|
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao Bằng công nhận Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đạt chuẩn mức 1 (Ảnh: Khánh Lan) |
Chiều 29/12, Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đạt chuẩn mức 1. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là mốc son đánh dấu chặng đường 67 năm xây dựng và phát triển của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái.
Tham dự buổi lễ có: Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Tạ Văn Long, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái; đồng chí Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương,
Mốc son trong chặng đường 67 năm xây dựng và phát triển của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái
Phát biểu tại buổi lễ, điểm lại quá trình 67 năm xây dựng và phát triển của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết: Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 về trường chính trị chuẩn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 25/10/2021 về xây dựng Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đạt các tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1, giai đoạn 2022 - 2025; xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong nhiệm kỳ này.
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã trực tiếp, thường xuyên chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để Nhà trường thực hiện các mục tiêu, nội dung của Đề án, bao gồm: đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm; tuyển dụng, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; đặc biệt là đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn thông qua việc giao nhiệm vụ, đặt hàng thực hiện các đề tài, hội thảo khoa học các cấp, gắn với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh Yên Bái.
Bằng sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc của Nhà trường, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp trong tỉnh Yên Bái, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái chính thức được đón bằng công nhận Trường chính trị đạt chuẩn mức 1, sớm 2 năm so với kế hoạch và là trường chính trị thứ 8 trong cả nước có được vinh dự to lớn này. Đây cũng là niềm vinh dự, tự hào chung của toàn Đảng bộ tỉnh Yên Bái.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy ghi nhận sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh Yên Bái; chúc mừng Nhà trường đã vinh dự được công nhận Trường Chính trị đạt chuẩn mức 1 - một mốc son trong chặng đường 67 năm xây dựng và phát triển của Nhà trường.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đề nghị các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Yên Bái, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, và tập thể cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Đồng thời, quan tâm hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, về xây dựng trường chính trị đạt chuẩn. Sớm tham mưu xây dựng, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt Đề án xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn mức 2 giai đoạn 2025 - 2030 với kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách bài bản, khoa học, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn; Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng gắn học tập lý luận với nâng cao năng lực, kỹ năng thực hành. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, trong đó, chú trọng các lĩnh vực mang tính đặc thù của địa phương, xây dựng, phát triển tỉnh Yên Bái theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”…; Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, bảo đảm vừa nắm vững quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, điều kiện thực tiễn và định hướng phát triển của địa phương, vừa có trình độ lý luận chính trị, năng lực nghiên cứu, phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị Nhà trường, bảo đảm dân chủ, khoa học, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương; xây dựng văn hóa trường Đảng chuẩn mực, kiểu mẫu, có bản sắc riêng; Chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý học viên…, xây dựng Trường thành Trường học chuyển đổi số.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy tin tưởng, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, ngày càng khẳng định uy tín, vị thế của Trường Đảng địa phương, sớm hoàn thành các tiêu chí Trường chính trị chuẩn mức 2 trong giai đoạn 2025-2030, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ tỉnh đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
|
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái tặng hoa chúc mừng Trường Chính trị tỉnh đón nhận Bằng công công nhận đạt chuẩn mức 1 (Ảnh: Khánh Lan) |
Tiến tới xây dựng Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đạt chuẩn mức 2
Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn được Ban Bí thư ban hành ngày 19/5/2021. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, mục tiêu xây dựng trường chính trị thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn duy nhất ở mỗi địa phương, hệ thống các trường chính trị đã có sự chuyển mình, bứt phá rất mạnh mẽ, nhanh chóng, đầy quyết liệt, từ đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, thực hiện kỷ luật, kỷ cương, văn hóa trường Đảng đến cơ sở vật chất của mỗi nhà trường. Việc đánh giá trường chính trị đạt chuẩn mức 1 với 55 chỉ tiêu, 6 nhóm tiêu chí theo Quy định 11 là rất quan trọng, cần thiết, để qua đó, đánh giá chất lượng trường chính trị và hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, khắc phục bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị - 1 trong 27 nhóm biểu hiện suy thoái trong cán bộ, đảng viên mà Nghị Quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra. Đây là quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tính đến thời điểm này, đã có 8 trường được công nhận chuẩn mức 1, có 60 trường được tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án, nhiều trường đang cố gắng thúc đẩy đạt chuẩn sớm hơn mục tiêu, lộ trình Đề án.
Trường Chính trị tỉnh Yên Bái thuộc khu vực miền núi phía Bắc, nơi có điều kiện còn khó khăn so với các trường chính trị khác trong cả nước nhưng lại vinh dự là đơn vị thứ 8 trong cả nước, thứ 2 trong khu vực miền núi phía Bắc được công nhận trường chính trị chuẩn mức 1. Trường Chính trị tỉnh Yên Bái bắt đầu triển khai Quy định số 11, chỉ đạt 35/55 chỉ tiêu chuẩn mức 1 (63,6%), thuộc nhóm trung bình của cả nước. Sau hơn hai năm thực hiện, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã bứt phá để được công nhận đạt chuẩn mức 1 với đủ 55 chỉ tiêu của 6 nhóm tiêu chí, trong đó 8 chỉ tiêu vượt chuẩn.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, những kết quả Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đạt được thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên về mọi mặt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái và sự phối hợp rất hiệu quả của các ban, sở, ngành; sự chỉ đạo chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đặc biệt là sự cố gắng, tinh thần chủ động, tích cực, quyết tâm cao cùng cách làm sáng tạo, quyết liệt, đột phá của Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, giảng viên trường qua nhiều nhiệm kỳ, nhiều thế hệ. Tất cả đã đồng lòng, quyết tâm đổi mới, tập trung xây dựng, triển khai từng bước các nhiệm vụ cụ thể, thể hiện sâu sắc hơn bản chất văn hóa của trường Đảng, khẳng định khát vọng vươn lên của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên.
Thay mặt lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Ban Giám hiệu, tập thể cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường; sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Theo đó, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm từ quá trình triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW, từ sự thành công trong xây dựng trường chính trị chuẩn như: Để xây dựng trường chính trị chuẩn cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Ban Thường vụ, của Thường trực tỉnh ủy và nhất là vai trò người đứng đầu; Phát huy vai trò chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thực hiện có hiệu quả phương châm "tăng cường quản lý, kết nối hệ thống" bằng nhiều phương pháp, cách thức phong phú, đa dạng, linh hoạt; Phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, viên chức trường chính trị, thống nhất quyết tâm xây dựng trường chính trị trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở địa phương; Sự phối hợp, ủng hộ, tạo điều kiện của các cơ quan có liên quan. Xây dựng trường chính trị chuẩn thành công là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và sự hướng dẫn của Trung ương.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; “dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu”. Theo đó, trước hết cần tiếp tục tập trung quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đó chính là Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, để nơi đây thực sự là một "địa chỉ đỏ" về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh; ngày càng đào tạo, bồi dưỡng được nhiều cán bộ “có tâm, có tầm”, có khát vọng xây dựng tỉnh Yên Bái giàu đẹp.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị: Trong thời gian tới, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và các ban, sở, ngành của tỉnh Yên Bái tiếp tục quan tâm, đầu tư, duy trì, giữ vững trường chính trị chuẩn mức 1, tiến tới xây dựng Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đạt chuẩn mức 2, đây chính là sự chuẩn bị tốt nhất về đội ngũ cán bộ để phục vụ thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ “đưa Yên Bái trở thành tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc”.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Khánh Lan) |
Đối với Trường Chính trị tỉnh Yên Bái cần tham mưu Tỉnh ủy Yên Bái xây dựng Đề án trường chính trị chuẩn mức 2, rà soát các tiêu chí chuẩn mức 2, phân chia các tiêu chí đã đạt, sắp đạt chuẩn mức 2 để xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực phù hợp để phấn đấu thực hiện. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện nghiêm quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong học tập và giảng dạy. Trong công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, cần tập trung tham gia xây dựng, góp ý kiến cho Văn kiện Đại hội đảng bộ tỉnh Yên Bái, cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV; các đề tài, đề án, hội thảo cần tập trung vào các vấn đề thực tiễn của tỉnh Yên Bái. Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cần chú trọng chất lượng. Phải có nhiều hơn các đề tài, đề án được chuyển giao, có nhiều kiến nghị và giải pháp đưa vào áp dụng trong thực tiễn. Tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái cần sớm ban hành Đề án xây dựng trường chính trị chuẩn mức 2. Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, có thêm các giải pháp phù hợp, cụ thể để Trường Chính trị tỉnh Yên Bái tiếp tục giữ vững các tiêu chí đã đạt được, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí thiếu để sớm đạt chuẩn mức 2; Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát để trường chính trị tỉnh trở thành nơi kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất của một trường Đảng kiểu mẫu ở địa phương. Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho trường có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại để thực hiện nhiệm vụ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có thể giao cho trường tham mưu, nghiên cứu những vấn đề lớn mang tính chiến lược liên quan đến công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.