Thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đời sống mới, cùng sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền,
phong trào xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị đã đạt được những kết quả quan trọng - ảnh minh họa: dangcongsan.vn
Đời sống mới vẹn nguyên tính thời sự
Theo PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: dù ra đời cách đây 70 năm nhưng “Đời sống mới” vẫn là tác phẩm mang tính thời sự nóng hổi, sâu sắc, vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn trong công cuộc đổi mới. Về mặt nội dung, tư tưởng về mục đích của đời sống mới “làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”, để “đời sống toàn thể đồng bào ta có thể phong lưu, dồi dào” và “xây dựng một nước Việt Nam phú cường” vẫn đang soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cũng theo PGS.TS Lê Quốc Lý, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đời sống mới và thực hành đời sống mới, nhất là những chỉ dẫn của Người trong tác phẩm “Đời sống mới” được coi là cơ sở phương pháp luận trong xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách trong thực tiễn của chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua.
Khẳng định những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011) Đảng ta cho rằng “Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế xã hội đan xen”. Với những thuận lợi cơ bản, Đảng đề ra mục tiêu khi kết thúc thời kỳ quá độ là “nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Đó cũng chính là những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập trong tác phẩm Đời sống mới.
Bên cạnh đó, tiêu chí con người trong tác phẩm Đời sống mới được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là định hướng quan trọng bậc nhất, và cũng là vấn đề trung tâm, chứ không thể chú ý tới vấn đề kỹ thuật công nghệ thông tin trong xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị. “Nên nhấn mạnh điều này vì nếu một chiếc máy công nghệ thông tin hiện đại, một hệ thống công nghệ thông tin thông minh nhưng lại nằm trong tay con người “không thông minh” hoặc nằm trong một bộ máy của hệ thống chính trị không lành mạnh thì kết quả chỉ là những điều như là ác mộng mà thôi”, GS.TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ chí Minh) chia sẻ.
Đời sống mới với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay
Vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, phát triển đất nước nói chung và những quan điểm của Người về xây dựng đời sống mới nói riêng, trong sự nghiệp đổi mới vì một nước Việt Nam hưng thịnh và hội nhập, Đảng ta đã rút ra một trong năm bài học kinh nghiệm quý trong lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc phát triển đất nước phải “gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”.
Thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đời sống mới và xây dựng đời sống mới, được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, đến nay phong trào xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị đã đạt được những kết quả quan trọng. Tính đến Quý I/2017, cả nước có 2.656 xã (chiếm tỷ lệ 29,76%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 263 xã so với cuối năm 2016; có 33 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 3 huyện so với cuối năm 2016 và 18 huyện so với cuối năm 2015. Phong trào xây dựng đô thị văn minh cũng phát triển mạnh mẽ, tập trung vào việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị; trật tự an toàn xã hội; cảnh quan đô thị…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Hữu Quất cho biết: Cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương trong hơn 6 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn. Tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động của ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh. Tính đến hết năm 2016, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của tỉnh là 17,16 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 11 tiêu chí, đưa tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới của Bắc Ninh là trên 60%. Đặc biệt từ những nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh việc xây dựng nông thôn mới đã đạt hiệu quả thiết thực. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt cao, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn tăng. Thực hiện rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016- 2020, tỷ lệ hộ nghèo của Bắc Ninh ở mức 2,59% đứng thấp thứ 7 toàn quốc và thấp thứ 2 khu vực đồng bằng sông Hồng chỉ sau TP Hà Nội…
“Có thể nói xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn hợp lòng dân, có tác động rõ rệt đến khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong quá trình thực hiện chương trình, tỉnh Bắc Ninh đã phát huy có hiệu quả vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên, đối thoại với nhân dân để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, bức xúc của người dân nhất là trong việc giải phóng mặt bằng phục vụ nhiệm vụ chính trị, đúng như lời Chủ tich Hồ Chí Minh đã nêu trong tác phẩm Đời sống mới cán bộ phải là người tiên phong”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh nhấn mạnh.
Giai đoạn hiện nay, để xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị thành công, theo GS.TS Mạch Quang Thắng điều đầu tiên đó là “Chớ làm dối”, đây cũng chính là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn được thể hiện rõ trong tác phẩm Đời sống mới. Thứ hai là không nên huy động quá sức dân. Thực tế trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở nước ta thời gian qua, ông Thắng cho rằng vì chạy theo thành tích và nhiều tỉnh, huyện, xã vì quá nóng vội, chạy theo thành tích nên làm cho người dân thấy “mệt”; ngoài ra một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng thành công đời sống mới đó chính là cán bộ phải thực sự liêm khiết, trong sạch, vì dân, có như vậy thì cả cán bộ, nhân dân cùng đồng lòng, quyết tâm thực hiện những chủ trương của Đảng, Nhà nước./.