Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân

Thứ ba, 11/12/2018 20:17
(ĐCSVN) – Tăng cường hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng nông sản; giúp nông dân kết nối với doanh nghiệp; tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tháo gỡ vướng mắc về tín dụng... là những trăn trở mà các đại biểu mong muốn Đại hội sẽ đề ra được các giải pháp hữu hiệu.

Đại hội toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023 diễn ra từ ngày 11-13/12, tại Hà Nội. Trước thềm Đại hội, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi nhận những ý kiến tâm huyết của cán bộ, hội viên, nông dân gửi đến Đại hội.

Hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng nông sản

Theo ông Nguyễn Đăng Hệ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lương Tài, Bắc Ninh hiện nay, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, thuốc bảo quản trong sản xuất nông nghiệp còn tùy tiện; tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn đáng báo động. Trước thực trạng đó, ông Hệ bày tỏ mong muốn tại Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, các đại biểu là những người đại diện cho nông dân hãy có ý kiến, kiến nghị Nhà nước có các chính sách trong công tác quản lý đất nông nghiệp phù hợp để khuyến khích người nông dân tích tụ ruộng đất, yên tâm mở rộng sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

 

Ông Nguyễn Đăng Hệ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lương Tài, Bắc Ninh 

Các đại biểu cũng kiến nghị, các cấp Hội hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điểm về sản xuất và đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm; Tăng cường hỗ trợ nông dân tiếp tục xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản và hỗ trợ thiết lập, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; Xây dựng mạng lưới thông tin nông sản, thị trường nông sản từ cấp cơ sở để khu vực, quốc gia một cách chặt chẽ, tạo điều kiện nông dân dễ dàng kết nối thông tin, tham gia.

Tháo gỡ vướng mắc về tín dụng nông nghiệp, hỗ trợ nông dân làm giàu

Ông Nguyễn Trọng Long, nông dân Việt Nam xuất sắc 2018

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Long (Hà Nội), nông dân Việt Nam xuất sắc 2018. Ông Long cho biết: Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nhất là các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, hiện người nông dân vẫn khó tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp do giá trị tài sản thế chấp của nông dân được định giá quá thấp so với thực tế.

Ông Long lấy ví dụ từ trang trại của HTX Hoàng Long do ông làm Giám đốc có giá trị đầu tư gần 70 tỷ đồng (gồm hệ thống chuồng trại, dây chuyền chế biến thức ăn, giết mổ, kho bảo quản…) nhưng lại không được dùng để thế chấp do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này gây khó khăn cho các chủ trang trại trong việc mở rộng quy mô sản xuất.

Từ đó, ông Long đề nghị trong Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023, lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đề xuất với Đảng, Nhà nước sớm có những cơ chế, chính sách để tháo gỡ những vướng mắc về hỗ trợ tín dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Giúp nông dân kết nối với doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm

“Phải trực tiếp làm thì mới thấu hiểu được sự vất vả, nhọc nhằn của những người nông dân như chúng tôi. Hiện nay, nhiều điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn khiến tôi và những người nông dân lo lắng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều hộ nông dân phải chặt bỏ những cây cam đã mất nhiều năm bỏ công sức, tiền bạc để chăm sóc do không có đầu ra ổn định cho sản phẩm.

 

Nông dân Lã Văn Bắc ở Bắc Quang, Hà Giang 

Đó là chia sẻ của nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018, anh Lã Văn Bắc ở xã Vĩnh Hảo, Bắc Quang, Hà Giang. Anh là một chủ trang trại trồng cam theo kỹ thuật mới, mỗi năm thu lãi hơn 3 tỷ đồng.

Điều trăn trở nhất với anh Bắc và nhiều nông dân là hiện đa phần nông dân vẫn loay hoay trên chính mảnh đất của mình. Bản thân anh hiện cũng đang trồng trọt và chăn nuôi theo năng lực của từng hộ gia đình, vốn vay được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, mạnh ai nấy làm chứ không có sự liên kết giữa các hộ với nhau hay các hộ với doanh nghiệp. Cũng vì lẽ đó, trong gần 10 năm gắn bó với cây cam anh đều tự mình đi tìm thị trường cho cam của gia đình.

Anh Bắc hy vọng các cơ quan có thẩm quyền sẽ hỗ trợ, lắng nghe nông dân nhiều hơn để người nông dân có thể tham gia vào chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, tạo đầu ra lâu dài ổn định cho sản phẩm làm ra.

Quan tâm hơn đến những người “vác tù và hàng tổng”

Đó là chia sẻ của Chi hội trưởng chi hội Nông dân thôn Đắc Mễ, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum Thao Lợi, một trong những đại biểu người dân tộc thiểu số ít người của tỉnh Kon Tum về dự Đại hội. 

Là người có 10 năm làm chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn, ông Thao Lợi đã luôn nỗ lực hết mình trong tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chính sách của Hội Nông dân đến hội viên. Bản thân ông cũng luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế tại địa phương. "Ở khắp mọi miền của đất nước, bà con dân tộc còn nhiều khó khăn do tập quán canh tác cũ không hiệu quả, vì vậy bản thân những người chi hội trưởng phải đi đầu trong phát triển kinh tế, có như vậy mới dễ tuyên truyền, vận động bà con làm theo" - ông Thao Lợi chia sẻ. 

 

Chi hội trưởng chi hội nông dân thôn Đắc Mễ  - ông Thao Lợi

Được là một trong những đại biểu về dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018- 2023, ông Lợi rất phấn khởi. Ông Thao Lợi bày tỏ mong muốn: Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII tạo điều kiện để các chi hội trưởng chi hội nông dân thôn có cơ hội được tham gia các hội nghị do Trung ương Hội tổ chức để giao lưu, học hỏi, coi đó là nguồn động viên, để xây dựng cơ sở Hội tốt hơn.

Cùng với đó, các cấp Hội cũng có thêm những chính sách động viên, khích lệ kịp thời để các chi hội trưởng có nguồn động lực tinh thần tiếp tục tham gia công tác vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Hội.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu về dự Đại hội cho rằng, khó khăn nhất của người nông dân hiện nay là trình độ nghề, kiến thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đặc biệt kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao còn rất thấp. Còn khoảng 70% lao động nông thôn chưa được học nghề, số học nghề 3 tháng có chứng chỉ chưa được 5%. Hiện nay, giai cấp nông dân chiếm hơn 70% dân số, nhưng theo thống kê mới nhất cho thấy, số nông dân được đào tạo nghề có chứng chỉ chỉ đạt 26%. Đáng nói là lực lượng nông dân có chứng chỉ nghề đó mới chỉ biết sản xuất hàng hóa, còn lại các kiến thức để làm sao tham gia chuỗi giá trị hàng hóa thì chưa đáp ứng được.

Các đại biểu mong muốn, Đại hội sẽ đề ra những giải pháp hữu hiệu, từ đó phối hợp với Chính phủ và các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn cho nông dân; xứng đáng với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân./.

Bài, ảnh: Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực