Học Bác từ những việc làm thiết thực
Là huyện bao quanh TP Hà Tĩnh, Thạch Hà có 31 xã, thị trấn, với 232 thôn, khối phố. Toàn huyện có 52 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 31 Đảng bộ xã, thị trấn; 07 đảng bộ và 14 chi bộ cơ quan. Toàn huyện hiện có 8.397 đảng viên.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Thạch Hà giới thiệu về ưu điểm của việc xây dựng khu vườn kiểu mẫu
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thạch Hà Nguyễn Văn Thắng cho chúng tôi biết: Để có được những thành công của ngày hôm nay, Huyện ủy Thạch Hà cùng với Nhân dân đồng lòng nhất trí, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, gắn thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị với công tác xây dựng Đảng.
Cho đến nay, sau hơn 4 năm triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, thiết thực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đặc biệt, thời gian qua, Huyện ủy Thạch Hà đã đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nội dung quan trọng, bắt buộc về chính trị, tư tưởng trong các buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ. Qua công tác kiểm tra, giám sát định kỳ hàng tháng cho thấy, các tổ chức cơ sở đảng đã nghiêm túc thực hiện quy định này. Các chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đều được các chi bộ nghiêm túc triển khai, nâng cao chất lượng sinh hoạt, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động “làm theo” của cán bộ, đảng viên.
Cùng với đó, các đảng ủy, chi ủy đã chủ động viết nhật ký học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để ghi lại những tấm gương tiêu biểu, điển hình trên tất cả các lĩnh vực của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua khảo sát, đánh giá ý nghĩa của việc viết nhật ký ở các chi bộ bước đầu đã được khẳng định. Nhiều đảng ủy, chi ủy, chi bộ trực thuộc đã triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả về nội dung viết nhật ký như: Đảng ủy xã Tượng Sơn, Đảng ủy xã Phù Việt, Đảng ủy xã Thạch Long, Chi bộ Phòng Giáo dục – đào tạo…
Từ việc triển khai thực hiện Chỉ thị, toàn huyện Thạch Hà đã xuất hiện nhiều tấm gương bình dị cao quý, với những việc làm thiết thực học tập theo phong cách đạo đức của Bác Hồ, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Việc huyện kịp thời phản ánh những tổ chức, cá nhân, người tốt việc tốt trong thực hiện Chỉ thị và thực hiện nghiêm những chủ trương, quy định, nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức tại các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị đã tạo nên phong trào thi đua sâu rộng trong cả hệ thống chính trị. Huyện đã khen thưởng 112 tập thể, 155 cá nhân xuất sắc, tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Nhiều nhân tố mới điển hình trên tất cả các lĩnh vực như: Trường THCS Phan Huy Chú (thị trấn Thạch Hà); chi bộ Trường Mầm non Thạch Trị; chi bộ Vĩnh An (xã Thạch Vĩnh); Chi bộ Tây Hồ (Thạch Khê)…
Sức bật từ cơ sở
Để có được những thành quả trên là sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Điểm nhấn trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Thạch Hà là việc người đứng đầu cấp ủy nêu gương, đi đầu, phát huy tối đa dân chủ trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia NTM.
Đến nay, Thạch Hà không còn xã dưới 8 tiêu chí, số tiêu chí bình quân các xã đạt 9,93 tiêu chí/xã. 3 xã đăng ký đạt chuẩn năm 2015 là Phù Việt, Tượng Sơn, Thạch Văn đều đã hoàn thành kế hoạch. Nhiều mô hình kinh tế, hình thức tổ chức được hình thành; việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đạt kết quả khá; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an ninh trật tự được chú trọng...
Vùng cát trắng ở xã Bắc Văn (Thạch Hà) nay được thay bằng những vụ dưa hấu mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân
Mục tiêu của chương trình quốc gia xây dựng NTM là chính quyền tập trung vận động ban ngành, đoàn thể và Nhân dân xây dựng các mô hình kinh tế mới, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Đến nay, số mô hình sản xuất có hiệu quả tại Thạch Hà tăng thêm 231 mô hình có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên (trong đó có 39 mô hình lớn, 31 mô hình vừa, 161 mô hình nhỏ), bình quân đạt 7,73 mô hình/xã.
Theo cán bộ huyện Thạch Hà, chúng tôi đến thăm xã Tượng Sơn, một trong những đơn vị triển khai có hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị 03, gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các đồng chí cán bộ huyện cho biết, năm 2015, Tượng Sơn đã về đích NTM.
Nhiều công trình xây dựng nhiều tỷ đồng đã và đang được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Những con đường mới mở, những ngôi nhà mới xây với cảnh quan tường rào, hàng cây ao cá…là minh chứng khẳng định rằng đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng nông thôn đã thực sự đổi thay.
Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tượng Sơn Dương Kim Hợi: dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự đồng lòng, chung sức của Nhân dân, Tượng Sơn đã hoàn thành đúng kế hoạch về đích NTM trong năm 2015. Có được những kết quả đó, trước hết phải kể đến vai trò đóng góp to lớn của Nhân dân; thứ hai là việc học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác về vai trò “nêu gương” của cán bộ lãnh đạo đã được triển khai bài bản, hiệu quả.
Các cán bộ xã đã không quản khó khăn, ngày nắng cũng như ngày mưa, không có cả ngày nghỉ để xuống từng thôn, xóm đôn đốc, cùng với Nhân dân triển khai những công việc cụ thể trong xây dựng NTM.
Thôn Hà Thanh những năm trở lại đây đã có những thay đổi rất lớn, cán bộ huyện, cán bộ xã, cán bộ thôn đã không ngại xuống đồng, hướng dẫn bà con cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng gia sản xuất. Nhờ đó, đời sống của Nhân dân đã có những đổi thay rõ nét.
Bác Dương Kim Hòa, thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn cho biết: “Học và làm theo lời Bác thì không cần phải đao to búa lớn. Những đảng viên như chúng tôi thì hết sức lo cho cuộc sống của mình, gia đình mình, cho con cái ăn học đầy đủ để sau này trở về góp trí tuệ cùng xây dựng quê hương”.
“Trồng rau theo quy hoạch cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa, lại không vất vả mấy. Nhà tôi có 2.200 m2, với mô hình rau, củ quả, mỗi năm tôi thu lãi hơn gần 50 triệu đồng”, bác Hòa phấn khởi chia sẻ.
Ông Hoàng Trọng Thanh thôn Hà Thanh cho biết, từ năm 2011, khi huyện có chủ trương xây dựng vườn kiểu mẫu, gia đình bác đã theo sự hướng dẫn của các cán bộ xã chuyển đổi 3 ha đất sang trồng các loại rau, mướp, dưa chuột… mỗi năm gia đình bác thu về 280 triệu/ha.
“Cuộc sống của gia đình tôi đã thực sự đổi thay, con cái yên tâm học hành. Rau trong vườn của gia đình tôi có bao nhiêu hết bấy nhiêu, thậm chí không đủ cung cấp ra những huyện khác”, ông Thanh bộc bạch.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “… có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”, ở Bắc Văn, Thạch Hà không có đá, có sỏi nhưng bao quanh là những bãi cát trắng. Từ lâu, đời sống của người dân nơi đây gặp không ít những khó khăn, thiếu thốn, bởi cát trắng không thể trồng được loại cây gì.
Thế nhưng, cảnh hoang vắng, đìu hiu không một bóng cây, lưa thưa vài nóc nhà ngày xưa nay đã được thay thế bởi những màu xanh phủ kín dọc lối đi và những ngôi nhà tầng mới đã mọc lên trên những nền cát trắng. Hình ảnh những khuôn mặt rạng ngời với khí thế tươi vui phấn khởi, hòa với không khí sôi nổi trong việc thực hiện các phong trào thi đua để góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp bao trùm ở nơi đây.
Chị Nguyễn Thị Phùng, Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng thôn Bắc Văn cho biết, từ ngày có Dự án “Xây dựng mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ cao trên vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh”, nhân dân trong vùng đã “không cho cát nghỉ” mà luân phiên gối vụ nhịp nhàng quanh năm. Như tại Hợp tác xã của bà Phùng, năm 2015 cũng trồng được 3 vụ: vừng; dưa hấu; củ cải. Mỗi vụ cũng thu được vài lứa và cho năng suất cao nên ai ai cũng vui.
Bà Phùng cho biết, chi phí cho mỗi hec-ta chỉ từ 3-5 triệu đồng nhưng lại cho thu nhập khoảng 300-400 triệu đồng tùy loại rau quả. Vùng “cát chết” xưa kia nay đã trở thành “cát vàng” bởi sự sống hồi sinh, màu xanh phủ kín ngày càng đem lại thu nhập cao cho nông dân trong vùng…/.