Trải qua 110 năm xây dựng và phát triển với nhiều lần thay đổi về tên gọi, địa giới hành chính, đồng bào các dân tộc luôn phát huy tinh thần đoàn kết, cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng và bảo vệ quê hương Lai Châu, bảo vệ vững chắc biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc.
Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc với bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của 20 dân tộc, là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh. Kể từ khi Đảng bộ tỉnh được thành lập (10/10/1949), dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, đồng bào các dân tộc Lai Châu đã cùng quân và dân cả nước kiên cường đấu tranh giành nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm nước ta và đưa quân đánh chiếm Lai Châu. Đồng bào các dân tộc Lai Châu đã cùng Nhân dân cả nước vùng lên chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Cùng với việc thành lập Mặt trận Tây Bắc và hoạt động của bộ đội Tây Tiến, các đội vũ trang tuyên truyền, phong trào cách mạng ở Lai Châu phát triển nhanh chóng. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng nhận định, vấn đề cấp bách đặt ra lúc này là phải có một tổ chức Đảng làm hạt nhân lãnh đạo, tổ chức quần chúng Nhân dân đấu tranh và tiến hành cuộc kháng chiến thắng lợi.
Thực hiện chủ trương đó, ngày 10/10/1949, Ban Thường vụ Liên khu ủy 10 đã ra Nghị quyết thành lập Ban Cán sự Lai Châu - tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự trưởng thành của phong trào cách mạng địa phương. Kể từ đây, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tham gia ngày càng tích cực vào cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta.
Bí thư Tỉnh ủy Giàng Páo Mỷ với Nhân dân xã Tà Mung, huyện Than Uyên. (Ảnh: Báo Lai Châu) Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ tỉnh đã động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ngày 12/12/1953, chiến dịch Lai Châu - mở màn cho cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 giành thắng lợi giòn giã, thị trấn Lai Châu được giải phóng.
Nhân dịp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào và cán bộ Lai Châu, Người viết: “Đã hơn 80 năm nay, đồng bào tỉnh nhà bị thực dân Pháp và Việt gian phản động áp bức, bóc lột, lừa bịp; chưa hề được hưởng hạnh phúc, độc lập, tự do như đồng bào các nơi khác. Tôi và Chính phủ luôn thương xót đồng bào”. Người căn dặn đồng bào, cán bộ Lai Châu phải "Đoàn kết thân ái, giúp đỡ lẫn nhau; giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự; ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no; cán bộ thì phải thật sự gần gũi, giúp đỡ Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết...".
Thư Bác đến giữa lúc đồng bào mới thoát khỏi ách kìm kẹp của địch đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, Nhân dân Lai Châu càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, hăng hái lao động sản xuất và tích cực tham gia kháng chiến, vừa xây dựng cơ sở, vừa đánh địch bảo vệ hậu phương, huy động sức người, sức của cho chiến trường, góp phần quan trọng, trực tiếp cùng quân, dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ, quân và dân Lai Châu vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, vừa chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần cùng quân dân cả nước giành thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975 và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào.
Đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, Lai Châu cùng cả nước bước vào một thời kỳ mới, vừa tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, anh dũng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, vừa đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh như tâm nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa.
Năm 2004, thực hiện Nghị quyết số 22 của Quốc hội khóa XI, tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh: Lai Châu, Điện Biên. Những ngày đầu mới chia tách, thành lập, Lai Châu đứng trước muôn vàn khó khăn của một tỉnh nghèo nhất cả nước, kinh tế chậm phát triển, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém; đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ mới và thiếu... Song từ những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng bộ tỉnh qua 3 nhiệm kỳ Đại hội XI, XII, XIII, với ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, thống nhất, cách làm sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, tận dụng thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, từng bước đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, kém phát triển.
Đến nay, sau 110 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, đặc biệt là sau 15 năm chia tách, thành lập, Lai Châu đã có những bước phát triển vượt bậc với những thành tựu rất đáng trân trọng, tự hào: kinh tế phát triển khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; nông nghiệp chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với các loại cây có giá trị kinh tế như: chè, cao su, quế, mắc-ca...; tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm tăng khá nhanh, bình quân giai đoạn 2004 - 2018 đạt gần 12%/năm; so với năm 2004, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người năm 2018 đạt 32,92 triệu đồng; thu ngân sách địa phương đạt trên 2.247 tỷ đồng, tăng 62 lần.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển. Giáo dục và đào tạo mở rộng về quy mô, nâng cao về chất lượng. Hệ thống y tế không ngừng được củng cố, phát triển, từng bước hoàn thiện từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Đội ngũ y tế được quan tâm đào tạo, đạt 9,2 bác sỹ/vạn dân; 71,3% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 25%; có hai huyện là Than Uyên và Tân Uyên được Chính phủ công nhận ra khỏi huyện nghèo. An ninh chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Quan hệ đối ngoại được duy trì và phát triển có chiều sâu.
Đồng chí Giàng Páo Mỷ cùng các học viên lớp cao cấp lý luận chính trị
hệ không tập trung tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Báo Lai Châu)
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai thực hiện tích cực. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên. Quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức Đảng lớn mạnh về mọi mặt, từ chỗ chỉ có 3 đảng viên ngày đầu thành lập; đến nay, Đảng bộ tỉnh đã có 13 Đảng bộ trực thuộc, 557 tổ chức cơ sở Đảng, hơn 2.000 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở với 28.336 đảng viên. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ vững kỷ cương, kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Những thành tựu to lớn trên là nền tảng, là sức mạnh và động lực đưa Lai Châu vươn lên tầm cao mới trong những chặng đường tiếp theo. Có được thành tựu đó là nhờ tinh thần đoàn kết của chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, của Đảng bộ tỉnh. Có thể khẳng định rằng, trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, Đảng bộ tỉnh Lai Châu luôn giữ vai trò tiên phong, lãnh đạo quân và dân các dân tộc tỉnh Lai Châu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nên nhiều chiến công và thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta và ngày càng khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Trong thời gian tới, Lai Châu đang bước vào chặng đường mới với nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng không ít những khó khăn thách thức. Song, với niềm tin, khát vọng vươn lên, với quyết tâm đưa Lai Châu ngày càng phát triển, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc, Đảng bộ tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục kế thừa, phát huy và vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm quý báu của Đảng bộ tỉnh 70 năm qua; quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng và vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh.
Hai là, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Quan tâm xây dựng, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Chăm lo xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ cở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Ba là, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trọng tâm là phát triển nông nghiệp, phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy giao lưu, liên kết phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Bốn là, chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, các chính sách an sinh xã hội; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp giảm nghèo bền vững, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm là, phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ gắn với xây dựng thế trận an ninh Nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; duy trì quan hệ đối ngoại, tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Trân trọng và tự hào về những thành quả đạt được sau 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh Lai Châu nguyện giữ vững truyền thống anh hùng cách mạng, tiếp tục lãnh đạo chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng quê hương Lai Châu ngày càng giàu đẹp, góp phần cùng cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.