Chiều 24/9, tại TP Cần Thơ, Học viện Chính trị khu vực IV tổ chức Hội thảo khoa học: Xây dựng đội ngũ cán bộ “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ trì Hội thảo có TS Phan Công Khanh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; PGS, TS Nguyễn Xuân Phong - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; ThS Lâm Anh Khoa - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng; ThS Phạm Thị Thơm - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang; TS Phan Thị Thúy Vân - Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực IV.
Dự Hội thảo còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Trường Chính trị, các nhà khoa học đến từ trường đại học, các viện nghiên cứu, Học viện Chính trị khu vực IV…
|
Quang cảnh Hội thảo. |
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Xuân Phong, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV nhấn mạnh, trong công cuộc đổi mới, có những tấm gương đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sáng tạo để xây dựng đất nước, điển hình như đồng chí Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú; đồng chí Trường Chinh đặt nền móng cho công cuộc đổi mới; đồng Võ Văn Kiệt với chủ trương “xé rào”; đồng chí Nguyễn Văn Linh với chủ trương kinh tế nhiều thành phần; và gần đây, đồng chí Nguyễn Phú Trọng với tinh thần chống giặc nội xâm quyết liệt đã làm cho phong trào chống tham nhũng tiêu cực trở thành một xu thế không thể khác. Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp tục công cuộc phòng chống tham nhũng để làm trong sạch xã hội…
Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là “Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc”. Trong công cuộc đổi mới, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, khá toàn diện về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Những thành công trên có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ của Vùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng đội ngũ cán bộ “6 dám” ở Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế. Tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm diễn ra khá phổ biến ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và nhiều địa phương khiến tâm lý, dư luận xã hội không khỏi hoài nghi, thất vọng.
Trước thực tế này và từ yêu cầu, đòi hỏi đặt ra trong xây dựng đội ngũ cán bộ, các đại biểu dự hội thảo đã tập trung thảo luận làm rõ, sâu sắc nội hàm của đội ngũ cán bộ “6 dám”; các yếu tố ảnh hưởng; quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phân tích kinh nghiệm, những cách làm hay; những thành tựu nổi bật, hạn chế cũng như nguyên nhân và những vấn đề đặt ra hiện nay; đề xuất phương hướng, giải pháp và kiến nghị về cơ chế khuyến khích và bảo vệ đội ngũ cán bộ “6 dám” hiện nay; một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”...
Các ý kiến đều khẳng định, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là yêu cầu tất yếu đối với cán bộ trong công cuộc đổi mới. Từ phương thức phát triển công cuộc đổi mới, đặt ra yêu cầu cần bảo vệ và phát triển những người tiên phong, dũng cảm vì đổi mới, sáng tạo. Một số ý kiến đã phân tích động lực và trở lực của đổi mới, sáng tạo; chia sẻ kinh nghiệm triển khai một số mô hình, cách làm sáng tạo ở địa phương, cơ quan, đơn vị; hiến kế, tư vấn, đề xuất nhiều giải pháp khả thi, như: Phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, nhất là của người đứng đầu trong xây dựng đội ngũ cán bộ “6 dám” hiện nay; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đối với xây dựng đội ngũ cán bộ “6 dám” ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và ở nước ta nói chung; hoàn thiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ đội ngũ cán bộ “6 dám” hiện nay; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ ở Đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới...
Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ “6 dám” là rất đúng đắn. Các tham luận đã phân tích, đánh giá sâu về các nhân tố đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng đội ngũ cán bộ “6 dám”. Đây là căn cứ, cơ sở khoa học quan trọng góp phần cho Đảng, Nhà nước tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng, khuyến khích và bảo vệ đội ngũ cán bộ “6 dám” ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới. Học viện sẽ chắt lọc để xây dựng báo cáo kiến nghị gửi Đảng, Nhà nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ “6 dám” ở Đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới hiện nay./.