Xô viết - Nghệ Tĩnh đã trở thành mốc son chói lọi, lịch sử hào hùng, oanh liệt của cách mạng Việt Nam

Thứ bảy, 12/09/2020 14:18
(ĐCSVN) – Cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam như một khúc tráng ca bất diệt, được ví như là cuộc diễn tập đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và quần chúng nhân dân chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Đó là minh chứng rõ nét về truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam khi có Đảng lãnh đạo, soi đường…
 Chương trình nghệ thuật “Ngọn lửa Xô Viết” tái hiện lại phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh những năm 1930 đầy sục sôi, khí thế. (Ảnh: Thành Duy)

Sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử

Cách đây 90 năm, khi nhân dân ta còn phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” lầm than nô lệ dưới xiềng xích thực dân, phong kiến. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 3/2/1930, vừa mới ra đời Đảng đã tổ chức và lãnh đạo một phong trào quần chúng lớn mạnh, xưa nay chưa từng có trong cả nước mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh, uy tín của mình trong việc đoàn kết, tập hợp quần chúng Nhân dân đứng lên chống lại ách nô lệ của thực dân, phong kiến. Nhân dân Nghệ Tĩnh một lòng nồng nàn yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, sẵn sàng đứng lên dưới ngọn cờ của Đảng để đòi cơm áo, tự do.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của Nhân dân bùng lên mạnh mẽ từ đầu năm 1930 trên khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Phong trào đấu tranh đặc biệt mạnh mẽ từ Ngày Quốc tế lao động 01/5/1930, lần đầu tiên công nông và dân chúng tỏ rõ dấu hiệu đoàn kết với vô sản thế giới và biểu dương lực lượng của mình. Từ thành phố đến nông thôn, trên cả ba miền đất nước đã xuất hiện nhiều truyền đơn, cờ Đảng, mít tinh, bãi công, biểu tình, tuần hành thị uy. Cao trào cách mạng do Đảng chủ trương và phát động đã diễn ra trên 25 tỉnh thành trong cả nước, trong đó Nghệ - Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất.

Ngày 01/8/1930, công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy tổng bãi công, đánh dấu một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt đã đến. Hòa nhịp với phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ - Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ kéo đến các huyện đường Can Lộc (ngày 4/8), Nam Đàn (ngày 6/8 và 30/8), Thanh Chương (ngày 12/8), Nghi Lộc (ngày 29/8) và lan rộng ra hầu khắp các huyện trong 2 tỉnh.

Tháng 9/1930, phong trào công - nông phát triển tới đỉnh cao; quần chúng đã vũ trang tự vệ, biểu tình thị uy có vũ trang, tiến công vào cơ quan chính quyền của địch ở địa phương. Đặc biệt, cuộc đấu tranh của hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên nổ ra ngày 12/9/1930 để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh - Bến Thủy, phản đối chính sách khủng bố của bọn thực dân và phong kiến tay sai. Thực dân Pháp cho máy bay tới ném bom, làm 217 người chết, 125 người bị thương, càng làm cho phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân vùng lên như bão táp, bộ máy chính quyền của thực dân và phong kiến tay sai ở nhiều huyện bị tê liệt, ở nhiều xã bị tan rã. Các tổ chức cơ sở đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý đời sống của mình, thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô Viết.

Một góc Hà Tĩnh ngày nay. (Ảnh: Thành Chung) 

Chính quyền Xô Viết đã ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách đem lại lợi ích chính đáng cho Nhân dân như: Ban bố quyền tự do dân chủ, tổ chức cho Nhân dân tham gia các đoàn thể cách mạng, trừng trị bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh; chia lại công điền, công thổ cho nông dân, thực hiện giảm tô, xóa nợ, thủ tiêu các thứ thuế vô lý... Chính quyền Xô Viết cũng tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của mình - thực sự là một chính quyền của dân, do dân và vì dân. Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã trở thành ngọn cờ quy tụ và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ nhân dân lao động trong cả nước.

Ngay từ khi ra đời, Nông hội đã thực hiện các quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội cho nông dân. Những chính sách và biện pháp được các Xã bộ nông - Xô viết thực hiện đã tạo ra một khí sắc mới trong nông thôn. Lòng tin của quần chúng đối với Đảng và cách mạng được thể hiện rõ rệt. Họ sẵn sàng hy sinh tính mạng và tài sản để chống lại chính sách khủng bố của đế quốc Pháp, bảo vệ Xô viết.

Sáng mãi tinh thần Xô viết – Nghệ tĩnh

Phong trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao Xô Viết - Nghệ Tĩnh có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp ở nước ta. Từ phong trào này, lần đầu tiên công nhân và nông dân liên minh với nhau trong cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; chính quyền cách mạng ở một số vùng nông thôn đã ra đời. Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của cao trào cách mạng 1930 - 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này” (1).

Từ Xô Viết - Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã từng bước thực hiện thắng lợi những mục tiêu của con đường đã lựa chọn.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Phong trào đấu tranh cách mạng trong giai đoạn 1930 – 1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đã trở thành mốc son chói lọi, mở đầu cho lịch sử hào hùng, oanh liệt của cách mạng Việt Nam; Đánh dấu việc Đảng ta – một Đảng cách mạng dù còn rất non trẻ, lần đầu tiên đã thể hiện rõ vai trò, bản lĩnh, uy tín, sức chiến đấu và khả năng to lớn trong việc lãnh đạo, đoàn kết và huy động quần chúng nhân dân; là minh chứng hùng hồn về sự thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định: Xô viết - Nghệ Tĩnh là thiên anh hùng ca bất diệt trong chương đầu “pho sử bằng vàng” của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiêu biểu khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam và quê hương xứ Nghệ. Sự ra đời và hoạt động của chính quyền Xô viết là minh chứng sinh động việc vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; Khẳng định tính đúng đắn của việc lựa chọn con đường cách mạng vô sản của dân tộc Việt Nam; tỏ rõ tính ưu việt và bản chất tiến bộ của một chính quyền cách mạng của dân, do dân và vì dân. Khẳng định vai trò, vị trí tiên phong, năng lực lãnh đạo và tổ chức quần chúng của Đảng ta; đồng thời đem lại cho đông đảo quần chúng công nông niềm tin ở sức mạnh của mình, niềm tin vững chắc vào đường lối cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; đào tạo cho cách mạng một đội ngũ cán bộ rất lớn, rất vững vàng qua thử thách ác liệt, sẵn sàng vững bước trong chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc ở phía trước. Chính từ cao trào cách mạng này, nghệ thuật chỉ đạo cách mạng, nhất là đấu tranh cách mạng của Đảng đã bước đầu hình thành và ngày càng được bổ sung, phát triển trong thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Một góc Nghệ An ngày nay.  (Ảnh: Thu Hà)

Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, ngày càng có tác dụng sâu xa vào tiến trình phát triển của lịch sử cách mạng Việt Nam trong hiện tại và mãi mãi về sau. Đó là bài học về kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất, quật cường của dân tộc, quyết không chịu làm nô lệ; về đảm bảo vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng, thường xuyên đấu tranh chống “tả khuynh” và “hữu khuynh” để đảm bảo tính chất giai cấp công nhân của Đảng, làm cho Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Bài học to lớn về sức lôi cuốn, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân thông qua đường lối, chủ trương, khẩu hiệu đúng đắn của Đảng, đáp ứng được khát vọng cháy bỏng của nhân dân; thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở liên minh công nông vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bài học về nghệ thuật sử dụng những hình thức và phương pháp cách mạng thích hợp với từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể để giành, giữ chính quyền…

Tiếp nối truyền thống Xô viết anh hùng, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã làm trọn nhiệm vụ hậu phương, cung ứng đến mức cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến, tham gia đánh thắng chiến tranh phá hoại, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta.

Bước vào công cuộc đổi mới, nhất là thời gian gần đây, thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, Nghệ An đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt: Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 – 2019 khá cao, đạt 8,47%, riêng năm 2019 đạt 9,03%; Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh hàng năm đạt và vượt so với dự toán được giao, năm 2019 đạt hơn 16.600 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân có nhiều khởi sắc, là điểm sáng của cả nước về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. An sinh xã hội, đời sống của nhân dân được quan tâm, nâng cao; Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được chú ý toàn diện trên các mặt; Tinh thần đoàn kết, dân chủ được lan tỏa rộng rãi; Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đối ngoại được tăng cường, mở rộng, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với bạn bè trong nước và quốc tế.

Theo đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh: lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xuất hiện mô hình chính quyền cách mạng của nhân dân lao động. Đó là những “làng đỏ” hình thành ở một số vùng nông thôn của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tại đây, luật lệ của chính quyền thuộc địa bị xóa bỏ, quần chúng nhân dân đã làm chủ vận mệnh của mình. Từ đó ở nhiều địa phương thuộc hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, chính quyền Xô Viết đã hình thành và hoạt động công khai, bán công khai.

Phát huy truyền thống cách mạng và khí phách Xô viết, sau 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, từ một tỉnh có thu ngân sách, GRDP bình quân đầu người đạt rất thấp đã vươn lên trở thành tỉnh có thu ngân sách đạt trung bình khá, đứng thứ 21 của cả nước; quy mô kinh tế thuộc nhóm các tỉnh đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ. Thời gian tới, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.

Kỷ niệm 90 năm Ngày Xô viết Nghệ - Tĩnh là dịp để chúng ta cùng ôn lại một mốc son chói ngời trong lịch sử cách mạng Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, bản lĩnh, khát vọng vươn lên của cả dân tộc, khát vọng độc lập tự do, của ý chí tự lực, tự cường và quyết tâm “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, nhất là tinh thần tiến công cách mạng, huy động sức mạnh toàn dân, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước ta ngày càng giàu mạnh trong giai đoạn mới./.

 

1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tập 10. tr. 9.

Hoa Hiền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực