An toàn thực phẩm dịp Tết: Đến hẹn lại... lo

Thứ hai, 08/01/2018 13:03
(ĐCSVN) - Càng đến gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm càng tăng cao và cũng thời điểm này nỗi lo về vấn đề thực phẩm bẩn lại lớn hơn bao giờ hết. Người tiêu dùng có sơ sở để lo lắng, còn các cơ quan chức năng thì vẫn gặp khó trong cuộc chiến chống lại thực phẩm không an toàn.

Người dân nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng tại những quầy bán thực phẩm uy tín an toàn.

Ảnh: Đỗ Thoa

Nỗi lo thực phẩm không an toàn ngày Tết

Ba năm nay, cứ đến gần Tết, gia đình chị Trần Minh Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại lên kế hoạch đặt thực phẩm sạch từ quê để sử dụng trong những ngày Tết.

Chị Hà chia sẻ: “Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2018 nhưng gia đình mình đã nhờ ông bà ngoại ở Nam Định đặt trước thịt gà, thịt bò và các loại rau, củ, trái cây, các loại hải sản tươi, khô. Bố mẹ nhà mình rất kỹ tính trong việc chọn lựa thực phẩm nên toàn đến nhà người quen biết rõ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng mới mua hàng. Mình không dám mua ở ngoài vì sợ không đảm bảo an toàn mà lại không được tươi, ngon như đồ ở quê”.

Không phải ai cũng may mắn có nguồn hàng đảm bảo, được gửi từ quê lên ăn Tết nên nhiều chị em nội trợ cũng lựa chọn cách đặt hàng tự làm (handmade) để có một cái Tết an toàn và đảm bảo sức khỏe.

Chị Nguyễn Thu Hằng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chị chỉ tin tưởng mua thực phẩm Tết từ người quen tự làm và nói không với các loại bánh mứt, chả giò bán tràn lan ngoài thị trường. Theo chị Hằng, thực phẩm handmade của bạn bè, người quen làm thì yên tâm hẳn vì mình biết rõ nguồn gốc, xuất xứ và cũng thấy hài lòng về chất lượng.

Anh Phạm Mạnh Hùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng chia sẻ nỗi lo về an toàn thực phẩm ngày Tết vì thấy hàng Tết như bánh chưng, giò chả, thịt lợn, thịt gà, rau xanh, đủ các loại mứt… được bày bán tràn lan khắp nơi, từ chợ, thậm chí vỉa hè nên không biết chất lượng như thế nào.

“Mình cùng mấy nhà hàng xóm đã nghĩ ra cách đặt hàng Tết đảm bảo ngon-bổ-rẻ bằng cách chung nhau đặt một con lợn mua tận trại, sau đó thuê người mổ lợn và chia nhau, tính ra vừa kinh tế lại vừa chất lượng,” anh Hùng nói.

Bên cạnh việc đặt mua, nhiều chị em cũng rất khéo tay đã tự mình làm những món thực phẩm cho ngày Tết ví dụ như gói nem, gói giò, gói bánh chưng, làm mứt Tết…

Không tin tưởng, lo ngại thực phẩm bẩn là tâm lý chung của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng ở Thủ đô trong những ngày Tết. Và rõ ràng lo lắng đó của họ là có cơ sở khi mà cận Tết, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện số lượng lớn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ chuẩn bị được tung ra phục vụ thị trường Tết.

Mới đây nhất, vào ngày 6/1, lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã thu giữ 1,3 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc. Chủ của lô hàng không chứng minh được nguồn gốc số nội tạng. Qua đấu tranh khai thác, chủ lô hàng khai nhận số hàng trên thu mua ở Đồng Nai, đang tập kết ở Hà Nội để chuyển lên Cao Bằng tiêu thụ.

Cũng trong ngày 6/1, Đội Quản lý thị trường số 23 phối hợp cùng Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội) kiểm tra cơ sở hộ kinh doanh Hoàng Hải tại địa chỉ số 43, khu liền kề 3, đô thị mới Tân Tây Đô, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ gần 7 tấn kẹo đã chảy nước, bốc mùi chua; gần 3 tấn bột trắng nghi là đường đã vón cục và 60 thùng bánh các loại cùng các vỏ hộp, nhãn mãc, máy móc đóng gói dập hạn sử dụng.

Chủ cơ sở chỉ xuất trình được giấy chứng nhận đang ký hộ kinh doanh; ngoài ra, không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào khác. Toàn bộ số bánh kẹo, vỏ hộp, nhãn mác và máy móc kể trên đã bị Đội Quản lý thị trường số 23 tạm giữ để phối hợp cùng các cơ quan chức năng xác minh và điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, liên tiếp trong những ngày đầu tháng 1/2018, Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra đột xuất và thu giữ thu giữ số lượng lớn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc và sử dụng chất tẩy trắng.

Cụ thể, ngày 3/1, Đoàn kiểm tra của đơn vị này đã tiến hành kiểm tra tại cơ sở sản xuất giò chả Ngọc Châu (ấp Nam Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) do ông Lê Đình Sơn làm chủ. Ghi nhận thực tế, cơ sở có giấy phép kinh doanh, giấy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tuy nhiên lại không chứng minh được nguồn gốc các nguyên liệu như tai heo, da heo mà cơ sở đưa vào chế biến. Đoàn kiểm tra còn phát hiện 2 container ở khu vực bãi giữ xe gần đó chứa gần 27 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng do ông Lê Đình Sơn làm chủ hàng. Đoàn kiểm tra cùng các cơ quan, ban, ngành địa phương huyện Hóc Môn đã tiến hành lấy mẫu và vận chuyển toàn bộ lô hàng trên về kho lạnh để lưu giữ, chờ kết quả kiểm nghiệm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiếp đó, vào ngày 4/1, Ban này cũng phát hiện ông Nguyễn Văn Quảng ở quận 12 đang cho người lao động dùng hóa chất H2O2 (hay còn gọi là oxy già) để tẩy trắng lòng heo. Bị phát hiện không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chủ cơ sở đã tự nguyện xin tiêu hủy số nội tạng này.

Và mới đây nhất, vào ngày 7/1, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng đã bắt giữ hơn 1 tấn da trâu và thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc.Tất cả số này đều đang biến dạng và bốc mùi hôi thối. Được biết, số thực phẩm trên được chủ lô hàng thu gom trên địa bàn huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và phân phối đi tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Hiện các lực lượng chức năng đang tiến hành các thủ tục để tiêu hủy toàn bộ số thực phẩm không rõ nguồn gốc trên và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tránh tình trạng "Bắt cóc bỏ đĩa" khi xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã họp với các thành viên Ban Chỉ đạo.

  

Sản xuất rau màu sạch trong nhà lưới tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Đỗ Thoa)

Theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong năm 2017, cả nước đã thành lập hơn 22.400 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại hơn 625.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, chiếm 19,8%; xử lý hành chính 35.759 cơ sở với số tiền trên 61 tỷ đồng.

Số tiền phạt vi phạm an toàn thực phẩm trong hoạt động kinh doanh nông lâm thuỷ sản là trên 80 tỷ đồng. Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 13.540 vụ, phạt trên 27,7 tỷ đồng, thu giữ tang vật trên 25 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát Môi trường phát hiện 6.477 vụ việc, tăng 25% so với năm 2016, xử phạt 36 tỷ đồng, khởi tố, điều tra các vụ việc nghiêm trọng.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) cho biết nhiều khả năng số vụ vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) bị xử lý hình sự sẽ tăng mạnh từ năm 2018.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong năm qua, dù số vụ ngộ độc thực phẩm giảm nhưng số trường hợp tử vong lại tăng gấp đôi.                                                                  

Năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 3.800 người mắc giảm 27 vụ và 438 người mắc so với năm 2016. Số người tử vong do ngộ độc thực phẩm là 24 người, tăng 12 người so với năm 2016, trong đó có 11 người ngộ độc methanol trong rượu, 10 người do độc tố tự nhiên (cá nóc, cóc…), 3 trường hợp chưa xác định nguyên nhân.

Trong năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý cần tăng cường các giải pháp phối hợp đồng bộ trong sản xuất sạch gắn với chương trình phối hợp với các đơn vị để “xóa rau hai luống, lợn hai chuồng.” Công tác quản lý thức ăn đường phố phải được thực hiện thường xuyên tránh tình trạng “rộ lên một hồi rồi đâu lại vào đấy”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung đấu tranh với hành vi sản xuất rượu giả gây ra những vụ ngộ độc dẫn đến chết người thương tâm; siết chặt quản lý dịch vụ nấu ăn lưu động gây ra nhiều vụ ngộ độc tập thể ở những sự kiện tập trung đông người như đám cưới, liên hoan.

Có thể nói, mọi con đường của thực phẩm bẩn, cuối cùng đều đến bữa ăn, vào dạ dày. Chất độc hại đi vào cơ thể qua đường ăn uống, đó là cách đầu độc trực tiếp lợi hại nhất và nguy hiểm nhất. Hậu quả nhãn tiền là tình trạng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng đang xảy ra từng ngày, từng bữa.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất sắp tới, mỗi người dân hãy lựa chọn thực phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng tại những quầy bán thực phẩm uy tín an toàn. Không mua thực phẩm trôi nổi, kém chất lượng, tẩy chay các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải mạnh tay hơn nữa trong việc xử phạt các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt những quy định mới về xử lý các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 sẽ là liều thuốc đặc trị đối với các vụ vi phạm ATTP. Có làm được như vậy thì điệp khúc an toàn vệ sinh thực phẩm đến hẹn lại...lo sẽ không lặp lại./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực