Từ yêu cầu thực tiễn
|
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình, Trần Hải Châu dự sinh hoạt chi bộ tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Ảnh Văn Chiến. |
Đảng bộ tỉnh Quảng Bình hiện có 577 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), trong đó, có 333 đảng bộ cơ sở, 244 chi bộ cơ sở; 76 đảng bộ bộ phận, 3.252 chi bộ trực thuộc và 76.693 đảng viên. Tỷ lệ đảng viên so với dân số trong tỉnh đạt khoảng 8%, thuộc nhóm các tỉnh có tỷ lệ đảng viên cao trong cả nước.
Đặc biệt, Quảng Bình có nhiều chi bộ mang tính chất đặc thù. Cụ thể, có 80 chi bộ với 2.449 đảng viên ở địa bàn giáp biên giới; 127 chi bộ với 3.334 đảng viên ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; 3 tổ chức đảng với 316 đảng viên và các tổ chức, cơ quan, đơn vị có trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; 1043 chi bộ có từ 30 đảng viên đến 100 đảng viên; 27 chi bộ có trên 100 đảng viên, thậm chí tới 200 đảng viên.
Do tính chất đặc thù nên việc tổ chức sinh hoạt của các chi bộ này gặp nhiều khó khăn như: tỷ lệ đảng viên vắng sinh hoạt cao, tổ chức thảo luận không tập trung, triển khai thực hiện nghị quyết không kịp thời, đồng bộ… Vì vậy, nhiều tổ chức đảng gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì nền nếp sinh hoạt định kỳ theo Điều lệ Đảng.
Đồng chí Trần Vũ Khiêm, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, thực tiễn đó đặt ra yêu cầu là phải mạnh dạn đổi mới, áp dụng một số hình thức sinh hoạt chi bộ phù hợp với tính chất đặc thù của tổ chức đảng ở cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương thí điểm 2 hình thức mới trong sinh hoạt đảng đối với các chi bộ đặc thù, gồm: Một là, sinh hoạt chi bộ theo tổ đảng ở những chi bộ khu dân cư có số lượng đảng viên đông. Hai là, sinh hoạt trực tuyến ở những chi bộ có đảng viên thường xuyên làm nhiệm vụ ở địa bàn phân tán và thực hiện nhiệm vụ đặc biệt.
Kết quả bước đầu
Qua triển khai thí điểm, đến nay, đã có 9/13 đảng bộ cấp trên cơ sở lựa chọn 44 chi bộ thí điểm tổ chức sinh hoạt, trong đó có 40 chi bộ thí điểm sinh hoạt chi bộ tại tổ đảng và 4 chi bộ thí điểm sinh hoạt trực tuyến. Bước đầu đạt một số kết quả sau:
Đối với sinh hoạt chi bộ tại tổ đảng.
Chi ủy có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo về nội dung, phân công cụ thể các đồng chí cấp ủy viên trong việc chủ trì sinh hoạt tại các tổ đảng hoặc liên tổ đảng, khắc phục được tình trạng trước đây là chuẩn bị và chủ trì sinh hoạt chi bộ chủ yếu do đồng chí bí thư chi bộ đảm nhận. Chất lượng sinh hoạt được bảo đảm; tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt bình quân đạt gần 90%. Số lượt đảng viên phát biểu tại các buổi sinh hoạt nhiều hơn trước đây do thời gian sinh hoạt được tăng lên.
Việc thực hiện các thủ tục trong sinh hoạt chi bộ như điểm danh đảng viên, thu nộp đảng phí rút ngắn lại, thuận lợi hơn, chi bộ dành được nhiều thời gian để tiến hành các nội dung chính của sinh hoạt. Cùng với đó, để giảm số lượng sinh hoạt chi bộ nhiều lần tại tổ, hầu hết các chi bộ thực hiện sinh hoạt chi bộ theo liên tổ, tùy vào số lượng tổ đảng để chia lượt sinh hoạt cho phù hợp. Ví dụ, một chi bộ có 4 tổ đảng thì thực hiện sinh hoạt 2 lượt, mỗi lượt 2 tổ đảng.
Căn cứ theo quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chi bộ và phân cấp giữa chi bộ và cấp ủy chi bộ không nhiều. Vì vậy, trong thực tế tối thiểu 1 quý, các chi bộ đã tổ chức họp toàn thể đảng viên để thực hiện các nội dung theo nguyên tắc tập trung dân chủ trực tiếp của toàn chi bộ.
Đối với sinh hoạt chi bộ trực tuyến.
Hầu hết số lượng đảng viên tham gia sinh hoạt đầy đủ 100%. Đảng viên tiết kiệm được thời gian, giảm đi lại, vừa tham gia sinh hoạt chi bộ, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, nhiều ý kiến của đảng viên cho rằng, việc áp dụng sinh hoạt chi bộ trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin là một giải pháp phù hợp, phát huy hiệu quả để hoạt động của chi bộ bảo đảm theo đúng quy định.
|
Sinh hoạt chi bộ tại xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch. Ảnh Văn Chiến. |
Một số kinh nghiệm
Một là, cấp ủy các cấp phải hết sức coi trọng phổ biến, quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung, chủ trương của Tỉnh ủy việc thực hiện thí điểm mô hình sinh hoạt đối với chi bộ đặc thù, tạo sự đồng thuận cao trong chi bộ, cấp ủy và đảng viên để thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.
Hai là, nâng cao trách nhiệm và năng lực của các đồng chí trong cấp ủy, nhất là đồng chí bí thư chi bộ trong suốt quá trình thực hiện các khâu: chuẩn bị, tổ chức sinh hoạt, ban hành văn bản và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghị quyết của chi bộ.
Ba là, kịp thời bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc của những chi bộ thí điểm cho phù hợp với thực tiễn trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phân cấp, phân quyền rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chi bộ, chi ủy, giữa tập thể và cá nhân; sửa đổi các nội dung quy định về chế độ hội họp, quy trình ban hành nghị quyết…nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ.
Bốn là, dù sinh hoạt trực tiếp, toàn thể chi bộ hay sinh hoạt theo các hình thức đặc thù, vẫn phải bảo đảm chất lượng sinh hoạt, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tinh thần tự phê bình và phê bình, giữ vững vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, các quyền của của đảng viên, tạo sự thống nhất cao trong chi bộ.
Năm là, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên và các cơ quan chuyên môn nhằm bảo đảm chất lượng sinh hoạt ở các chi bộ đặc thù; kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo, hướng dẫn và giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn.
Việc triển khai thí điểm mô hình sinh hoạt đối với chi bộ đặc thù là nội dung mới, lần đầu được triển khai ở Đảng bộ tỉnh Quảng Bình. Thời gian chưa dài nhưng bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, hiệu quả. Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổng kết, bổ sung, hoàn thiện./.