Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: nld.com.vn)
Trước thềm Kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2018), thế nhưng nhiều bác sĩ và đội ngũ y tế đang mang một cảm xúc, tâm trạng buồn vui xen lẫn. Bởi có một thực tế đau lòng là dù làm nhiệm vụ cứu người nhưng một số y, bác sĩ lại bị chính bệnh nhân và người nhà hành hung. Đây là nỗi buồn không giống ai. Vì nó như chuyện thật như bịa với người nước ngoài. Ở nước ngoài, ngành y, đội ngũ y, bác sĩ được đặc biệt qúy trọng, tôn kính. Và cực kỳ hiếm những chuyện hành hung bác sĩ.
Đây cũng chính là mối lo mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong bài trả lời báo chí đầu năm đã bày tỏ: “Một trong những vấn đề mà tôi quan tâm và trăn trở nhất hiện nay là bảo đảm môi trường làm việc an ninh và an toàn cho người thầy thuốc”.
Không lo sao được khi năm 2018 chưa đi qua hết tháng thứ hai nhưng đã có những vụ bạo hành nhân viên y tế được ghi nhận trên cả nước. Mới nhất, sáng 20/2 (tức mùng 5 tết), tại Bệnh viện Sản nhi Yên Bái, hai bác sĩ tại Bệnh viện bị chồng của sản phụ hành hung dã man sau khi trực tiếp mổ đẻ cho sản phụ này. Vụ việc gây bức xúc trong dư luận và tác động tới tâm lý của số đông các thầy thuốc trong cả nước.
Còn điểm lại năm 2017 vừa qua thì thấy sự gia tăng đáng lo ngại số vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế. Không chỉ thầy thuốc làm việc tại các bệnh viện, các trung tâm y tế lớn, mà các thầy thuốc làm việc tại trạm y tế xã, hay các đơn vị cấp cứu 115 cũng bị hành hung, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cũng như tinh thần làm việc. Điển hình như: Bác sĩ bị bố bệnh nhân nhi đập cốc uống nước vào đầu tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội (tháng 4-2017); 20 côn đồ khống chế bác sĩ, chém bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (6-2017); bác sĩ bị đánh và bị bắt quỳ lạy tại Bệnh viện Thể thao Hà Nội; bác sĩ bị đập máy đo huyết áp vào đầu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Việt Yên, Bắc Giang (tháng 7-2017); bác sĩ bị chém đa chấn thương tại Trạm y tế xã Hương Long, Hà Tĩnh (tháng 9-2017); bác sĩ bị đánh rách mi mắt trái lẫn giác mạc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình); bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình bị đánh vỡ mũi (tháng 12-2017)…
Ngoài những vụ hành hung thân thể, các thầy thuốc còn phải chịu đựng cả những hành vi hành hung khác về mặt tinh thần như đe dọa, chửi rủa. Có một thực tế đáng buồn là đa số những kẻ hành hung thầy thuốc không phải là côn đồ, hay những đối tượng có tiền án, tiền sự, mà là những người dân bình thường, trong số đó có cả những cán bộ trong bộ máy nhà nước hay doanh nhân thành đạt.
Danh dự, nhân phẩm, thậm chí cả tính mạng của đội ngũ y tế - một người mà phút trước là ân nhân, giờ thành tội đồ bị lấy đi như vậy, thật là đáng buồn. Đặc biệt, bác sĩ sẽ chẳng có tinh thần, đầu óc nào nếu vừa làm việc vừa bị đe dọa, vừa đau đáu nỗi lo có thể trở thành... bệnh nhân ngay lập tức. Và khi điều này xảy ra, chắc chắn rằng người thiệt thòi đầu tiên sẽ là người bệnh.
Thông thường chúng ta vẫn thấy, sau mỗi vụ hành hung bác sĩ, dư luận lại dậy sóng bất bình. Liên tục những vụ việc hành hung bác sĩ xảy ra đã buộc Bộ Y tế có văn bản gửi các bệnh viện phải có giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân viên y tế của mình.
Tất nhiên cơ quan công an cũng đã vào cuộc, những kẻ hành hung đều bị bắt và xử lý theo pháp luật. Thế nhưng, những vụ việc ấy rồi sẽ dần bị quên lãng, cho đến khi vụ việc tiếp theo xảy ra, chúng ta mới lại giật mình trước mối hiểm nguy hiện hữu ngay bên cạnh những người thầy thuốc.
Không thể không đặt câu hỏi có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?. Đây là vấn đề cần giải quyết, cũng là việc làm thiết thực nhất trong dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc năm nay.
Bộ trưởng Bộ Y tế, trong một bài viết năm 2017, từng thốt lên rằng “Bao nhiêu nỗ lực của ngành y, của các đồng nghiệp và của Bộ Y tế nhằm ngăn chặn tệ nạn này vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn. Thất vọng vì người thầy thuốc vẫn lẻ loi trong hành trình cứu người của mình”.
Người đứng đầu ngành y đã buộc lòng phải lên tiếng: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền các cấp tăng cường các biện pháp giáo dục người dân, chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực”.
Đội ngũ y, bác sĩ cũng cần được... cấp cứu, chữa trị khỏi tình trạng trên. Câu chuyện có thật là nhiều y, bác sĩ bày kế đầy hài hước và chua xót là “ngoài việc nâng cao chuyên môn, nâng cao y đức thì phải học võ để tự vệ”!.
Đây chắc chắn không phải là cách giải quyết vấn đề. Mà điều quan trọng trước tiên là pháp luật phải đủ mạnh, nghiêm minh. Hiện nay, chúng ta đã có hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để bảo vệ cho thầy thuốc, nhân viên y tế trong khi đang thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hơn, chi tiết hơn về các biện pháp ngăn chặn, xử lý những người có hành vi xâm phạm danh dự, an toàn, sức khỏe của những người hành nghề y.
Hơn nữa, nhiều y, bác sĩ bày tỏ mong mỏi xây dựng ban hành Luật phòng chống bạo hành nhân viên y tế. Đồng thời cần có quy định rõ ràng về việc tổ chức lực lượng chuyên nghiệp để bảo vệ cho cơ sở khám chữa bệnh.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bản thân ngành y cũng phải xem lại chính mình. Chính vì vậy vấn đề cốt lõi vẫn là thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bởi bạo lực trong cơ sở y tế một phần xuất phát từ sự giảm sút niềm tin của người dân vào ngành y, vào y, bác sĩ. Để giải quyết mâu thuẫn giữa người nhà bệnh nhân với y, bác sĩ cần phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Ngoài ra cần phải có sự kết nối giữa nhân viên y tế đối với người nhà bệnh nhân trong quá trình chăm sóc, điều trị để tránh các hiểu lầm, xung đột đáng tiếc.
Sứ mệnh của thầy thuốc là chữa bệnh cứu người nhưng chính họ cũng cần được bảo vệ. Không có lí gì khi chính những thầy thuốc lại bị đổ máu khi đang làm nhiệm vụ nhân văn cao cả là chữa bệnh cứu người.!./.