Bác sĩ giỏi phải dành tối thiểu 70% thời gian khám cho bệnh nhân BHYT

Thứ ba, 15/08/2023 16:24
(ĐCSVN)- Theo quy định của Bộ Y tế, từ hôm nay (15/8), các cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo số giường bệnh thực hiện dịch vụ theo yêu cầu tại một thời điểm không quá 20%; các chuyên gia, thầy thuốc giỏi của đơn vị dành một tỷ lệ thời gian tối thiểu 70% để khám chữa bệnh cho người bệnh BHYT.

Đây là một trong những quy định tại Thông tư 13/2023/TT- BYT Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ hôm nay (15/8).

Theo Bộ Y tế, mục đích ban hành Thông tư là tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở khám chữa bệnh phát triển và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu theo đúng định hướng xã hội hóa công tác y tế; hướng dẫn cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu đúng quy định của pháp luật; đồng thời, khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, phát huy cơ sở vật chất và đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao; góp phần cải thiện thu nhập để cán bộ nhân viên y tế yên tâm phục vụ lâu dài.

 Thông tư 13 của Bộ Y tế quy định: các chuyên gia, thầy thuốc giỏi của đơn vị dành một tỷ lệ thời gian tối thiểu 70% để khám chữa bệnh cho người bệnh BHYT. (Ảnh minh họa. Ảnh: Đỗ Thoa)

Bên cạnh đó, Thông tư góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập; hạn chế người có khả năng kinh tế phải ra nước ngoài khám chữa bệnh và thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam; tạo điều kiện phát triển các gói BHYT bổ sung.

Bộ Y tế nhấn mạnh, giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (chiếm tỷ lệ từ 5-10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, tuyến huyện gần như không có). Người có thẻ BHYT vẫn thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-BYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BYT.

Do vậy, Bộ Y tế khẳng định việc ban hành Thông tư không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Bộ Y tế cho hay, cơ sở y tế thực hiện cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh phải tuân thủ nguyên tắc:

Phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu đa dạng và khả năng chi trả của người sử dụng dịch vụ;

Công khai, minh bạch danh mục, mức giá dịch vụ do cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp;

Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

Các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải thực hiện hạch toán, quản lý và sử dụng kinh phí theo đúng quy định của pháp luật.

Thông tư 13 của Bộ Y tế cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng, nguyên tắc mà các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu như: quy định về tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước, tỷ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám chữa bệnh yêu cầu tối đa 30%.

Trao đổi về nội dung này, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ, Bệnh viện đã rà soát điều kiện tiêu chuẩn thế nào là giường theo yêu cầu, theo định mức được phép.

Chúng tôi không cho phép các đơn vị thực hiện vượt quá 20% giường bệnh thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu bới nếu vượt quá, lạm dụng, sẽ ảnh hưởng, gây thiệt thòi đến bệnh nhân nghèo, khám chữa bằng BHYT.

Nếu lợi dụng, lạm dụng quá chỉ tiêu cho phép của Thông tư thì người bệnh không có điều kiện khám chữa bệnh theo yêu cầu sẽ thiệt thòi. Ban Giám đốc của Bệnh viện Bạch Mai sát sao thực hiện các quy định này. Khi người bệnh tới khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, không có nhu cầu khám chữa bệnh theo yêu cầu thì khám thông thường như bình thường và cần giải thích để nếu họ có nhu cầu sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu thì họ lựa chọn.

Giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu từ 30.500 đồng - tối đa 500.000 đồng

Khung giá dịch vụ ban hành tại Thông tư này bao gồm mức giá tối đa và tối thiểu, theo đó mức giá cụ thể dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu được phê duyệt không được thấp hơn hoặc cao hơn khung giá quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư.

Cụ thể, theo quy định, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 tối thiểu là 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/ lượt. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khác giá tối thiểu là 30.500 đồng và tối đa là 300.000 đồng/lượt.

Từ hôm nay (15/8), giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu từ 30.500 đồng đến tối đa 500.000 đồng. Ảnh: TL 

Bộ Y tế cũng nêu rõ, riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khoẻ: đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở khám chữa bệnh và người sử dụng dịch vụ.

Về giá giường bệnh theo yêu cầu, Thông tư 13 quy định, tại các bệnh viện công, giá giường bệnh theo yêu cầu loại 1 giường/ phòng có giá tối thiểu là 180.000 đồng, giá tối đa là 4.000.000 đồng/ngày.

Cụ thể, khung giá ngày giường điều trị theo yêu cầu chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế như sau:

Ngày giường điều trị nội trú Giá tối thiểu (đồng) Giá tối đa (đồng)

Loại 1 giường/phòng

180.000 4.000.000

Loại 2 giường/phòng

150.000 3.000.000

Loại 3 giường/phòng

150.000 2.400.000

Loại 4 giường/phòng

150.000 1 triệu

Theo Thông tư 13, phẫu thuật nội soi robot là dịch vụ có giá cao nhất. Trong đó, cao nhất là phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực, giá tối đa hơn 134 triệu đồng; tối thiểu là hơn 91 triệu đồng.

Phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý tiêu hóa, ổ bụng, giá cao nhất hơn 124 triệu đồng, thấp nhất là hơn 96,6 triệu đồng.

Trong danh mục các dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, dịch vụ có mức giá cao nhất là chụp PET/CT mô phỏng xạ trị có mức giá tối đa là hơn 28,7 triệu đồng, giá tối thiểu là hơn 20,5 triệu đồng, chưa bao gồm thuốc cản quang. Với chụp PET/CT, mức giá tối đa là hơn 27,8 triệu đồng, giá tối thiểu là hơn 19,7 triệu đồng.

Giá một số dịch vụ y tế có giá lớn khác như: siêu âm Doppler màu tim 4D giá không vượt quá 826.000 đồng/lượt; Chụp CT 32 dãy có thuốc cản quang giá không vượt quá 1.584.000 đồng/lượt; chụp CT Scanertừ 262 dãy trở lên có thuốc cản quang giá không vượt quá 5.250.000 đồng/lượt; chụp động mạch vành hoặc thông tim chụp buồng tim dưới DSA giá không vượt quá 10.150.000 đồng/lượt; chụp nút dị dạng và can thiệp các bệnh lý mạch thần kinh dưới DSA giá không vượt quá 23.111.000 đồng/lượt; chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang giá không vượt quá 3.701.000 đồng/lượt;.../.

Hà Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực