Vùng đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Thứ ba, 12/07/2022 11:46
(ĐCSVN) – Đó là yêu cầu của đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết đối với 11 tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng.
Vùng đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (Nguồn: vtvgo.vn) 

Ngày 12/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết; đồng chí Lê Quân, Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội; đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết.

Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy thuộc vùng đồng bằng sông Hồng; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành thuộc các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng; một số một số chuyên gia, nhà khoa học.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết phát biểu định hướng tại Hội thảo. 

Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, có địa hình tương đối bằng phẳng với hệ thống sông ngòi dày đặc, gồm có 11 tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội; diện tích toàn Vùng hơn 21.278 km2 chiếm 6,42% diện tích cả nước, dân số khoảng 22,92 triệu người chiếm khoảng 22% dân số cả nước. Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; là trung tâm khoa học công nghệ; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực; là vùng đất lịch sử lâu đời, nơi khai sinh các vương triều Đại Việt với nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều cảnh quan thiên nhiên và hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, nhiều lễ hội đặc sắc và nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Tài nguyên thiên nhiên gắn với hệ thống sông Hồng, với diện tích lớn đất phù sa và nhiều loại khoáng sản có giá trị lớn. Tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng và phong phú với cảnh quan đẹp, hệ sinh thái rừng nhiệt đới, các suối nước khoáng, một số hang động bí hiểm lạ mắt, các bãi biển đẹp và nổi tiếng.

Ngày 14/9/2005 Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Ngày 28/10/2011, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW đã đề ra các yêu cầu về phát triển văn hóa, xã hội, môi trường cho toàn vùng.

Sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và 11 năm thực hiện Kết luận 13-KL/TW của Bộ Chính trị, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Bộ Chính trị, vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và môi trường. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã có bước thay đổi rất nhanh chóng. Văn hóa, giáo dục được tập trung đầu tư, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển con người đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Khoa học công nghệ được quan tâm phát triển, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng CN4.0 và chuyển đối số. Nhận thức và trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường ngày càng được tăng cường.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều tồn tại, hạn chế; nhiều vấn đề mới phát sinh và được đặt ra đối với phát triển vùng trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước. Một số mục tiêu của Nghị quyết 54 đề ra chưa đạt được. Do vậy, để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị, trên cơ sở đó tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Hội thảo có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn giúp Ban Chỉ đạo tổng kết nghị quyết 54-NQ/TW hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các nhiệm vụ, giải pháp mới về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tài nguyên - môi trường và nguồn nhân lực nhằm phát triển toàn diện vùng đồng bằng sông Hồng thời gian tới. Hội thảo cũng là cơ hội để lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá lại thực trạng phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tài nguyên - môi trường và nguồn nhân lực vùng thời gian qua; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là về thể chế, các cơ chế, chính sách, nguồn lực nhằm phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tài nguyên - môi trường và nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh tình hình mới.

Hình ảnh tại Hội thảo. 

Tại Hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ, phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo; Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai là 4/10 nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, chủ yếu mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua.

Đồng thời với đó, phát triển các vùng kinh tế là một chủ trương xuyên suốt của Đảng ta. Nghị quyết Đại hội XIII đã yêu cầu: Xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Khai thác tốt hơn các thế mạnh của các vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh và yêu cầu phát triển mới. Phát triển tổng thể, mang tính hữu cơ, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng thành một thể thống nhất. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh. Xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm trí tuệ nhân tạo tại các vùng trọng điểm. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giá trị lịch sử, truyền thống. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù chăm lo giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo sinh kế, việc làm.

"Vùng đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy mạnh mẽ các trung tâm đổi mới sáng tạo. Tập trung xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn" - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh.

Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị lãnh đạo các Bộ ngành, đại diện lãnh đạo các địa phương và các nhà khoa học cần tập trung thảo luận, đánh giá, làm rõ những thành tựu, kết quả đạt được cũng như chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các nhiệm phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường của toàn vùng và từng địa phương.

Đánh giá toàn diện các thuận lợi và khó khăn về việc ban hành, tổ chức thực hiện và hiệu lực, hiệu quả các cơ chế, chính sách mang tính toàn vùng, nhất là vấn đề liên kết để tối ưu hóa nguồn lực phát triển, việc thu hút nguồn lực xã hội - xã hội hóa để phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên - môi trường

Làm rõ hơn về xu hướng tất yếu và lợi ích của các địa phương khi tăng cường liên kết vùng về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường trong bối cảnh tình hình mới; các phương thức, biện pháp để tăng cường hợp tác, liên kết vùng trong phát triển các lĩnh vực này.

Đồng chí cũng yêu cầu cần phân tích, đánh giá bối cảnh, tình hình mới tác động đến từng lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường và nguồn nhân lực của vùng và từng địa phương trong vùng, đặc biệt là tác động của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống (dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu với cam kết NetZero 2050 tại COP26…), cuộc Cách mạng CN4.0 với quá trình chuyển đổi số… đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đất nước ta trong đó có vùng đồng bằng sông Hồng. Các yếu tố này vừa là thách thức nhưng cũng vừa là thời cơ cho đất nước ta nói chung và vùng chúng ta nói riêng để tạo đột phá cho phát triển nhanh, bền vững.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của các lĩnh vực văn hóa, xã hội, KHCN, môi trường, cùng với việc nắm rõ bối cảnh tình hình mới, phát huy thành tựu, khắc phục hạn chế, tồn tại, tôi đề nghị các quý vị cùng đề xuất các quan điểm phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, KHCN, môi trường vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ, trách nhiệm, tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, hiệu quả đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra, góp phần củng cố các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc tổng kết Nghị quyết 54- NQ/TW; là một trong những cơ sở quan trọng để xây dựng một Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Tài Chính

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực