|
Ảnh minh họa |
Cụ thể: Nhằm khống chế dịch bệnh do muỗi truyền trên địa bàn toàn tỉnh, không để dịch bùng phát và lan rộng, hạn chế tối đa số trường hợp mắc, bệnh nặng, tử vong, Sở Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện các nội dung cụ thể như sau:
1. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật:
- Thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyển nhiễm do muỗi truyền (sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản,…) trên địa bàn tỉnh, chủ động báo cáo và tham mưu Sở Y tế các giải pháp xử lý dịch kịp thời.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm do muỗi đốt để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng diệt quăng quăng, diệt muỗi, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
- Thường xuyên tổ chức đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch; tổ chức giám sát các chiến dịch diệt lăng quăng, ổ dịch tại các địa phương; hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch.
- Theo dõi việc cập nhật qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế đối với tất cả các đơn vị (Bệnh viện công lập và tư nhân trong tỉnh, các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố), báo cáo về Sở Y tế kịp thời đối với các đơn vị chưa cập nhật kịp thời và đầy đủ thông tin bệnh nhân trên phần mềm báo cáo.
- Chỉ đạo các Trung tâm Y tế rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên đạt tỷ lệ cao, đầy đủ, đúng lịch, an toàn và hiệu quả.
2. Đối với các Bệnh viện trong tỉnh và hệ điều trị thuộc TTYT huyện:
- Chỉ đạo cán bộ phụ trách báo cáo thực hiện tốt việc cập nhật thông tin và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý việc cập nhật thông tin phải đầy đủ, chính xác để tuyến cơ sở dễ dàng trong điều tra, xác minh ca bệnh (Họ, tên, địa chỉ, số điện thoại cá nhân, gia đình,…) nhằm xử lý dịch kịp thời, đúng thời gian quy định.
- Đảm bảo đầy đủ thuốc, trang thiết bị y tế điều trị; tổ chức tốt thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
- Tăng cường tuyên truyền cho nhân viên y tế tại cơ sở điều trị, đặc biệt là nhân viên làm thêm tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
3. Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố:
- Tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp bệnh truyền nhiễm tại khoa khám, chữa bệnh và cộng đồng; theo dõi việc lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch hiện có và mới phát sinh. Tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch; đảm bảo 100% các ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi kể cả khi xử lý ổ dịch để người dân biết, phối hợp thực hiện.
- Tham mưu UBND địa phương phối hợp các ban ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn quản lý; đảm bảo diệt lăng quăng và phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực có ổ dịch và trong vùng tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể.
- Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, hóa chất, nhân lực hỗ trợ tuyến cơ sở đáp ứng kịp thời trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Thực hiện nghiêm túc việc thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định.