Sáng 23/9, tại TP Yên Bái, đã diễn ra phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng dự và chỉ đạo Đại hội.
Tham dự Đại hội có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Quân khu 2, cùng 325 đại biểu đại diện cho gần 58.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ.
|
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Đại hội. (Ảnh: Vũ Linh) |
Khẳng định vai trò, vị thế là trung tâm liên kết phát triển vùng
Với phương châm "Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", Yên Bái là tỉnh đầu tiên khu vực Trung du và miền núi phía Bắc tiến hành tổ chức đại hội.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh biểu dương các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh đã phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thực hiện hiệu quả việc phòng, chống dịch COVID-19, khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng vươn lên của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tạo thành cao trào thi đua yêu nước sôi nổi chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn, trọng đại của đất nước, của tỉnh.
5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc trong tỉnh Yên Bái đã đồng tâm hiệp lực, đổi mới, sáng tạo, tận dụng và huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực mọi mặt của tỉnh. Trong đó kinh tế tăng trưởng khá theo hướng bền vững, gắn với bảo đảm an sinh xã hội, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiệu quả, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thay đổi lớn diện mạo đô thị, nông thôn. Môi trường đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo được cải thiện rõ nét; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Xây dựng và phát huy hiệu quả giá trị bản sắc văn hóa và con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập". Quốc phòng an ninh được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. “Đại hội XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ xem xét, nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII; khẳng định những thành tựu, ưu điểm đạt được, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế với nguyên nhân cụ thể và kinh nghiệm rút ra; đồng thời, thống nhất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của Đảng bộ tỉnh trong 5, 10 năm tới” - đồng chí Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Nhiều thành tựu quan trọng tạo tiền đề cho bước phát triển tiếp theo
Trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội, đồng chí Đỗ Đức Duy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND nêu rõ: Thời gian qua, Yên Bái phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ biến khí hậu, như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, tình hình dịch bệnh phức tạp. Đặc biệt năm 2020 đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đoàn kết, sáng tạo, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh sức sản xuất xã hội, huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Những năm qua, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, đến năm 2020 ước đạt trên 33.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và ngành công nghiệp - xây dựng. Tỉnh tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả các vùng sản xuất tập trung với 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ gắn với thị trường tiêu thụ; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ngành nông nghiệp ước đạt 4,55%, cao hơn bình quân chung cả nước; tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%, đứng thứ tư cả nước. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, đi đầu trong các tỉnh khu vực Tây Bắc; đặc biệt, huyện Trấn Yên là huyện miền núi đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới trong khu vực Tây Bắc.
|
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: Vũ Linh) |
Công nghiệp có bước phát triển khá, hình thành và mở rộng thị trường tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực, lợi thế, có giá trị bền vững trên thị trường trong nước và xuất khẩu; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt 13.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015. Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh và khá đa dạng, đóng góp trên 47% GRDP của tỉnh; mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh đến trên 90 quốc gia, vùng lãnh thổ; dịch vụ du lịch có nhiều khởi sắc, hình thành và phát huy hiệu quả 04 vùng du lịch tiêu biểu, đặc trưng, nổi trội, có sức cạnh tranh.
Tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng; Yên Bái đã được Chính phủ chấp thuận trở thành đối tác hợp tác của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; vai trò, vị thế Yên Bái là trung tâm liên kết phát triển vùng được khẳng định.
Về giáo dục đào tạo, đã chủ động sắp xếp mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ cán bộ giáo dục - đào tạo bảo đảm tinh gọn, hợp lý, tập trung nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc và giáo dục mũi nhọn (gồm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ). Chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên rõ rệt; đặc biệt, năm 2020 đã chủ động, kịp thời chỉ đạo sát sao, quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, không để xâm nhập, lây lan vào địa bàn.
Về công tác an sinh xã hội, nhiệm kỳ qua, Yên Bái đã hoàn thành hỗ trợ xây dựng gần 3.600 nhà cho 100% người có công và hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở; tập trung gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc.
Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm và có nhiều tiến bộ mới trên tất cả các mặt. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ không ngừng được nâng lên, hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao bản lĩnh, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, chủ động xây dựng và tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, nữ, dân tộc cho cả trước mắt và lâu dài. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được đẩy mạnh; phòng chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm thực hiện nghiêm túc. Hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đạt kết quả tích cực, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên trong các tầng lớp nhân dân. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, nhất là đối với chính quyền không ngừng được đổi mới, hiệu quả, góp phần quan lãnh đạo thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.
|
Đồng chí Đỗ Đức Duy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: Vũ Linh) |
Yên Bái cần "phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc"
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương và ghi nhận những thành tích to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Để phấn đấu thực hiện được mục tiêu đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025; nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị, cùng với đánh giá, xem xét tác động của tình hình trong nước và quốc tế, Yên Bái cần phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn riêng có của tỉnh nhà, trên cơ sở đó thảo luận sâu sắc, đề ra nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu thiết thực, phù hợp với thực tế.
Yên Bái cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực nội sinh để xây dựng tỉnh nhà theo hướng : "Phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc". Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển xanh, thân thiện với môi trường; giảm tỷ trọng ngành khai thác, tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo gắn với đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường; phấn đấu trở thành trung tâm chế biến lâm sản của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tập trung phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với phát triển kinh tế rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; quan tâm bảo vệ môi trường, nguồn nước hồ Thác Bà, sông Hồng và các con sông trên địa bàn tỉnh, góp phần rất quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước, sự ổn định và phát triển bền vững của các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội.
Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: Yên Bái cần tập trung gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp, gắn với khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc, xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập"; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, được nhân dân tin yêu. Tiếp tục xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số một cách bài bản, chiến lược, lâu dài.
“Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đại hội là bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX và bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tôi tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết và trách nhiệm chính trị cao, Đại hội sẽ dân chủ, sáng suốt lựa chọn được các đồng chí đủ tiêu chuẩn, năng lực, uy tín, là trung tâm đoàn kết, xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Đảng bộ tỉnh để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa tới và tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” - Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh trong phần kết luận bài phát biểu tại Đại hội./.