Tầm nhìn và khát vọng Vĩnh Phúc

Thứ hai, 21/09/2020 10:34
(ĐCSVN) – Tính đến 30/6/2020, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 598/598 chi, đảng bộ cơ sở tổ chức xong Đại hội cấp cơ sở và đến hết ngày 12/8/2020, toàn bộ 13/13 đảng bộ huyện, thành phố, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã tổ chức Đại hội thành công. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đang đến gần, Vĩnh Phúc đã và đang quyết tâm, thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết của mình để hướng tới một kỳ đại hội thành công tốt đẹp.
Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan báo cáo về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 tại cuộc làm việc với  đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa mới đây
(Ảnh: Báo Vĩnh Phúc) 

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đang đến gần, có thể khẳng định Vĩnh Phúc đã và đang làm tốt nhất những gì có thể, thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết của mình để hướng tới một kỳ đại hội thành công tốt đẹp. Để Đại hội có được các quyết định đúng đắn, sáng suốt, đáp ứng ý nguyện và lòng mong đợi của nhân dân, công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội của Vĩnh Phúc được tiến hành nghiêm túc, bài bản, chu đáo; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, khoa học; phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng tổ chức, cá nhân và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã sớm quán triệt, xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện đại hội đảng bộ các cấp theo đúng kế hoạch đề ra. Đến 30/6/2020, toàn tỉnh có 598/598 chi, đảng bộ cơ sở tổ chức xong Đại hội cấp cơ sở và đến hết ngày 12/8/2020, toàn bộ 13/13 Đảng bộ huyện, thành phố, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã tổ chức Đại hội thành công. Đại hội đảng bộ từ cấp cơ sở đến cấp huyện, thành phố được tổ chức đảm bảo các nội dung, nghiêm túc, dân chủ và thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã sớm thành lập 3 tiểu ban giúp việc, phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Tổ chức phục vụ). Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức họp các tiểu ban để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đồng thời thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra tiến độ, chất lượng công việc của từng tiểu ban.

Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV của tỉnh tặng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu đảng bộ Thành phố Vĩnh Yên lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020-2025 (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc) 

Phương án nhân sự Đại hội được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu độ tuổi, cơ cấu nữ, đảm bảo sự kế thừa và được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định theo Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương…

Cùng với các nội dung chuẩn bị quan trọng khác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là nội dung đặc biệt quan trọng, có yếu tố tác động trực tiếp đến sự thành công của đại hội, sự phát triển đồng đều và toàn diện của địa phương, mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo. Với nhận thức phải thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, của Thủ tướng và Bộ Chính trị về công tác chuẩn bị Đại hội, Vĩnh Phúc đã xây dựng Báo cáo chính trị là văn kiện quan trọng nhất của Đại hội, là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện tầm nhìn, khát vọng của Đảng bộ và định hướng phát triển của địa phương.

Quá trình chỉ đạo xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị, tỉnh đã bám sát Cương lĩnh, các quan điểm, đường lối, định hướng lớn của Đảng, nhất là sáu nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, bám sát định hướng chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và tình hình thực tế để đánh giá và xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và với tầm nhìn xa hơn. Đặc biệt, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đã nêu rõ những kết quả đạt được, so sánh với các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020; phần định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm được nêu với nhiều giải pháp mang tính khoa học, sát với tình hình thực tế của địa phương.

Tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” thúc đẩy tăng trưởng bền vững

 Hướng tới  một Vĩnh Phúc phát triển, tăng trưởng  bền vững. (Ảnh tư liệu)

Dự thảo Báo cáo chính trị được Tiểu ban Văn kiện chuẩn bị, nhiều lần xin ý kiến Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ, các nhà khoa học, chuyên gia; các ban, bộ, ngành, đoàn thể của Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội. Tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã hoàn thiện dự thảo lần 5 trước khi báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII của Vĩnh Phúc đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá rất cao tại buổi duyệt văn kiện và phương án nhân sự Đại hội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây. Thủ tướng đã nhấn mạnh: Các văn kiện được tỉnh chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, công phu, trí tuệ, theo đúng quy định Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị; vận dụng sáng tạo quan điểm lãnh đạo của Đảng vào thực tiễn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Dự thảo Nghị quyết đại hội cũng thể hiện tinh thần đổi mới, quyết tâm bứt phá, xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng phồn thịnh...

Đồng quan điểm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư Trung ương Đảng có mặt tại buổi làm việc cũng khẳng định, dự thảo Báo cáo chính trị của Vĩnh Phúc trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là sản phẩm của “người thật, việc thật”; là sự đúc kết từ thực tế xã hội sống động của địa phương nên mang tính thực tiễn sâu sắc. Dự thảo Báo cáo chính trị của Vĩnh Phúc có điểm nhấn bởi cách tiếp cận thẳng thắn, mới mẻ, sáng tạo, từ đó tạo ấn tượng và niềm tin trong nhân dân.

Báo cáo thực sự đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cơ sở lý luận với thực tế của tỉnh nhiệm kỳ qua; sự kết hợp chặt chẽ giữa kế thừa và đổi mới. Việc đánh giá đảm bảo tính khách quan, toàn diện, cụ thể trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là những hạn chế và nguyên nhân. Đánh giá rất kỹ việc đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới tư duy, tầm nhìn và cách thức tổ chức thực hiện của cấp uỷ, tổ chức đảng trong cả nhiệm kỳ.

Đồng thời, trong báo cáo cũng đánh giá nghiêm túc việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương về tất cả các mặt: phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu.

Trong xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tới, Vĩnh Phúc đã bám sát các quan điểm, tư tưởng đổi mới của Đảng và tình hình thực tế của địa phương đặt trong tổng thể của vùng, liên vùng và cả nước. Đặc biệt là quán triệt quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, phát huy tổng thể các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng….”, Vĩnh Phúc đã chủ động dự báo, nắm bắt thời cơ, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để có thể bứt phá, cố gắng phát triển nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Nhìn lại tổng thể 5 năm qua, trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; song các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cùng quân và dân trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra nhiều dấu ấn nổi bật. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ đạt và vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, trong đó có 11 chỉ tiêu vượt và vượt cao so với mục tiêu đề ra.

Năm 2020 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 – 2020 và cũng là năm có nhiều biến động lớn về thiên tai, dịch bệnh, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Tuy vậy, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nên tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng nhiệm vụ đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, các hoạt động văn hóa xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn được giữ vững. Đây là những tiền đề quan trọng đảm bảo cho Vĩnh Phúc có một kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh thành công tốt đẹp

 

Hoàng Thị Thúy Lan
Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Vĩnh Phúc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực