tính quyết định. Các nghị quyết, chủ trương, chính sách chưa được cụ thể hóa kịp thời. Việc huy động, bố trí các nguồn lực có lúc, có nơi chưa hợp lý. Công tác kiện toàn, sắp xếp bộ máy, cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị theo các Nghị quyết của Trung ương chưa mang lại kết quả như mong muốn. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm ở một số nơi, một số việc chưa triệt để nên hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nền kinh tế của tỉnh tuy phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định…
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Phạm Bình Minh đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã đoàn kết, bản lĩnh vững vàng, siết chặt kỷ cương, có nhiều cách làm sáng tạo; chỉ đạo, điều hành có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội nên đã thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, làm thay đổi diện mạo của tỉnh từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thống nhất cao với những mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm tới đã được xác định trong Văn kiện trình Đại hội và gợi mở một số vấn đề để Đại hội nghiên cứu, thảo luận.
Đắk Lắk có lợi thế so sánh mang tính đặc trưng riêng của một tỉnh miền núi, có tiềm năng lớn về tài nguyên đất bazan, thuận lợi cho phát triển du lịch, các loại cây công nghiệp có giá trị cao như: cà-phê, cao su, phát triển chăn nuôi, trồng rừng... Vì vậy, Đảng bộ tỉnh cần nhận diện rõ những lợi thế trên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với đẩy nhanh việc xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, ứng dụng công nghệ cao, sạch gắn với bảo vệ môi trường. Nghiên cứu xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất lớn các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, lúa gạo… phù hợp với phát triển nền kinh tế chung của tỉnh, trong vùng và cả nước, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Từng bước xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, kiểu mẫu, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, nhất là công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch…”. Đồng chí Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
|
Quang cảnh tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII . |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lưu ý, Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, trong khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Vì vậy, Đảng bộ tỉnh cần khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế trên để sớm đưa Đắk Lắk thực sự trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên. “Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh cần tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Tập trung nguồn lực để tăng quy mô và hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để có sức hấp dẫn, cạnh tranh cao. Ưu tiên nguồn lực đầu tư để TP Buôn Ma Thuột sớm trở thành trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, nhằm tạo động lực phát triển tỉnh trong thời gian tới...”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu thêm: Tỉnh phải gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội, phát triển văn hoá-xã hội, giáo dục-đào tạo, bảo vệ môi trường, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương và của vùng. Tiếp tục chăm lo công tác giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đặc biệt là chính sách ưu đãi đối với người có công, người cao tuổi, người nghèo, dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội. Tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn.
Quan tâm chăm lo xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, thực hiện tốt quy chế dân chủ nhân dân. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng về phương pháp, phong cách, lề lối làm việc trong toàn Đảng bộ; bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong mọi lĩnh vực của công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng. Làm tốt công tác dân vận, củng cố vững chắc mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số.
Cùng với những lưu ý trên, đồng chí Phạm Bình Minh đề nghị Đại hội tập trung thảo luận các Văn kiện của tỉnh, tích cực nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; từng đại biểu dự Đại hội đề cao tinh thần trách nhiệm của mình trước Đảng, trước Nhân dân, cân nhắc, lựa chọn những đồng chí có uy tín cao trong Đảng bộ, có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, lành mạnh, có năng lực thực tiễn, có phong cách làm việc dân chủ, khoa học, ý thức tổ chức kỷ luật cao, nói đi đôi với làm, được nhân dân tín nhiệm để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá mới, bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn và có cơ cấu hợp lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện. Đồng thời xem xét, lựa chọn những đồng chí có phẩm chất đạo đức, có năng lực, uy tín để bầu vào Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo chương trình, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) sẽ làm việc đến ngày 15/10/2020./.