Tổ chức tốt công tác vận động bầu cử theo đúng quy định

Thứ ba, 04/05/2021 15:46
(ĐCSVN) - Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị MTTQ các cấp ở địa phương có trách nhiệm phối hợp Ủy ban bầu cử và UBND cùng cấp tổ chức tốt công tác vận động bầu cử theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...
Quang cảnh Hội nghị hiệp thương lần thứ ba tại Trung ương. (Ảnh:TH) 

Qua 3 vòng hiệp thương, số người tự ứng cử ĐBQH giảm 67 người

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: Trong các ngày từ 14-18/4, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội (ÐBQH) khóa XV.

Về kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ ba bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, ở trung ương, ngày 16/4/2021, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để thỏa thuận lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV của các cơ quan, tổ chức ở trung ương.

Theo đó, tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã biểu quyết bằng hình thức giơ tay, với 67/67 đại biểu (tỷ lệ 100%) có mặt nhất trí thông qua danh sách 205 người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV.

Cụ thể, về cơ cấu như sau: Người ứng cử là phụ nữ có 46/205 người, tỷ lệ 22,43%; người ứng cử là người dân tộc thiểu số có 22/205 người, tỷ lệ 10,73%; người ứng cử là người ngoài Đảng có 4/205 người, tỷ lệ 1,9%; người ứng cử là người trẻ tuổi (từ 40 tuổi trở xuống) có 5/205, tỷ lệ 2,43%; người tái ứng cử có 100/205, tỷ lệ 48,78%.

Ở cấp tỉnh, thành phố, từ ngày 14/4 đến hết ngày 18/4/2021, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba bầu cử ĐBQH khoá XV.

Kết quả, các địa phương đã lập danh sách được 665 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV, trong đó có 656 người được giới thiệu ứng cử và 9 người tự ứng cử; giảm 215 người so với danh sách sơ bộ được lập tại các hội nghị hiệp thương lần thứ hai; đạt tỷ lệ số dư là 2,25 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu ở địa phương (là 295 đại biểu). Tỷ lệ này ở Quốc hội khóa XIV là 2,25 lần; khóa XIII là 2,05 lần; khóa XII là 2,13 lần.

Trong đó, người ứng cử là phụ nữ có 348 người, tỷ lệ 52,33%; giảm 87 người so với danh sách sơ bộ được lập tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai (là 435 người). Cơ cấu này ở Quốc hội khóa XIV là 46,19%; khóa XIII là 241 người, tỷ lệ 37,08%. Một số địa phương có tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ cao như các tỉnh Nam Định (81,82%), Bắc Ninh (80%), Yên Bái (75%).

Người ứng cử là người ngoài Đảng có 73 người, tỷ lệ 10,98%; giảm 68 người so với danh sách sơ bộ được lập tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai (là 141 người). Những tỉnh, thành phố tỷ lệ người ứng cử là người ngoài Đảng cao như Bắc Ninh, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình.

Người ứng cử là người dân tộc thiểu số có 165 người, tỷ lệ 24,81%, giảm 57 người so với danh sách sơ bộ được lập tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai (là 222 người). Các địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số ứng cử cao như các tỉnh Lạng Sơn (100%), Lai Châu (100%), Cao Bằng (87,5%), Điện Biên (87,5%), Hà Giang (87,5%), Kon Tum (87,5%), Yên Bái (87,5%).

Người ứng cử là người trẻ tuổi (từ 40 tuổi trở xuống) có 213 người, tỷ lệ 32,03%, giảm 87 người so với danh sách sơ bộ được lập tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai (là 300 người). Cơ cấu này ở khóa XIV là 266 người, tỷ lệ 39%; khóa XIII là 180 người, tỷ lệ 27,69%.

Đối với những người tái ứng cử ĐBQH khóa XV có 105 người, tỷ lệ 15,78%. Cơ cấu này ở khóa XIV là 67 người, tỷ lệ 9,82%; khoá XIII là 83 người, tỷ lệ 12,77%. Một số địa phương có tỷ lệ người tái ứng cử khá cao như thành phố Hồ Chí Minh (39,47%), Tuyên Quang (30%), Đồng Tháp (30%), Bình Phước (37,5%), Hà Nội (27,78%).

Từ kết quả của ba vòng hiệp thương, đến nay có 153 người thuộc khối MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương ứng cử ÐBQH khóa XV, đạt tỷ lệ 17,48%. Các địa phương đã lập danh sách 665 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ÐBQH khóa XV, trong đó có 656 người được giới thiệu ứng cử và chín người tự ứng cử. Qua ba vòng hiệp thương, số lượng người tự ứng cử là 9 người, giảm 67 người so với danh sách sơ bộ được lập tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai. 9 người ứng cử tập trung ở 6 tỉnh, thành phố là: Bắc Cạn, Cần Thơ, Nam Định, Sóc Trăng, mỗi địa phương 1 người; thành phố Hà Nội 3 người và thành phố Hồ Chí Minh 2 người.

Tỉ lệ người ứng cử ĐBQH là phụ nữ chiếm 45,28%

Sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, đến 17h00 ngày 18/4/2021, số liệu về danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khoá XV là 870 người, trong đó có 205 người ở trung ương và 665 người ở địa phương, đạt tỉ lệ số dư là 1,74 lần. Tại Khóa XIV là 879 người, đạt tỉ lệ số dư là 1,76 lần; khoá XIII là 832 người, đạt tỉ lệ số dư là 1,66 lần.

Trong đó có 394 người ứng cử là phụ nữ, tỉ lệ 45,28% (khóa XIV có 344 người, tỉ lệ 39,16%; khóa XIII có 262 người ứng cử là phụ nữ, tỉ lệ 31,49%; có 187 người ứng cử là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ 21,49% (Khóa XIV có 206 người ứng cử là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ 23,44% (Khóa XIII có 134 người ứng cử là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ 16,11%); 77 người ứng cử là người ngoài Đảng, tỉ lệ 8,85% (khóa XIV có 99 người ứng cử là người ngoài Đảng, tỉ lệ 11,26% (khóa XIII có 118 người ứng cử là người ngoài Đảng, tỉ lệ 14,18%).

Quang cảnh Hội nghị hiệp thương lần thứ ba tại Hà Nội.  

Số lượng người tái ứng cử ĐBQH khóa XV là 205 người, tỉ lệ 23,56%, (khóa XIV có 168 người ứng cử là ĐBQH khóa XIV tái cử, tỉ lệ 21,99%); có 218 người ứng cử là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), tỉ lệ 25,05%, (khóa XIV có 271 người ứng cử là người trẻ tuổi, tỉ lệ 30,83%; khóa XIII có 183 người ứng cử là người trẻ tuổi, tỉ lệ 21,99%); có 9 người tự ứng cử, tỉ lệ 1% (khóa XIV có 11 người tự ứng cử, tỉ lệ 1,25%; khóa XIII có 15 người tự ứng cử, tỉ lệ 1,8%).

Khối Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp có 153 người ứng cử ĐBQH khoá XV; trong đó ở trung ương có 29 người và địa phương có 124 người, tỉ lệ 17,48%. Trong khóa XIV có 145 người, gồm 31 người ở trung ương và 114 người ở địa phương, tỉ lệ 16,5%; khóa XIII là 139 người, gồm 30 người ở trung ương và 109 người ở địa phương tỉ lệ 16,71%.

Đối với tình hình và kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ ba bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, tính đến 17 giờ 00’ ngày 20 tháng 4 năm 2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận được kết quả tổng hợp về danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo đó, tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.714 đại biểu, tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ ba lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh là 6.220 đạt 1,67 lần.

Về cơ cấu kết hợp, người ứng cử là phụ nữ có 2.542 người, tỉ lệ 40,90% (khóa XIV cả nước là 2.427 người, tỷ lệ 37,04%); người ứng cử là người dân tộc thiểu số có 1.150 người, tỉ lệ 18,5% (khóa XIV cả nước là 1.003 người, tỉ lệ 15,31%); người ứng cử là người trẻ tuổi có 1.982 người, tỉ lệ 31,9% (khóa XIV cả nước là 1.253 người, tỉ lệ 19,12%); người ứng cử là người ngoài Đảng có 750 người, tỉ lệ 12,1% (khóa XIV cả nước là 758 người, tỉ lệ 11,57%).

Về người tự ứng cử, 63/63 tỉnh, thành phố báo cáo có 17 người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh (tỷ lệ 0,27%) trong danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND (khóa XIV có 25 người).

Theo đánh giá, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất theo quy định của pháp luật để tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nhìn chung, do có sự chuẩn bị chu đáo của Mặt trận và sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan, tổ chức có liên quan, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức thành công hội nghị hiệp thương lần thứ ba, bảo đảm dân chủ, đúng luật, an toàn.

Trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị MTTQ các cấp ở địa phương có trách nhiệm phối hợp Ủy ban bầu cử và UBND cùng cấp tổ chức tốt công tác vận động bầu cử theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đặc biệt cần phối hợp chính quyền cùng cấp xây dựng các kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa người ứng cử với cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử và chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri theo kế hoạch của Ủy ban bầu cử cùng cấp.

Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiếp nhận các bản Chương trình hành động của người ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND cấp tỉnh. Ủy ban bầu cử các cấp tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử, nhất là cấp xã cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên của Mặt trận để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nắm vững pháp luật về bầu cử, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử. Song song với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp tích cực đẩy mạnh hoạt động giám sát bầu cử, nhất là giám sát việc chấp hành pháp luật của người ứng cử, giám sát trong ngày bầu cử theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam…/.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực