Tăng cường kiểm tra giám sát: Đảng vững mạnh, dân tin yêu

Thứ sáu, 29/04/2022 16:17
(ĐCSVN) - Kiểm tra, giám sát vừa là chức năng lãnh đạo, vừa là phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thời gian qua, công tác này được nâng lên một tầm cao mới với những kết quả rõ nét, góp phần quan trọng vào việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân.
Tại Hội nghị toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát Quý I, triển khai nhiệm vụ Quý II năm 2022 , Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết,  trong Quý I đã có 26 tổ chức đảng với 1.017 đảng viên bị thi hành kỷ luật.

Năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3.005 tổ chức đảng và 8.982 đảng viên, có 4.307 cấp ủy viên các cấp (tăng 18,1% tổ chức đảng và 15,7% đảng viên so với năm 2020).

Qua kiểm tra, kết luận có 1.575 tổ chức đảng và 6.695 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 194 tổ chức đảng và 3.465 đảng viên; quyết định thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 63 đảng viên (khiển trách 15, cảnh cáo 20, cách chức 10, khai trừ 18) và 13 tổ chức đảng (khiển trách 1, cảnh cáo 12); đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 6 tổ chức đảng và 20 đảng viên, yêu cầu tổ chức đảng cấp dưới thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và nhiều đảng viên.

Ngay trong quý 1/2022, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã chủ động thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rất kịp thời, nghiêm túc, với quyết tâm cao. Qua đó 26 tổ chức đảng với 1.017 đảng viên bị thi hành kỷ luật. Đáng chú ý, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật 05 tổ chức đảng và 21 đảng viên, trong đó có 14 đồng chí thuộc diện Trung ương quản lý.

Mới đây nhất, trước những vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới đây, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật hàng loạt cán bộ tỉnh Bình Thuận. Trong đó: Cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận các nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021 và ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ. Cũng mới đây, xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020 và đồng chí Nguyễn Thành Nhân, nguyên Tổng Giám đốc Saigon Co.op…

Có thể nói, những kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương về sai phạm của các tổ chức, cá nhân trong Đảng ngày càng được Nhân dân đón nhận nhiệt thành. Qua đó góp phần giải tỏa những bức xúc trong dư luận xã hội, đồng thời chứng minh rằng, cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng đang phát huy cao độ vai trò, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.

Việc công khai kết luận kiểm tra của Đảng cũng cho thấy, Đảng “nói đi đôi với làm”, biến Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) thành hành động cụ thể. Qua đó đã thể hiện “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền", góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng và cũng là biện pháp cảnh tỉnh, răn đe có hiệu quả.

Chưa hết, hiện nay Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đang có 20 đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước) và chỉ đạo cấp ủy và Uỷ ban Kiểm tra 63 tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số tổ chức đảng và đảng viên.

Đặc biệt, nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, tích cực góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngày 18/4 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 34-KL/TW về Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030. Kết luận này chính là sự kế thừa Kết luận số 72-KL/TW ngày 17/5/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020 và sự phát triển có tính cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phát biểu tại hội nghị toàn ngành mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng trong thời gian tới, trong đó chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là nội dung được nhấn mạnh tại Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030.

Nói về Kết luận này, nhiều chuyên gia lĩnh vực xây dựng Đảng cho rằng, Kết luận góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết, thống nhất và giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, kiên quyết xử lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị. Kết luận thể hiện rõ nét những bước thay đổi và phát triển tư duy, thích ứng kịp thời của Đảng nhằm đưa công tác kiểm tra giám sát đi vào nền nếp, thực hiện có chiều sâu, đạt hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Kết luận này cũng chính là bước hoàn thiện, quy định rõ ràng, thể hiện sự chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, tham nhũng, tiêu cực, thể hiện tầm nhìn dài hạn nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật đảng.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Chúng ta đều biết lãnh đạo không có kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Thực tế tất cả các vụ việc tiêu cực phát hiện 50% qua kiểm tra giám sát. Như vậy để thấy rằng qua kiểm tra, giám sát mới phát hiện ra đã thực hiện đúng đường lối của Đảng chưa? Đấy chính là kiểm tra. Đồng thời một trong những nhiệm vụ kiểm tra là phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong Đảng”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cho rằng, Kết luận số 34 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng góp phần làm cho công tác kiểm tra giám sát được hoàn thiện, quy định rõ ràng. Để công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục phát huy vai trò, vị trí quan trọng và trở thành “thanh bảo kiếm” của Đảng, yêu cầu bức thiết là phải chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, triệt để, đồng bộ các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm.

Để thực hiện Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra liêm khiết, công minh, chính trực, có bản lĩnh, dũng khí đấu tranh, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy, trách nhiệm. Điều này cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng: “Phải làm cho mình trong sạch, liêm khiết thì mới làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. “Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác. Phải là những "Bao công" trong thời đại mới”. Có như vậy, công tác kiểm tra, giám sát mới phát huy vai trò, vị trí quan trọng, thực sự là “thanh bảo kiếm” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; củng cố đội ngũ thực sự trong sạch, vững mạnh.

Có một điều đáng mừng là trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa diễn ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh từ thực tế của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã rút ra kinh nghiệm hoàn toàn đúng cả về lý luận, thực tiễn và đường lối. Đó là công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, cứ có dấu hiệu là Ủy ban kiểm tra có quyền vào kiểm tra. "Đây là kinh nghiệm hay, đúng nguyên tắc, kỷ luật Đảng trước, rồi đến kỷ luật về hành chính, tiếp đến là xử lý hình sự. Đây là một phát hiện mới, chủ trương phù hợp, thực tiễn chứng minh là đúng, có kết quả tốt, phải nhân lên" - Tổng Bí thư tâm đắc nhấn mạnh.

Và chúng ta chắc chắn một điều với những kết quả và việc làm trong thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới sẽ được đặc biệt coi trọng, thực hiện triệt để, thực chất trong toàn Đảng và hệ thống chính trị, góp phần xây dựng Đảng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, đủ sức gánh vác, lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực