|
Đông đảo người dân tại TP Hồ Chí Minh đăng ký khám sàng lọc trong ngày 19/11. |
Ngày 19/11/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam (VYPA) và AstraZeneca Việt Nam đã tổ chức sự kiện ra mắt Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Y tế và khởi động Chương trình hoạt động đầu tiên của Mạng lưới mang tên “Chuyển đổi số vì sức khỏe phổi”.
Sự kiện có sự tham dự của đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; TS Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc Trẻ Việt Nam; bà Emily Hamblin, Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành của thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các bệnh viện và cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, các y bác sỹ, hội viên Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và đông đảo người dân thành phố.
“Mạng lưới đổi mới sáng tạo y tế” là tập hợp các cá nhân, tổ chức y tế, cùng chung tay đóng góp trí tuệ và nguồn lực, sáng tạo và ứng dụng hiệu quả những tiến bộ của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. Chương trình có sự phối hợp Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, TS,Bác sĩ Hà Anh Đức - Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam nhấn mạnh “Ngày nay, ung thư phổi và các bệnh lý về phổi khác đang trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, khả năng điều trị thành công là rất cao. Đây là lý do vì sao chương trình sàng lọc này không chỉ quan trọng mà còn cấp thiết.”
Hoạt động khởi động đầu tiên của Mạng lưới là Chương trình “Chuyển đổi số vì sức khỏe phổi”, với mục tiêu: Tăng cường năng lực y tế số cho hơn 3.000 y, bác sĩ, giới thiệu các ứng dụng chuyển đổi số cho các bệnh viện, bao gồm các công cụ chẩn đoán có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng y tế từ xa, ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số trong khám sàng lọc miễn phí các bệnh lý về phổi và ung thư phổi cùng các nguy cơ bệnh nền cho 50.000 người dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, có hỗ trợ đo chức năng hô hấp để chẩn đoán hen/COPD và chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp chẩn đoán ung thư phổi.
Chương trình sẽ được mở rộng trên phạm vi từ tháng 12/2023. Dự kiến tập trung tại 5 thành phố lớn là : Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thừa Thiên Huế, với hơn 60 bệnh viện tham gia và hơn 100,000 người dân sẽ được sàng lọc bệnh lý về phổi và ung thư phổi.
Cùng với đó, chương trình sẽ tổ chức 2 Ngày Sức khỏe cộng đồng, tiến hành khám bệnh phát thuốc miễn phí cho 10.000 người dân tham gia khám sàng lọc bệnh lý về phổi và ung thư phổi cùng các nguy cơ bệnh nền như tim mạch, tiểu đường.
|
Đội ngũ y, bác sĩ thực hiện sàng lọc cho đoàn viên thanh niên và người dân |
Sự kiện ra mắt Mạng lưới Đổi mới sáng tạo y tế được đánh dấu bởi việc triển khai Kế hoạch số 422-KH/TWH về tổ chức chương trình "Chuyển đổi số vì sức khỏe phổi" là chương trình khởi động đầu tiên của Mạng lưới này. Chương trình đầu tiên của Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Y tế do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cùng Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam làm nòng cốt, sẽ hướng tới việc tăng cường năng lực về y tế số và trí tuệ nhân tạo cho y, bác sĩ và tổ chức y tế.
Cũng trong khuôn khổ hoạt động Mạng lưới Đổi mới sáng tạo y tế, các bệnh viện tham gia chương trình sẽ được giới thiệu các phần mềm kỹ thuật số (trí tuệ nhân tạo) phục vụ sàng lọc và chẩn đoán bệnh ban đầu theo bộ câu hỏi hoặc hình ảnh như X-quang.
Nhân viên y tế tham gia chương trình sẽ được tăng cường năng lực về y tế số, được trang bị kiến thức và hướng dẫn về các ứng dụng tiên tiến trong bệnh viện.
Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh của thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%(1). Song song đó, nước ta cũng phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính, là những bệnh đang gây gánh nặng bệnh tật và tử vong hàng đầu. Chính vì vậy, cùng với kiểm soát dịch bệnh thì phòng, chống bệnh không lây nhiễm đang là một ưu tiên trong chính sách y tế của Việt Nam, trong đó nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng nhằm cung cấp thông tin, bằng chứng cho việc xây dựng chính sách, tìm ra các biện pháp, các can thiệp hiệu quả nhất để giải quyết những bệnh này. |