Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, dịch truyền khi bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng cao

Thứ năm, 31/08/2023 16:00
(ĐCSVN) - Trước tình trạng dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở Hà Nội (bệnh sốt xuất huyết) và miền Nam (bệnh tay chân miệng), Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế sẵn sàng thiết bị, thuốc, đặc biệt là dịch truyền Dextran dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng.

Trong 3 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết giảm ở miền nam, miền trung, riêng khu vực miền bắc tăng 125,2%, đặc biệt tại Hà Nội tăng 5,3 lần. Đến nay, dịch truyền Dextran dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng đã có nguồn cung ứng đủ để ứng phó với dịch có nguy cơ bùng phát.

Theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là tình hình bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội và tình hình bệnh tay chân miệng tại khu vực miền Nam.

Phun thuốc diệt muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: TL. 

Theo báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến 25/8/2023 cả nước ghi nhận 66.386 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 14 bệnh nhân tử vong (tại Đồng Nai (4), Đắk Lắk (2), Phú Yên (2), Bình Phước (1), Bình Thuận (1), Thành phố Hồ Chí Minh (1), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Long An (1)). So với cùng kỳ năm 2022 (với 172.567 ca mắc, 93 ca tử vong) số mắc giảm 61,5%, tử vong giảm 79 trường hợp.

Số mắc sốt xuất huyết 8 tháng đầu năm 2023 tập trung tại Hà Nội (5.190 ca mắc) và một số tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam như Thành phố Hồ Chí Minh (8.628 ca mắc), An Giang (3.161 ca mắc), Đồng Nai (3.114 ca mắc), Bình Dương (2.482 ca mắc), Bình Thuận (3.118 ca mắc), Sóc Trăng (2.481 ca mắc).

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết của cả nước 8 tháng đầu năm 2023 là 0,02% (thấp hơn tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết giai đoạn 2016-2020 là 0,03%), thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và nằm trong chỉ tiêu về giảm tử vong do Thủ tướng Chính phủ giao tại Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 (≤0,09).

Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm 2023 chủ yếu là D1, D2 và không có sự khác biệt với các tuýp virus lưu hành những năm gần đây.

Tất cả các trường hợp tử vong đều ghi nhận tại khu vực miền nam, miền trung, Tây Nguyên, chưa có trường hợp tử vong ghi nhận tại khu vực miền bắc.

Số mắc sốt xuất huyết ghi nhận tăng cao bắt đầu từ tuần 26 (tháng 6), và tăng cao nhất trong 3 tuần gần đây. Số mắc sốt xuất huyết trong 8 tháng đầu năm 2023 giảm tại 3 khu vực (khu vực miền nam giảm 71%, khu vực miền trung giảm 44,3%, khu vực Tây Nguyên giảm 34%), riêng khu vực miền bắc tăng 125,2%, đặc biệt tại Hà Nội tăng 5,3 lần.

Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm 2023 chủ yếu là D1, D2 và không có sự khác biệt với các tuýp virus lưu hành những năm gần đây.

Theo Cục Y tế dự phòng, Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á trong đó nhiều quốc gia hiện ghi nhận số mắc và tử vong tăng cao trong năm 2023. Số mắc tại Việt Nam tăng bắt đầu từ tuần 26 (tháng 6) đến nay tương đồng với sự gia tăng số mắc sốt xuất huyết trong nhiều năm qua.

Nguyên nhân gia tăng bệnh sốt xuất huyết hiện nay do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, đặc biệt tại khu vực miền bắc đang trong điều kiện thời tiết mùa hè nóng ẩm, nắng mưa đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng và muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh.

Môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng (bọ gậy) của muỗi truyền bệnh; sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao.

Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế thế giới, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền.

Dự báo thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.

Tại khu vực phía nam, theo báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tăng từ giữa tháng 5 và tăng rất nhanh một tháng sau đó. Tính đến đầu tháng 8, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 16.355 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2022.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở y tế dự phòng đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là hóa chất phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và máy phun hóa chất để thực hiện công tác xử lý ổ dịch triệt để, hiệu quả.

Bộ Y tế cho biết, hiện nay, các loại hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trên thị trường đáp ứng được nhu cầu về phòng, chống dịch.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cả công lập và ngoài công lập đảm bảo sẵn sàng thiết bị, thuốc, đặc biệt là dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Đối với dịch truyền Dextran là dung dịch cao phân tử, được dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng, Cục Quản lý Dược đã cấp phép các hồ sơ đề nghị nhập khẩu dịch truyền Dextran chưa có Giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Điều 68 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với tổng số lượng đã cấp phép nhập khẩu là 17.010 túi.

Theo báo cáo của cơ sở nhập khẩu, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng thuốc thực tế đã nhập về là 12.550 túi, trong đó số lượng thuốc đã cung ứng cho các bệnh viện là 5.118 túi và số lượng thuốc còn tồn tại kho của cơ sở nhập khẩu là 7.432 túi.

Như vậy, hiện nay thị trường Việt Nam đã có nguồn cung ứng dịch truyền Dextran. Bộ Y tế nhấn mạnh yếu tố cốt lõi quyết định việc bảo đảm cung ứng thuốc là các đơn vị chủ động đặt hàng trước các doanh nghiệp nhập khẩu./.

Kha Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực