Bằng nhiều việc làm thiết thực, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thanh Hóa đã triển khai Kết luận số 684-KL/TU ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 đến các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh, cán bộ cơ quan Hội LHPN tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN 3 huyện, Chủ tịch Hội LHPN các xã và 3 mô hình chỉ đạo điểm tại huyện Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa. Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh, các cấp Hội cụ thể hóa hoạt động công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông gắn với các hoạt động công tác Hội hằng năm.
Đáng chú ý, các cấp Hội vùng đồng bào dân tộc Mông tích cực tuyên truyền, phổ biến các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho hội viên phụ nữ và Nhân dân; trọng tâm là Thông báo kết luận số 64-TB/TW ngày 9/3/2007 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư (khóa VII) về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông; Quyết định số 624-QĐ/TU ngày 23/7/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; Kết luận số 684-KL/TU, ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 464-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVIII) phê duyệt Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa”; Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”… gắn với thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới yêu nước, nhân ái, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”…
|
Tập huấn, truyền thông kiến thức phòng chống tệ nạn xã hội và tội phạm mua bán người tại huyện Quan Sơn. |
Các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, các sự kiện truyền thông, phiên chợ truyền thông kiến thức: phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tội phạm mua bán người; phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, công tác dân tộc - tôn giáo, xây dựng gia đình hạnh phúc; Luật bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; tuyên truyền về âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, sự nhẹ dạ của người dân để truyền đạo trái phép, buôn bán ma túy; truyền thông về vấn đề giới, hôn nhân cận huyết thống.... Qua đó, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ và Nhân dân tham gia.
Cụ thể, Hội LHPN huyện Quan Hóa tổ chức hội nghị tuyên truyền nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông với sự tham gia của 100 đại biểu; tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền tại 2 xã Trung Thành và xã Phú Sơn với 220 lượt người tham gia. Hội LHPN huyện Quan Sơn tổ chức 9 buổi truyền thông về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản và các vấn đề về giới, với 630 người tham gia tại 03 bản người Mông. Hội LHPN huyện Mường Lát phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 12 cuộc tuyên truyền cho 960 hội viên, phụ nữ và Nhân dân tại các bản khó khăn trong việc tiếp cận thông tin trên địa bàn về Luật phòng chống bạo lực gia đình, quyền trẻ em… nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ và Nhân dân để có các hành động thiết thực bảo vệ bản thân và gia đình trước những biến cố xảy ra...Thông qua các buổi tuyên truyền đã giúp hội viên phụ nữ dân tộc Mông nâng cao ý thức cảnh giác, hiểu biết pháp luật, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cùng với đó, các cấp hộị đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và Nhân dân cho con em đến trường. Hiện nay, tỷ lệ trẻ em người Mông 5 tuổi đi học mầm non đạt 100%, trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; vận động hội viên và Nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo điều kiện để nhân dân, hội viên giao lưu, học hỏi thắt chặt tình đoàn kết, tạo sự chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng xây dựng tin, bài, phóng sự tuyên truyền về điển hình phụ nữ dân tộc mông tiêu biểu trên các lĩnh vực, tích cực tham gia công tác Hội và phong trào phụ nữ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; phát hành cuốn Thông tin Phụ nữ Thanh Hóa, cấp phát thông tin Phụ nữ Việt Nam, triển khai các tài liệu, văn bản luật pháp, chính sách mới đến 100% chi/tổ phụ nữ vùng đồng bào dân tộc Mông làm tài liệu sinh hoạt hội viên…
Có thể nói, thông qua việc tích cực tuyên truyền của Hội LHPN Thanh Hóa đã góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống một cách thiết thực, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách dân tộc đến các hội viên, phụ nữ và Nhân dân vùng đồng bào dân tộc Mông đã mang lại nhiều kết quả tích cực, những thay đổi rõ rệt trong cách nghĩ, cách làm của đồng bào vùng dân tộc Mông ở Thanh Hóa./.