Đó là chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 02 năm thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư (2019-2020); tổng kết 05 năm tổ chức hoạt động của cụm thi đua (2015-2020); tổng kết công tác trường chính trị năm 2020 do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 23/12 tại Hà Nội.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Theo PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện, sau 02 năm thực hiện Quy định số 09, công tác trường chính trị đã có những chuyển động mạnh mẽ trên nhiều phương diện, góp phần thúc đẩy các trường tích cực, chủ động đổi mới toàn diện các mặt công tác, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho địa phương.
Lần đầu tiên, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Quy định của Ban Bí thư tới đại diện các ban Đảng Trung ương, thường trực các tỉnh, thành ủy, lãnh đạo Ban Tổ chức, Ban Giám hiệu các trường chính trị các tỉnh. Học viện đã kịp thời triển khai một số nhiệm vụ theo tinh thần của Quy định số 09 như: nghiên cứu 3 đề án xây dựng khung chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở; đề án xây dựng khung chương trình và biên soạn tài liệu bồi dưỡng chức danh khối Đảng ở cơ sở; hoàn thiện thể chế về công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của trường chính trị.
Chỉ sau 1 năm triển khai, 62/63 tỉnh, thành ủy ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị, hầu hết đều thực hiện đúng Quy định số 09 xác định đúng vị trí của trường chính trị là trường Đảng, có chức năng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cơ quan nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng cán bộ, cơ quan nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của địa phương; bảo đảm đúng số lượng và tên các khoa, phòng.
Nhiệm kỳ 2020-2025, 39 tỉnh, thành ủy đã bố trí tỉnh ủy viên là hiệu trưởng trường chính trị; nhiều tỉnh có sáng tạo riêng, quy định mối quan hệ công tác giữa trường chính trị với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ, UBND, các ban của tỉnh, các ngành, địa phương để tạo thuận lợi cho trường chính trị hoạt động.
*Về kết quả 05 năm tổ chức hoạt động của cụm thi đua, trường chính trị cấp tỉnh, trường, bộ, ngành đã đẩy mạnh phong trào thi đua với chủ đề "Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học" do Giám đốc Học viện phát động. Các phong trào thi đua được tổ chức tại 72/72 trương, 10/10 cụm thi dua với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế.
Số lượng lớp đào tạo, bồi dưỡng được các trưởng mở năm sau cao hơn năm trước. Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều trường đã tìm tòi, đổi mới, sáng tạo nhiều hoạt động. Công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường có sự phát triển vượt bậc. 5 năm có 2.006 đề tài khoa học các cấp trong đó có 02 đề tài khoa học cấp Nhà nước, 07 đề tài cấp bộ, 191 đề tài cấp tỉnh.
*Trong năm 2020, các trường chính trị tiếp tục đổi mới đồng bộ các khâu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng từ tuyển sinh, mở lớp, quản lý học viên, thực hiện nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức giảng dạy... Các trường đã tổ chức 3.118 lớp đào tạo, bồi dưỡng với gần 269 nghìn học viên, tăng 121% về số lớp, 135% số học viên.
Các trường đã triển khai 3 đề tài khoa học cấp bộ, 29 đề tài cấp tỉnh, 247 đề tài cấp trường... 647 sáng kiến kinh nghiệm các cấp, 04 hội thảo quốc gia, 55 hội thảo cấp khu vực... Để nâng cao chất lượng cán bộ, giảng viên, trong năm, nhiều trường đã mở lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp sư phạm đáp ứng nhu cầu của đội ngũ giảng viên.
|
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Nhấn mạnh năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, việc cập nhật những nội dung mới, cốt lõi của Đại hội XIII và đại hội Đảng bộ các tỉnh là ưu tiên số một. Cùng với đó, các trường cần tiếp tục triển khai xây dựng nhà trường theo Quy định số 09 để xây dựng các trường đạt chuẩn; thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về chuyên môn, nghiệp vụ và các công tác khác có liên quan; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giảng dạy, học tập; chăm lo công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ giảng viên; chú trọng chất lượng báo cáo kiến nghị với các tỉnh ủy, thành ủy; địa phương, đơn vị…
“Cùng với việc chuẩn hóa nội dung, chương trình, cơ sở vật chất, đổi mới phương thức lên lớp, dành nhiều thời lượng để giảng viên, học viên tương tác, thảo luận, các trường chính trị, trường ngành cần tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, để đấu tranh với những biểu hiện sai trái, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các trường phải tham gia mạnh mẽ vào cuộc đấu tranh này, viết nhiều bài viết trên các trang mạng để phản bác thông tin xuyên tạc, sai sự thật”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị Học viện tập trung xây dựng các chương trình, biên soạn giáo trình đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm chất lượng, cập nhật kịp thời những nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tổ chức tốt các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên các trường chính trị; trường bộ ngành, đoàn thể Trung ương; chú trọng các lớp tập huấn chương trình giáo trình trung cấp lý luận chính trị cho giảng viên các khoa; tiếp tục làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh về công tác trường chính trị và các công tác khác có liên quan…
Tại Hội nghị, một số đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc đã vinh dự được nhận Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh./.