|
Đoàn đi kiểm tra thực tế trẻ đang điều trị bệnh TCM tại Khoa Nhi.
(Ảnh: Thanh Hoàng)
|
Theo đó, Đoàn tiến hành kiểm tra, rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế điều trị bệnh TCM để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh khác chuyển đến.
Theo BVĐK Tiền Giang, trong 6 tháng đầu năm thu dung 266 ca bệnh TCM và nhập viện điều trị 88 ca với các phân độ; Độ IIA 72 ca, độ IIB nhóm 1 có 9 ca, độ 2 IIB nhóm 2 có 2 ca và độ III có 1 ca.
Ban Giám đốc Bệnh viên luôn bám sát và chi đạo Khoa nhi, các Khoa có liên quan trong thu dung và điều trị bệnh TCM cho bệnh nhân theo phát đồ điều trị của Bộ Y tế.
Chia sẻ với đoàn kiểm tra, Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Quang Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang cho biết, Bệnh viện đã sẵng sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, đào tạo tập huấn cho công tác điều trị bệnh TCM.
Qua kiểm tra, Đoàn đánh gia cao công tác thu dung và quy trình điều trị bệnh TCM của Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang. Tuy nhiên với tình hình bệnh TCM đang tăng như hiện nay; BSCK2 Nguyễn Hữu Diệp Phó Giám đốc Sở Y tế lưu ý: Ban Giám đốc Bệnh viện phải thường xuyên kiểm tra và giám sát các khoa thực hiện việc thu dung, điều trị người bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện; phân tuyến điều trị; tổ chức sàng lọc phân loại người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú theo lưu đồ xử trí bệnh tay chân miệng và củng cố nguồn lực cho hồi sức cấp cứu. Tăng cường công tác chỉ đạo, tập huấn và tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các huyện theo địa bàn đã được phân công và khi có yêu cầu hỗ trợ.
Tăng cường, chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng
|
CDC tỉnh Tiền Giang tuyên truyền lưu động phòng bệnh tay chân miệng tại cộng đồng.
(Ảnh: Thanh Hoàng)
|
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm 2023 đến ngày 20/6, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 290 trường hợp mắc bệnh TCM, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Theo khuyến cáo của CDC: Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh lưu hành quanh năm, thường ghi nhận số mắc cao vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 11.
Bệnh TCM hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh TCM, người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như: cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như: đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống bệnh tay chân miệng ở trẻ em, CDC tỉnh Tiền Giang đã có Công văn số 496/KSBT-GDSK ngày 08/6/2023 đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phát thanh tuyên truyền trên hệ thống loa, đài truyền thanh tại địa phương; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các chiến dịch truyền thông về vệ sinh môi trường, thực hiện 3 sạch "ăn sạch, uống sạch và ở sạch", rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; chủ động thực hiện các hình thức truyền thông giáo dục sức khỏe như: treo khẩu hiệu/băng rôn, tư vấn sức khỏe trong các hoạt động khám, điều trị bệnh và các buổi tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ tại cơ sở, thăm hộ gia đình, lồng ghép nói chuyện sức khỏe tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, tuyên truyền lưu động, thảo luận nhóm…/.