Bài 2: Thủ phạm khiến đồng bằng hứng chịu thảm họa “mối đe dọa kép”

Thứ bảy, 17/08/2019 12:19
(ĐCSVN) – Đi vào tiềm thức là vùng sông nước miệt vườn, cây lành trái ngọt nhưng Đồng bằng sông Cửu Long không còn được trù phú như xưa. Chỉ ra “thủ phạm giấu mặt” gây tổn thương cho vùng châu thổ, các chuyên gia cho rằng đó là biến đổi khí hậu; khai thác cát, nước ngầm và thủy điện….

Đồng bằng sông Cửu Long: Tiếp nỗi lo biển "gặm" bờ, "nuốt" trôi đất

Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Hậu Giang bị sạt lở nghiêm trọng, khiến người dân phải cắm biển cảnh báo.

(Ảnh: Bích Liên)

Vì đâu biển “gặm” bờ, “nuốt trôi” đất?

Theo nhận định của các nhà khoa học, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đứng trước mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu. Bởi hiện tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang gia tăng và diễn biến phức tạp; gây mất nhà, mất đất, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người dân...

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2010 tới nay cho thấy, toàn vùng ĐBSCL sạt lở diễn biến phức tạp, gia tăng cả về phạm vi, mức độ. Thống kê cho thấy, hiện khu vực ĐBSCL có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km. Trong đó, sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566 km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch); sạt lở bờ biển 52 điểm với tổng chiều dài 268 km.

Trong số các điểm sạt lở nêu trên, hiện có 57 điểm sạt lở đăc biệt nguy hiểm, tổng chiều dài 170 km, bao gồm bờ sông 39 điểm với tổng chiều dài 85 km, bờ biển 18 điểm với tổng chiều dài 85 km.

Nguy hiểm hơn, sạt lở theo quy luật thường xảy ra ở các đoạn sông cong, cửa phân lưu, nhập lưu, các cửa sông phân lạch là nơi dòng chảy không ổn định, vận tốc dòng chảy lớn hơn sức chịu của bùn cát lòng sông.

Chỉ ra các nguyên nhân sạt lở các chuyên gia cho rằng, việc suy giảm bùn cát do tác động của hồ chứa ở thượng nguồn và khai thác cát quá mức trên các triền sông; do xây dựng và nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển. Cùng với đó là do tác động của BĐKH, nước biển dâng (trung bình 2 - 3mm/năm); việc suy giảm diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn và ngập mặn ven biển; gia tăng hoạt động của tàu, thuyền gây tác động lên bờ sông và nền địa chất yếu của ĐBSCL.

Trở lại tỉnh Hậu Giang, theo phản ánh của chính quyền nơi đây, do phát triển thượng nguồn các nước đầu nguồn sông Mê Kông xây dựng các đập thủy điện, hồ chứa nước làm giảm 80% lượng phù sa về ĐBSCL. Cùng với đó do nhu cầu phát triển ĐBSCL cần lượng cát lớn nên việc khai thác cát, khai thác không kiểm soát vẫn diễn ra thường xuyên. Việc xây dựng các tuyến đường, xây dựng nhà cập tuyến sông, kênh không kiểm soát cũng làm co hẹp dòng chảy, tăng lưu tốc dòng chảy, khiến sạt lở xảy ra nghiêm trọng…

Còn tại Bạc Liêu, tình trạng này cũng diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh kế của người dân.

Theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, những năm gần đây do tác động của BĐKH đã tác động trực tiếp vào đường bờ biển gây hiện tượng sạt lở ven bờ biển, điển hình là khu vực cửa sông Gành Hào. Cùng với đó, hiện tượng triều cường dâng cao bất thường cũng là nguyên nhân gây sạt lở.

“Vào mùa gió chướng, sóng biển từ ngoài khơi tiến vào bờ sẽ vỡ trên vùng bãi bồi làm biến dạng phần nền. Ngoài ra, khu vực không có rừng phòng hộ hoặc nơi có thảm rừng phòng hộ ít sẽ không có đủ thảm rừng làm tiêu hao năng lượng sóng, khiến sóng tác động trực tiếp vào bờ, gây sạt lở”, ông Trung cho hay.

Cũng theo ông Trung, điển hình là khu vực cửa kênh Nhà Mát, sự thay dòng chảy ven bờ và tác động của triều cường dâng cao bất thường, kết hợp với sóng biển đã làm mất dần thảm rừng phòng hộ khiến những cây Mắm cao 4-5m vẫn bị sóng cuốn trôi cả gốc ra biển.

 

BĐKH khiến sóng biển và triều cường ngày càng mạnh khiến diện tích đất rừng phòng hộ ven biển và rừng ngập mặn tại Bạc Liêu tiếp tục suy giảm. (Ảnh: Bích Liên)

Lý giải nguyên nhân đồng bằng gia tăng hạn, mặn

Không chỉ sạt lở, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cũng đang diễn ra nghiêm trọng, đe dọa ĐBSCL. Hàng năm, mặn thường xuất hiện trên vùng các cửa sông ĐBSCL, từ khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau, với đỉnh điểm là cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Trong vài năm tới nếu tốc độ hạn hán, xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn như hiện nay, nền nông nghiệp ở ĐBSCL có thể sẽ bị kiệt quệ; đất nông nghiệp, lương thực sẽ trở nên khan hiếm.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, những năm gần đây do BĐKH và nguồn nước thượng lưu sông Mê Kông về đồng bằng đã làm thay đổi quy luật tự nhiên. Bởi việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện thượng lưu, dẫn đến xâm nhập mặn có những thay đổi lớn, gây khó khăn trong việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Cùng với đó, thời gian xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn trước đây từ 1-1,5 tháng; phạm vi xâm nhập mặn tăng so với trước đây.

Ngay tại thời điểm này, một số địa phương ven biển như Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre... vẫn phải áp dụng các giải pháp tạm thời làm đập ngăn mặn để lấy nước phục vụ sinh hoạt.

Tại Hậu Giang, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang,cho biết: Khi mực nước biển dâng do BĐKH tăng lên, thì hoạt động truyền triều sẽ đi rất sâu vào trong nội địa, nhất là vào mùa nước kiệt, sẽ làm suy giảm chất lượng nguồn nước mặt và nước ngầm, làm giảm khả năng tự làm sạch tự nhiên của nguồn nước, do đó sẽ gia tăng áp lực cấp nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt, cũng như gia tăng vấn đề ô nhiễm, suy giảm và suy thoái nguồn nước do tác động của các nguồn nước thải thải ra từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Dự báo và nghiên cứu thực tế tại địa phương này cho thấy năm 2019, tình hình hạn, mặn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đỉnh điểm nhất vào đầu mùa khô tháng 4/2019 vừa qua, tại Hậu Giang độ mặn đo được tại các cống luôn ở mức cao và lấn sâu vào nội đồng. Mỗi ngày, bình quân độ mặn tăng từ 0,2‰ đến gần 1‰, cao hơn 5-6‰ so với cùng kỳ năm trước.

Trên con đường đến với người dân vùng “khát”, phóng viên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tận mắt “mục sở thị” hạn hán và nước mặn tấn công không chỉ gây ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân ở những vùng ngọt hóa, như: Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp... mà còn tác động đến các hộ dân nuôi tôm nước lợ tại Bạc Liêu.

Chị Nguyễn Thị Lý, một hộ dân nuôi tôm tại huyện Đông Hải, Bạc Liêu lo lắng: “Nắng nóng kéo dài dẫn đến độ mặn lên cao làm con tôm chậm lớn, mắc một số bệnh. Ao nuôi tôm của gia đình mới thả được hơn một tháng đã bị bệnh, không cứu được. Thời tiết cứ như vậy thì nông dân thua lỗ nặng lắm...”.

Là người dân sống hàng chục năm nơi đây, đúc rút kinh nghiệm sản xuất từ nhiều đời, chị Lý cho hay: “Trước đây, ở các vùng phía trên như tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười là những nơi trữ rất nhiều nước. Khi lũ về, nước được chứa trong hai vùng trũng đó; mùa khô, nước từ từ thấm qua, giảm xâm nhập mặn. Hiện vùng trữ nước phía trên không còn nên mặn xâm nhập nhiều hơn. Xâm nhập mặn vào sâu nội đồng ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất, nuôi trồng của bà con”.

Lý giải nguyên nhân tình trạng trên, đại diện Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cho biết, mùa lũ 2018 xuất hiện sớm nhưng giảm nhanh sau khi đạt đỉnh, dẫn đến dòng chảy từ thượng lưu về ĐBSCL đang xuống ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm. Vì thế, mùa khô 2018-2019, mặn xâm nhập sớm, sâu với những biến động phức tạp và gay gắt.

Đứng trên góc độ của ngành quản lý, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ nguyên nhân ĐBSCL cùng lúc chịu nhiều tác động lớn: Tác động BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất, với nền đất thấp, đối diện với 2 mặt biển cả phía Đông và Tây, ĐBSCL là một trong những vùng hứng chịu nặng nề nhất tác động BĐKH. Tác động phía thượng nguồn sông Mê Kông do các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn nước, như thủy điện, chuyển nước khỏi lưu vực hệ thống, suy giảm nhanh diện tích rừng, thảm thực bì (nơi giữ nước, điều tiết nước) đã, đang và sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng làm thay đổi căn bản quy luật dòng chảy khi vào đến địa phận Việt Nam. Ngoài ra, những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại, như thâm canh lúa 3 vụ, suy giảm tài nguyên rừng, khai thác tài nguyên cát sỏi, nguồn nước ngầm, xây dựng hạ tầng, nhà ở ven sông cùng với các hoạt động kinh tế khác cũng gây nên tổn thương lớn đến vùng châu thổ và sự phát triển bền vững./.

 

(Còn nữa)

 

 

 

 

 

Nhóm PV Thời sự

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực