Bé 2 tuổi nguy kịch vì bệnh dại, cha mẹ cần biết những điều này để cứu con

Thứ hai, 10/06/2024 08:00
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Bé trai 2 tuổi bị chó nhà nuôi cắn vào cổ và cằm nhưng chỉ được rửa vết thương bằng xà phòng, không được tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại. Sau đó trẻ khởi phát bệnh dại, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

TS.BS Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết mới đây, khoa đã tiếp nhận một bé trai 2 tuổi khởi phát bệnh dại, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Khai thác bệnh sử, gia đình cho hay: Trước khi nhập viện 1 tháng, trẻ bị chó của gia đình nuôi (chưa tiêm phòng dại) cắn vào vùng cổ và cằm. Ngay sau khi bị cắn, trẻ chỉ được rửa vết thương bằng xà phòng và không được tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đang nỗ lực cứu chữa bệnh nhi. Ảnh: BVCC 

Khoảng 8 ngày trước khi vào viện trẻ lên cơn sốt, biểu hiện bất thường nên được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị với chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Tuy nhiên, tình trạng trẻ ngày càng nặng và chuyển biến nhanh nên đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại khoa Điều trị tích cực - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, trẻ có biểu hiện sợ gió, xuất tiết đờm dãi, kích thích, vật vã, hoảng loạn. Trẻ được làm các xét nghiệm nước bọt, dịch não tủy, sinh thiết da gáy, kết quả chẩn đoán xác định mắc bệnh dại.

Để điều trị cho bệnh nhi, các bác sĩ đã sử dụng thuốc vận mạch, điều trị theo đích tăng áp lực nội sọ và hỗ trợ hô hấp cho trẻ. Tuy nhiên, hiện tại trẻ vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng xấu nguy cơ tử vong cao.

TS.BS Đào Hữu Nam cho biết thêm hàng năm, khoa tiếp nhận cho một số trường hợp trẻ mắc bệnh dại đến khám và điều trị. Đa số các trường hợp trẻ nhập viện đều chưa được tiêm phòng do cha mẹ thiếu hiểu biết về bệnh dại, tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn, chó bình thường, tâm lý e ngại với vaccine phòng dại, một số trường hợp trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình,…

Bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ không may bị súc vật tấn công, gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí vết thương, tiêm vaccine phòng dại và thuyết thanh kháng dại kịp thời.

Cách phòng tránh bệnh dại cho trẻ phụ huynh cần biết. Ảnh: BVCC 

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể lây lan từ động vật sang người thông qua nước bọt, các vết cắn, cào xước.

Tại Việt Nam, mặc dù các cơ quan chức năng liên tục khuyến cáo về việc tiêm phòng vắc xin dại và huyết thanh kháng dại cho những người bị súc vật tấn công, nhưng hàng năm vẫn có nhiều trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

Điều đáng nói, chính vì tâm lý chủ quan “chó, mèo nhà nuôi” nên các gia đình không tuân thủ việc tiêm phòng dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Nguyên nhân mắc bệnh dại

Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).

Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường là từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vắc xin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định.

Cách phòng ngừa bệnh dại hiệu quả

Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo.

Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn cần: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Không tự ý điều trị bằng thuốc nam, hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây… chưa được chứng minh có hiệu quả phòng bệnh, ngược lại có thể gây nguy hiểm, tạo điều kiện cho vi rút xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn hoặc gây ra các tình trạng nhiễm trùng cơ hội.

Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccin phòng dại, huyết thanh kháng dại

Truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực