Trên 6,2 triệu lượt thi Tìm hiểu 90 năm ngành Tuyên giáo của Đảng

Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi lúc 20h ngày 26/7/2020, tại Nhà hát Lớn - Thủ đô Hà Nội
Thứ tư, 15/07/2020 12:20
(ĐCSVN) - Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” trên mạng Vcnet đã có trên 6,2 triệu lượt thi; trên 20 triệu lượt bạn đọc tìm hiểu lịch sử ngành Tuyên giáo. Cuộc thi trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng hướng tới kỷ niệm 90 năm ngành Tuyên giáo của Đảng.
 

Triển khai đồng bộ, sâu rộng trong ngành và toàn xã hội

 Thiết thực chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 – 01/8/2020), hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo, tổ chức, phát động Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2020)” trên mạng Vcnet. 

Để chỉ đạo điều hành Cuộc thi, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Thư ký và Ban Nội dung của Cuộc thi. Trong đó, các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc thi gồm đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam. Ban Tổ chức Cuộc thi do một đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng ban; các thành viên gồm lãnh đạo các vụ, đơn vị của các cơ quan phối hợp tổ chức Cuộc thi. Ban Nội dung là cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành tuyên giáo có trình độ, uy tín khoa học… Ban Tuyên giáo Trung ương giao Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ quan thường trực tổ chức Cuộc thi.

Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương,Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu tại Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả sau 10 tuần thi . 

Đáng chú ý, để tạo sự lan tỏa của cuộc thi, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã gửi Công văn số 8239-CV/BTGTW ngày 16/3/2020 hướng dẫn việc tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2020)”; yêu cầu Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc triển khai cuộc thi sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Là cơ quan thường trực tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm, Ban Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ đạo Ban Thư ký, Ban Nội dung xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Cuộc thi bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả. Xây dựng ngân hàng câu hỏi thi; phân công từng thành viên ra câu hỏi ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể; trên cơ sở ngân hàng câu hỏi, phân công thành viên xây dựng bộ câu hỏi cho từng tuần, đảm bảo tính chính xác, tính logic và tính hệ thống.

Nội dung câu hỏi thi trắc nghiệm đặc biệt bám sát các sự kiện, dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành Tuyên giáo nhằm làm nổi bật vai trò của công tác Tuyên giáo đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, để ôn lại bức tranh tổng thể các nghị quyết của Đảng, các chỉ dẫn của các lãnh tụ, lãnh đạo Đảng liên quan đến công tác Tuyên giáo, Ban Nội dung đã cơ cấu lượng lớn câu hỏi tập trung vào những nội dung chính sau: trọng tâm công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo được nêu trong các văn kiện Đại hội Đảng; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa; nhận định, đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng... qua các thời kỳ về công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo.

Mặt khác, trong nội dung câu hỏi thi cũng cơ cấu các câu hỏi về những thành tựu, kinh nghiệm trong lĩnh vực lý luận, khoa giáo, tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa văn nghệ, y tế, khoa học công nghệ; những địa danh lịch sử, tác phẩm lý luận, tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm thơ ca… có tác dụng tuyên truyền, cổ vũ, động viên quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới hiện nay…

Tạo sức lan tỏa từ công tác tuyên truyền

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho việc triển khai Cuộc thi, Ban Tổ chức đã không tổ chức phát động mà tập trung hướng dẫn, tuyên truyền mạnh về Cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng Vcnet từ trung ương đến địa phương ngay từ khi bắt đầu vào ngày 23/3/2020. 

Các cơ quan báo chí cũng đã tích cực vào cuộc, mở chuyên trang, chuyên mục với các tin bài viết về Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia tìm hiểu và dự thi về lịch sử ngành Tuyên giáo của Đảng. 
Đặc biệt, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam với nhiệm vụ là cơ quan Thường trực của Cuộc thi đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan báo chí như: Tạp chí Tuyên giáo, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, báo Tiền phong, Báo Đại biểu nhân dân, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Tạp chí Zing.vn… tổ chức tốt cuộc thi hằng tuần. 

Trong quá trình tổ chức cuộc thi, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên nhận được phản hồi, trao đổi từ những tập thể, cá nhân quan tâm đến Cuộc thi trên mạng Vcnet cũng như điện thoại, email hoặc trực tiếp gặp gỡ với cơ quan thường trực của Ban Tổ chức cuộc thi để phản ánh những vướng mắc trong quá trình tổ chức, tham gia Cuộc thi và kết quả thi của cá nhân và tập thể; đề nghị hướng dẫn, gợi ý về các nội dung như nguồn tài liệu tham khảo cũng như thông tin về kết quả Cuộc thi. 

Ngay sau khi nhận Công văn số 8239-CV/BTGTW, ngày 16/3/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương, nhận thấy ý nghĩa và tác dụng của cuộc thi đối với công tác tư tưởng, cũng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn ngành Tuyên giáo, nhiều cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, có công văn chỉ đạo triển khai cuộc thi sâu rộng; phổ biến đăng tải nội dung, thể lệ Cuộc thi, đôn đốc và khuyến khích cán bộ, đảng viên, chiến sĩ tham gia dự thi; hằng tuần tổ chức trao đổi, thảo luận về đề thi, các phương án trả lời và có hình thức thi tập thể trước giờ giao ban, chào cờ đầu tuần… điển hình như: Tỉnh Hà Tĩnh, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An, Đảng bộ Quân đội…

Cùng với cơ quan thường trực là Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí trung ương và các cơ quan báo chí của các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố trong cả nước đã tải đường link của Cuộc thi kèm theo hướng dẫn đăng nhập, kịp thời đăng tải nội dung và kết quả Cuộc thi từng tuần; thường xuyên cung cấp đến bạn đọc những tài liệu tuyên truyền về lịch sử 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng. 

 Các đại biểu tham gia Hội nghị sơ kết 10 tuần đầu của cuộc thi.

Bên cạnh đó, các báo cũng có nhiều bài viết phản ánh về tác động của cuộc thi đến xã hội, phản ánh tư tưởng, tình cảm của người dự thi với Ngành Tuyên giáo, với Cuộc thi. Các hoạt động này đã tạo được hiệu quả tuyên truyền cao, có tác dụng khuyến khích các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, cá nhân tiếp tục tổ chức triển khai và tham gia Cuộc thi, từ đó tạo nên đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt với ngành Tuyên giáo, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là đối với thế hệ trẻ về lịch sử 90 năm ngành Tuyên giáo của Đảng.

Trong 16 tuần thi, Ban Nội dung đã đưa ra 160 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi tuần tương ứng với mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể của ngành Tuyên giáo; nêu bật các mốc son lịch sử của ngành, gắn với những thành tựu quan trọng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp đổi mới hiện nay. 

Những kết quả thật sự ấn tượng

 Đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết, Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” trên mạng Vcnet đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. Tổng số lượt thi đạt 6.215.000 lượt. Về độ tuổi, người dự thi dưới 18 tuổi chiếm 37%, từ 18 đến 30 tuổi chiếm 25%; từ 31 đến 55 tuổi chiếm 37% và trên 55 tuổi chiếm 1%. 

Đáng chú ý, với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cơ quan trung ương, ban tuyên giáo các tỉnh, thành phố, đảng ủy trực thuộc trung ương, số người dự thi và lượt thi tăng nhanh ngay từ những tuần đầu, minh chứng cho sức lan tỏa rộng rãi của cuộc thi, đặc biệt có những tuần số lượt người tham gia dự thi tăng rất cao (gần 293.600 người thi với gần 578.000 lượt )… Cụ thể, số người dự thi ở tuần 1 là 41.488 người thi với 136.217 lượt, tuần 2 là 102.640 người thi với 298.192 lượt, tuần 3 là 197.615 người thi với 449.976 lượt, tuần 4 là 274.410 người thi với 571.907 lượt, tuần 5 là 293.592 người thi với 577.970 lượt… và giữ ổn định đến những tuần thi cuối cùng. 

Về tập thể, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm  sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức cuộc thi của nhiều ban tuyên giáo tỉnh, thành ủy nên  ở những địa phương đó có nhiều người tìm hiểu lịch sử ngành tuyên giáo, nhiều người dự thi,  nhiều người đoạt giải. Điển hình  là ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy: Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh; Đà Nẵng; Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Hà Nam, Lai Châu, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bình Dương.

Thành công lớn nhất là cuộc thi đã  góp phần quan trọng khẳng định vị trí và uy tín của mạng xã hội Vcnet. Số tài khoản đăng ký và sử dụng mạng xã hội Vcnet tăng mạnh, tới nay đạt con số 1.418.683  tài khoản, trong đó có 56% số người tham gia mạng xã hội Vcnet tham gia Cuộc thi. Trung bình 1 tuần có 48.000 người mới tham gia mạng Vcnet tham gia thi. Vcnet đã  trở thành diễn đàn trao đổi bổ ích cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân… Thông qua Cuộc thi, Chuyên mục 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam được nhiều bạn đọc truy cập tìm hiểu hằng tuần, có số lượt truy cập cao trong tốp đầu của Báo, đã có trên 15 triệu lượt người truy cập tìm hiểu về lịch sử  truyền thống ngành Tuyên giáo trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và mạng Vcnet. 

Đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi thông tin về cuộc thi tại Hội nghị sơ kết 10 tuần đầu của Cuộc thi. 

Theo thống kê, Ban Tổ chức đã đưa ra 160 câu hỏi trong 16 tuần diễn ra Cuộc thi. Sau 16 tuần, Ban Tổ chức đã xác định được chủ nhân của 198 giải thưởng của 166 người đến từ 39 tỉnh, thành phố, gồm: 16 giải nhất; 32 giải nhì; 80 giải ba; 128 giải khuyến khích với tổng trị giá giải thưởng là 474 triệu đồng. Hà Tĩnh là tỉnh đoạt nhiều giải nhất với 77 giải, chiếm 30% tổng số giải, trong đó có 2 giải Nhất, 10 giải Nhì, 33 giải Ba, 32 giải Khuyến khích; Nghệ An có 37 giải, trong đó có 5 giải Nhất, 4 giải Nhì, 11 giải Ba, 17 giải Khuyến khích; Thành phố Hồ Chí Minh có 10 giải, trong đó có 1 giải Nhì, 5 giải Ba, 4 giải Khuyến khích; Hà Nội có 10 giải, trong đó có 3 giải Nhì, 2 giải Ba, 5 giải Khuyến khích; Hưng Yên có 10 giải, trong đó có 1 giải Nhì, 3 giải Ba, 6 giải Khuyến khích; Vĩnh Phúc có 8 giải, trong đó có 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải Khuyến khích; Đồng Tháp có 8 giải, trong đó có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải Khuyến khích…

Điểm nhấn là có rất nhiều người đã tham gia thi ở cả 16 tuần. Đặc biệt, có bạn Đặng Thị Thanh Hương, giáo viên Trường THPT Tam Đảo, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc là người có tổng lượt thi các tuần nhiều nhất với 63.312 lượt; bạn Đoàn Văn Nam, Trường THPT Cái Bè, khu 3, thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là người có số lượt thi nhiều nhất trong 1 tuần với 6.735 lượt.

Về cá nhân, bạn Võ Thị Hương ở Nghệ An là người thi đoạt nhiều giải thưởng cao nhất với 2 giải Nhất, 03 giải Khuyến khích; Bạn Nguyễn Doãn Báu, tỉnh Hà Tĩnh với 3 giải Nhì, 2 giải Ba, 3 giải Khuyến khích… Và người đoạt nhiều giải nhất là bạn Phan Khắc Bách ở Hà Tĩnh với 5 giải Ba, 4 giải Khuyến khích. Điểm đáng chú ý là rất nhiều người đoạt giải chỉ với một lần tham gia thi tuần như bạn Nguyễn Thị Xuân ở Thái Nguyên giải Nhất tuần 4; bạn Trần Ngọc Thảo đạt giải nhất tuần 16; bạn Trần Quốc Thành, Trần Quang Khởi giải Nhì tuần 4; bạn Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Mạnh Linh giải Nhì tuần 8; bạn Đoàn Công Trường giải Ba tuần 7….

Đến thời điểm này, có thể khẳng định, Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng đã thành công tốt đẹp. Cuộc thi đã góp phần góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết, nhận thức và niềm tự hào về truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bóp méo lịch sử của các thế lực thù địch; tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và những bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác tuyên giáo của Đảng ta và tiếp tục vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay…/.

Ban Tổ chức Cuộc thi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Xin trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí đã đồng hành phối hợp hiệu quả tổ chức Cuộc thi; cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học đã  tâm huyết giúp Ban Nội dung Cuộc thi với nhiều câu hỏi trắc nghiệm sâu sắc, hấp dẫn.

Xin cảm ơn các quý độc giả của các cơ quan báo chí và người dùng VCNet, cùng các thí sinh đã trực tiếp, gián  tiếp tích cực tham gia Cuộc thi...

Chương trình nghệ thuật "Giữ trọn niềm tin" và  tổng kết Cuộc thi sẽ phát sóng trực tiếp trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, đồng thời phát trực tuyến trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (dangcongsan.vn) vào 20h ngày 26/7/2020 tại Nhà hát Lớn - Thủ đô Hà Nội .

 

 
Ban Tổ chức Cuộc thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực