Tạo cho được sự chuyển biến để người dân tin tưởng và đồng hành

Thứ tư, 20/01/2021 18:02
(ĐHXIII) - “Thành quả phát triển mà người dân không thụ hưởng thì thành quả đó cũng không có ý nghĩa gì; trước khi làm việc lớn thì phải làm tốt những việc nhỏ, tạo cho được sự chuyển biến mà người dân có thể cảm nhận được, có như vậy người dân mới tin tưởng và đồng hành”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội  Vương Đình Huệ.

Đó là khẳng định của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trước thềm Đại hội XIII của Đảng.

Phóng viên (PV): Tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố (TP) Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có ý nói rằng: “Hà Nội cũng chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ”. Vậy Hà Nội sẽ tận dụng cơ hội ra sao để tạo động lực phát triển, thưa đồng chí?

Đồng chí Vương Đình Huệ: Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế. Trước đây, Hà Nội có địa giới hành chính khiêm tốn nhưng đến nay, sau 12 năm thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, đã mở ra một không gian rất lớn cho Hà Nội phát triển. Hà Nội chiếm 1% diện tích đất đai và 8,5% dân số của cả nước. Tức là Thủ đô vừa có không gian, vừa có dư địa phát triển rất thuận lợi.

Sau tổng điều tra dân số tháng 4/2019, dân số Hà Nội là 8,3 triệu người và trung bình mỗi năm tăng khoảng 160.000 người, bằng dân số bình quân của một huyện. Nếu tính cả số người tạm trú, người lao động sinh sống trên địa bàn và các tổ chức quốc tế thì Hà Nội có hơn 11 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, nhiều nhu cầu để phát triển.

Hà Nội cũng là địa phương có tiềm lực khoa học, công nghệ rất lớn với 82% trường đại học và 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn. Cả nước có 5 khu công nghiệp công nghệ cao thì 2 khu ở Hà Nội. Ngoài ra, 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học trong cả nước quy tụ ở Hà Nội...

Tuy Hà Nội là đô thị đặc biệt, nhưng tỷ lệ đô thị hóa còn khá khiêm tốn, mới đạt gần 50%. Đây vừa là thực trạng của thành phố, nhưng mặt khác cho thấy dư địa phát triển kinh tế đô thị còn rất lớn. Biết tận dụng thời cơ và có cách làm khoa học, bài bản, Hà Nội sẽ có bứt phá mạnh mẽ về kinh tế.

Hà Nội còn là Đảng bộ lớn nhất cả nước, chiếm 10% tổng số đảng viên của cả nước. Hà Nội cũng là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), sánh ngang với nhiều thủ đô, trung tâm sáng tạo khác của thế giới và khu vực...

Tôi cho rằng nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng là dựa trên cơ sở thực tế này của Hà Nội.

Về sự quan tâm của Trung ương, Hà Nội cũng là một trong số ít địa phương trong cả nước được Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng về định hướng phát triển. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm mô hình chính quyền đô thị; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù cho Thủ đô.

Để tận dụng tốt cơ hội phát triển, năm 2021, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ đăng ký, trình Bộ Chính trị 3 việc. Một là, trình Bộ Chính trị, Chính phủ xem xét, điều chỉnh quy hoạch phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để tạo khuôn khổ phát triển cho thành phố, phù hợp Luật Quy hoạch mới. Hai là, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thủ đô để trình Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Ba là, tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, để ban hành nghị quyết mới làm hành lang pháp lý cho chiến lược phát triển tới đây.

PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về cơ cấu đội ngũ cán bộ trong Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025?

Đồng chí Vương Đình Huệ: Đội ngũ cán bộ, công chức của Hà Nội là nguồn lực vô cùng quan trọng để xây dựng và phát triển nhanh, bền vững thành phố. Cùng một mặt bằng như nhau, nhưng một người được thực hành nhiều, xử lý công việc nhiều, có nhiều cơ hội tiếp cận với kiến thức mới sẽ thành thạo việc và giỏi hơn. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các thành phố lớn khác có khối lượng công việc khổng lồ, cán bộ làm việc nhiều, nên có kiến thức thực tế nhiều hơn, có nhiều điều kiện giao lưu, học hỏi nhiều hơn các địa phương khác nên sẽ thành thạo hơn.

Trong cơ cấu nhân sự của Ban chấp hành Đảng bộ TP nhiệm kỳ này, có 6 cán bộ trẻ, (dưới 40 tuổi), chưa đạt yêu cầu của Trung ương, nhưng cơ cấu nữ của Hà Nội lại bảo đảm tốt. Đảng bộ TP khóa XVI, cơ cấu nữ chiếm 12% trong Ban Chấp hành, nhưng khóa này chiếm gần 20%. Còn trong Ban Thường vụ Thành uỷ có 4/16 đồng chí là nữ, chiếm 25%. So với các địa phương khác, tỷ lệ cán bộ nữ tại Hà Nội chiếm tỷ lệ cao nhất.

Ngoài việc phấn đấu bảo đảm cơ cấu về độ tuổi, giới, Hà Nội đặc biệt quan tâm tới việc bồi dưỡng, không ngừng nâng cao chất lượng, đạo đức công vụ và lý tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức. Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP đặt ra nhiệm vụ, giải pháp tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Theo đó, Thành phố sẽ rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ; tập trung sửa đổi, hoàn thiện quy định tiêu chuẩn các chức danh cán bộ đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu. Tiếp tục thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, không để lọt những người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ, đồng thời không để sót những người có đức, có tài. Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị.

Lãnh đạo TP Hà Nội dự lễ khởi công xây dựng Trường mầm non chất lượng cao huyện Đông Anh - Công trình chào mừng Đại hội XIII của Đảng. 

Thành phố cũng đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ. Nghiên cứu xây dựng chương trình và lựa chọn cán bộ cử đi đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, kiến thức chuyên sâu ở trong và ngoài nước, tạo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, thành phố thông minh. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nhà khoa học, trí thức trẻ và chế độ đãi ngộ với cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. Tiếp tục xây dựng, củng cố cơ quan tham mưu và đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Đảng có bản lĩnh chính trị, trung thành, sáng tạo, gương mẫu. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú trọng nắm và xử lý kịp thời vấn đề chính trị hiện nay. Chủ động đấu tranh phòng ngừa có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị.

PV: Trong văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, đồng chí đã chỉ đạo đưa vào nội dung 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, một trong những yêu cầu, đó là: “Tạo cho được chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh cấp bách”. Xin đồng chí cho biết trong năm 2021, Thành phố sẽ chỉ đạo như thế nào để thực hiện yêu cầu này?

Đồng chí Vương Đình Huệ: Đúng vậy, Thành phố đặt mục tiêu ngay trong năm 2021 phải tạo ra được những chuyển biến mà người dân nhìn thấy được. Ngoài những vấn đề nói trên, những việc phải làm được ngay là xây dựng thêm những công viên cây xanh, kể cả công viên “mini”. Thành phố đã chỉ đạo, tất cả đất xen kẹt, chỗ nào có thể bố trí làm công viên cây xanh được thì phải bố trí xây dựng ngay. Trong vòng 1-2 năm tới, thành phố sẽ chỉ đạo hoàn thành cải tạo tất cả các chợ dân sinh; tăng cường các biện pháp chống ùn tắc giao thông, cải thiện môi trường sống, giảm khói, bụi; tăng tỷ lệ người dân được dùng nước sạch sinh hoạt...

Với một thành phố đặc biệt, một đô thị đặc biệt như Hà Nội giữa nhu cầu phát triển lớn và khả năng, nguồn lực còn hạn chế thì việc nảy sinh các vấn đề phức tạp là đương nhiên và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai được. Nhưng quan trọng là quyết tâm của thành phố thế nào, nếu thấy được quyết tâm của cấp ủy, chính quyền từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất trong giải quyết các vấn đề, người dân chắc chắn sẽ đồng tình ủng hộ. Thành quả phát triển mà người dân không thụ hưởng thì thành quả đó cũng không có ý nghĩa gì; trước khi làm việc lớn thì phải làm tốt những việc nhỏ, tạo cho được sự chuyển biến mà người dân có thể cảm nhận được, có như vậy người dân mới tin tưởng và đồng hành.

PV: Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII cũng có nêu, Thành phố sẽ nỗ lực cạnh tranh với các thành phố trong khu vực và thế giới. Vậy ưu tiên của Thành phố để đạt được mục tiêu này là gì, thưa Bí thư?

Đồng chí Vương Đình Huệ: Chúng tôi đặt ra các mục tiêu tổng quát cho Thủ đô từng giai đoạn, đến năm 2025, Hà Nội là Thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô và đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.

Hà Nội không chỉ là trái tim, mà còn là bộ mặt của cả nước. Với nền văn hiến lâu đời, truyền thống văn hoá tiêu biểu, nơi hội tụ nhân tài, là “Thành phố vì hoà bình”, thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của thế giới và với vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, Hà Nội có nhiều tiềm năng, khả năng để nâng cao vị thế hơn nữa, sánh ngang với nhiều Thủ đô, trung tâm kinh tế, sáng tạo khác của Thế giới và khu vực.

Trong thời gian tới, Thành uỷ sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển ngành công nghiệp văn hóa, xác định yếu tố phát triển văn hóa, con người chính là nguồn lực nội sinh quan trọng và đột phá để phát triển bền vững Thủ đô. Phát triển kinh tế của Hà Nội cũng phải dựa trên nền tảng về văn hóa. Vì thế, Hà Nội sẽ chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa tập trung vào các lĩnh vực như: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; báo chí- truyền thông; du lịch,...

Trong bước đường đó, văn hoá - sáng tạo sẽ là những thành tố cơ bản để cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại đóng vai trò là nền tảng để Hà Nội thực hiện được 5 định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá.

Ba khâu đột phá đó là: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng một số công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Để tận dụng tốt cơ hội phát triển, năm 2021, Thường trực Thành ủy sẽ trình Bộ Chính trị 3 việc. Một là, trình Bộ Chính trị, Chính phủ xem xét, điều chỉnh quy hoạch phát triển Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050, để tạo khuôn khổ phát triển cho thành phố, phù hợp Luật Quy hoạch mới. Hai là, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thủ đô để trình Quốc hội, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung luật này. Ba là, tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, để ban hành nghị quyết mới làm hành lang pháp lý cho chiến lược phát triển tới đây.

Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, cộng với những lợi thế về mặt tự nhiên, địa lý, địa chính trị, sự quan tâm của Trung ương và thành tựu trong 35 năm đổi mới, Hà Nội có tâm thế và hội tụ đủ các điều kiện để phát triển rất mạnh trong thời gian tới. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi về làm việc với Hà Nội đều kỳ vọng vào điều này.

PV: Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ TP Hà Nội thành công tốt đẹp đã tạo nên sức mạnh to lớn cổ vũ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Với quyết tâm nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội đi vào cuộc sống, đến nay Thành ủy đã có những chỉ đạo cụ thể gì, thưa đồng chí?

Một góc TP  Hà Nội.

Đồng chí Vương Đình Huệ: Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố cũng như chủ đề của Đại hội là: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, ngay sau Đại hội, Thành ủy đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, phân định nhiệm vụ của các thành viên Ban Thường vụ Thành uỷ khoá XVII, ban hành Chương trình hành động toàn khóa để cụ thể hóa 5 định hướng, nhiệm vụ trọng tâm; 3 khâu đột phá; 14 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra. Theo đó, Thành ủy khóa XVII xây dựng và ban hành 10 chương trình công tác lớn; phân công trách nhiệm cụ thể với các đồng chí Thường trực Thành ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo 10 Chương trình, chỉ đạo các cá nhân phụ trách tập trung xây dựng nội dung, kế hoạch triển khai để trình Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 3 cho ý kiến, hoàn thiện các Chương trình để triển khai vào cuối Quý I/2021. Thành ủy cũng tổ chức quán triệt sâu rộng Nghị quyết Đại hội đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô để thực hiện và giám sát việc triển khai thực hiện…

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí! 

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực