Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kháng thuốc ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Mỗi năm, thế giới có hàng trăm nghìn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ Đô la Mỹ cho kháng thuốc. Nhiều chủng vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh kể cả kháng sinh thế hệ mới. Trong khi đó, việc phát triển các kháng sinh mới đã chững lại từ hơn 30 năm nay và chỉ có một vài kháng sinh mới ra đời.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay, tỷ lệ bệnh lây nhiễm ở Việt Nam vẫn còn ở mức cao, đang tiếp tục gia tăng và có xu hướng diễn biến phức tạp. Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh nhưng hiện nay, người dân của chúng ta đang sử dụng thuốc kháng sinh một cách tùy tiện dẫn đến nhiều vi khuẩn nhờn thuốc, gây tốn kém trong quá trình điều trị bệnh.
Theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc ở nước ta cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp đặc biệt ở vùng nông thôn. Có đến 88% nhà thuốc thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán thuốc kháng sinh không có đơn.
Kháng sinh đóng góp 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng số doanh thu của hiệu thuốc. Theo kết quả kiểm tra bệnh viện hằng năm, chi phí cho thuốc chiếm 48% chi phí điều trị, trong đó chi phí cho kháng sinh chiếm 33%. Việc sử dụng kháng sinh không theo đơn, chỉ định quá mức cần thiết là nguyên nhân quan trọng gây kháng kháng sinh.
Người dân dễ dàng mua thuốc mà không cần đơn của bác sĩ. (Ảnh minh họa: Đỗ Thoa)
Đáng báo động ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện đã có vi khuẩn đa kháng với kháng sinh carbapenem (là nhóm gồm các kháng sinh thế hệ mới, có phổ kháng khuẩn rộng nhất hiện nay. Các kháng sinh thuộc nhóm này thường được chỉ định điều trị những trường hợp nhiễm khuẩn nặng và đa đề kháng). Chính vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.
Có thể nói, tình trạng bệnh nhân và người bán thuốc mua bán thoải mái thuốc kháng sinh mà không cần đơn của bác sĩ diễn rất phổ biến nhất là đối với 3 loại thuốc kháng sinh phổ biến trên thị trường hiện nay: Amoxicilin,Cephalexin, Azithromycin. Những lý do khiến người dân hay tìm đến kháng sinh chủ yếu vẫn là sốt, ho, đau họng, đau bụng...
Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù đã có quy định nhưng nhiều nơi vẫn bán thuốc không cần đơn. Ở nước ngoài, trừ thuốc đưa vào siêu thị, thực phẩm chức năng là được mua thoải mái, còn ở Việt Nam từ thuốc chữa ung thư, kháng sinh, vitamin... đều có thể mua dễ dàng.
Điển hình cho việc kháng sinh bán theo đơn mà mua dễ như rau ở chợ là có trường hợp người bệnh cầm đơn ra hiệu thuốc mua thì người bán nói là không có loại này, rồi tư vấn cho dùng một loại thuốc khác có thành phần tương đương. Tuy nhiên, 2 loại thuốc này có tốt như nhau không thì chỉ người bán biết. Hơn nữa, thực tế là có chuyện các hãng dược tiếp cận hiệu thuốc để tư vấn bán thuốc này cho bệnh nhân để được hưởng hoa hồng.
Chính do tình trạng sử dụng kháng sinh tại nhà tràn làn như vậy nên hiện nay ngay tại các bệnh viện tình trạng kháng thuốc đang rất phức tạp. Có những loại thuốc mới đưa vào thị trường Việt Nam chưa đầy 10 năm đã giảm độ nhạy cảm với vi khuẩn và làm giảm hiệu quả điều trị với thuốc rất lớn.
Thực trạng này là do nhận thức của người dân chưa được nâng cao. Cùng với đó là quy chế quản lý bán thuốc kê đơn của chúng ta chưa thực sự chặt dẫn tới tình trạng các nhà thuốc thoải mái bán những loại thuốc kháng sinh để dân tự dùng dẫn tới tình trạng nhờn thuốc và kháng thuốc ngày càng tăng lên. Không chỉ người bệnh, người bán thuốc mà đôi khi cả bác sĩ điều trị cũng lạm dụng kháng sinh đắt tiền, chỉ định kháng sinh không phù hợp để kê đơn cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, việc gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh đã tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Điều này làm cho thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao và chi phí điều trị ngày càng là gánh nặng lên cá nhân, gia đình và xã hội. Đáng báo động hơn khi hiện nay kháng sinh đã xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái do chúng ta lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất đã làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.
Trước tình trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng, Tổ chức Y tế Thế giới đã lấy khẩu hiệu “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” để kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam.
Để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh, từ năm 2013, Bộ Y tế đã xây dựng và phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Theo đó, Bộ Y tế thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống kháng thuốc và thành lập 9 tiểu ban giám sát kháng thuốc; thành lập Đơn vị giám sát kháng thuốc Quốc gia đặt tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên để Kế hoạch này có hiệu quả thì đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các Bộ/ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc. Cùng với đó, công tác phòng, chống kháng thuốc cũng cần có sự tham gia chủ động, tích cực của mỗi người dân và toàn thể cộng đồng. Mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sỹ khám bệnh, kê đơn và sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sỹ; Sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản theo đúng hướng dẫn; Cán bộ y tế tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn.../.
Đỗ Thoa