Bà Rịa - Vũng Tàu: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo hiểm y tế

Thứ bảy, 04/05/2024 10:40
(ĐCSVN) - Đánh giá về việc khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua, theo kết quả khảo sát ngày 15/3/2024 đại đa số ý kiến người dân hài lòng và tương đối hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh...
 Đánh giá việc khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế  của người dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay.

Bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và luôn luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Lý do người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện là để đề phòng khi ốm đau, bệnh tật; giảm chi phí khám, chữa bệnh và nhằm mục đích chia sẻ rủi ro với mọi người/gia đình. Người nghèo và các đối tượng hưởng chính sách xã hội được Nhà nước dùng ngân sách mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế nên việc tiếp cận dịch vụ y tế của những đối tượng này đã được cải thiện rõ rệt. Quyền lợi trong khám bệnh, chữa bệnh của những người tham gia bảo hiểm y tế từng bước được mở rộng.

Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể - chính trị xã hội xác định nhiệm vụ phát triển công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần củng cố, cải thiện, phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống, vì mục tiêu an sinh xã hội và bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khoẻ cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Gắn mục tiêu thực hiện BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xác định đây là nội dung quan trọng trong chương trình công tác của các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở. Hàng năm, các cấp ủy luôn đưa công tác BHYT vào nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra các kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện tốt nội dung Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư đề ra và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng, tính ưu việt của chính sách, lợi ích của BHYT đối với mỗi người dân và toàn xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT, việc tham gia BHYT là nghĩa vụ của mọi người dân dưới nhiều hình thức đa dạng như: thông qua các trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương; từ các thông tin, bài viết trên các trang, mạng xã hội; tuyên truyền viên cơ sở, tổ trưởng tổ dân cư, cán bộ mặt trận, đoàn thể; hệ thống báo, đài Trung ương; hệ thống báo, đài tỉnh; đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế; qua hệ thống truyền thanh, phát thanh cơ sở; qua đội ngũ giáo viên…

Việc khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh hiện nay được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đánh giá về quy trình tổ chức, tiếp nhận khám chữa bệnh cho người dân có thẻ BHYT có 37.7% ý kiến cho là tốt, 55.5% bình thường; đại đa số ý kiến cho là bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân, các cơ sở y tế thực hiện tốt chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh; cung ứng kịp thời, đầy đủ dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật cho người có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh; thủ tục hành chính được cải cách, giảm bớt phiền hà cho người bệnh; các cơ sở khám chữa bệnh các tuyến đều ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và khám chữa bệnh BHYT (theo kết quả khảo sát ngày 15/3/2024).

Đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với việc khám chữa bệnh bằng BHYT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, theo kết quả khảo sát ngày 15/3/2024 đại đa số ý kiến hài lòng và tương đối hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh; về cơ sở vật chất và trang thiết bị tại cơ sở khám chữa bệnh; về quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh rõ ràng, công khai, thuận tiện, bảo đảm tính công bằng; quyền lợi của bệnh nhân được bảo đảm (cấp phát thuốc và vật tư đầy đủ theo danh mục niêm yết); trong quá trình thăm khám, điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh được giải thích, tuyên truyền, phổ biến về quyền lợi, nghĩa vụ của người bệnh BHYT; thời gian đăng ký, chờ đến lượt khám chữa bệnh BHYT nhanh chóng. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: 62.2% ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng chất lượng khám chữa bệnh BHYT ở tuyến dưới chưa đáp ứng được yêu cầu do hạn chế về nhân lực chuyên môn và kỹ thuật y tế, gây quá tải; công tác quản lý khám, chữa bệnh, thanh toán BHYT còn nhiều bất cập, chưa thể hiện tính ưu việt của BHYT; tinh thần, thái độ phục vụ còn có sự phân biệt trong khám chữa bệnh bằng BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh đã tạo tâm lý lo ngại đối với người dân;...

 Tỷ lệ người dân tham gia khảo sát về BHYT

Qua khảo sát người dân, tỉnh đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân:

Một là, phát huy vai trò của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; tiến hành nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, đa dạng về nội dung, có những minh chứng cụ thể để người dân hiểu, tự giác tham gia bảo hiểm y tế. Tập trung tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHYT trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cấp, các ngành và trong toàn dân, nhất là đối với đối tượng học sinh, sinh viên, người lao động làm việc trong các thành phần kinh tế tư nhân, hợp tác xã và Nhân dân. Coi trọng hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, truyền thanh ở huyện, xã, phường, tại thôn, ấp, tổ dân cư; trên báo, đài truyền thanh, truyền hình. Tổ chức in ấn tờ rơi, tờ gấp chuyển đến tận tay đối tượng; xây dựng các cụm pa-nô, áp phích ở nơi tập trung đông dân cư, nơi có nhiều người qua lại. Tăng cường công tác tuyên truyền và tập huấn cho cả người dân và nhân viên y tế về các quy định, chính sách của BHYT.

Hai là, cần có chế độ đãi ngộ hấp dẫn các bác sĩ giỏi yên tâm công tác, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trong chăm sóc sức khỏe chủ động và điều trị bệnh. Nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề và thái độ phục vụ bệnh nhân cho đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế đặc biệt là các Trung tâm, bệnh viện công lập. Tăng cường đưa cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao về các cơ sở y tế tuyến huyện, xã. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cán bộ y tế ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện công tác BHYT. Nghiêm cấm những hành vi nhũng nhiễu, vòi tiền của người bệnh....

Ba là, đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế, đảm bảo có đủ thuốc trong danh mục thuốc BHYT đã công bố tại cơ sở y tế và mở rộng nguồn thuốc, vật tư y tế chất lượng tốt thuộc diện chi trả của BHYT. Tăng cường các trang thiết bị y tế đảm bảo công tác khám bệnh cho các tuyến dưới để người dân yên tâm khám chữa bệnh, không vượt tuyến. Cấp phát thuốc kịp thời, đầy đủ, tránh tình trạng bệnh nhân tham gia khám bệnh bằng BHYT mà bệnh viện hết thuốc BHYT.

Bốn là, mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Người dân tham gia BHYT có quyền đăng ký khám bệnh ban đầu, chữa bệnh ở tất cả các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh, thành phố trong cả nước. Quan tâm quyền lợi bảo hiểm trái tuyến. Mở rộng đối tượng và tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho người dân tham gia BHYT. Cần ưu tiên cho người dân ở các huyện đảo, vùng sâu, vùng xa tham gia BHYT được khám chữa bệnh trên tất cả các bệnh viện lớn cấp thành phố và trung ương. Cần mở rộng và đa dạng các gói BHYT để người dân có thể lựa chọn tham gia các gói BHYT phù hợp với điều kiện của từng cá nhân, hộ gia đình; đồng thời nâng mức được hưởng quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT.

Năm là, cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn cụ thể cho người dân khi tham gia BHYT, đơn giản các thủ tục hành chính trong quá trình tham gia khám chữa bệnh. Công khai minh bạch cho từng đối tượng được hưởng các khoản lệ phí khi khám chữa bệnh và các khoản phải chi trả đối với người có BHYT, tạo niềm tin cho người dân tham gia BHYT một cách tự nguyện, đồng thời tránh gian lận chế độ thụ hưởng trong khám chữa bệnh bằng BHYT.

Sáu là, ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực quản lý hồ sơ BHYT, quy trình bốc số, quy trình khám chữa bệnh, quy trình lưu trữ hồ sơ cấp phát thuốc, bệnh tật trong hệ thống BHYT, quy trình chuyển tuyến ở các bệnh viện để thuận tiện hơn cho người dân tham gia khám chữa bệnh, nhất là trong các trường hợp cần cấp cứu. Thiết lập và duy trì hệ thống thông tin liên kết giữa các cơ sở y tế và cơ quan quản lý bảo hiểm để giúp việc quản lý và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn.

Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chính sách BHYT ở tất cả các cấp, các ngành, các đoàn thể và các đơn vị, nhất là các doanh nghiệp; nhanh chóng khắc phục và xoá bỏ tình trạng không tham gia hay nợ đóng BHXH - BHYT kéo dài của các doanh nghiệp. Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành đến các cơ sở y tế giám sát việc thực hiện chế độ BHYT cho người dân. Quan tâm quản lý, kiểm tra, giám sát chuỗi cung ứng con người, cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc men, thủ tục, dịch vụ khám chữa bệnh bằng BHYT. Xử lý nghiêm minh và hạn chế, ngăn chặn hiện tượng lạm dụng hoặc trục lợi từ BHYT./.                                                                                                 

Lê Phương (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực