Địa phương có ca mắc cao là TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên, TX.Bến Cát và huyện Bắc Tân Uyên. Trong đó, 7 xã, phường đang là điểm nóng với 5 tuần gần đây ghi nhận mỗi tuần khoảng 10 ca mắc mới.
Điển hình như tại TP.Thuận An, từ đầu năm đến nay, địa phương này đã ghi nhận 436 ca bệnh, trong đó có 2 trường hợp tử vong và 3 điểm nóng về dịch bệnh tại phường Thuận Giao, Bình Chuẩn, An Phú.
|
Bệnh tay chân miệng vẫn đang gia tăng ca mắc. Ảnh: D Hương |
Hiện toàn tỉnh ghi nhận 74 ca bệnh nặng, tỷ lệ ca nặng độ 2b trở lên chiếm 4% tổng số ca mắc. Hai nhóm tuổi có số ca mắc cao là từ 1 đến 2 tuổi (chiếm 33,1%) và từ 2 đến dưới 6 tuổi (chiếm 54,68%). Hai nhóm tuổi này thuộc nhóm trẻ và mẫu giáo.
Đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, cho biết: “Qua các số liệu mà chúng tôi theo dõi, cộng với các báo cáo, dự báo năm nay bệnh TCM diễn biến phức tạp. Số ca mắc TCM trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân là tỉnh đã ghi nhận sự xuất hiện của vi rút Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh”.
Bệnh TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Với tình hình hiện tại, bệnh TCM rất dễ lây lan thành dịch. Vi rút gây bệnh có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường bên ngoài qua phân, nước bọt. Bác sĩ Trần Văn Chung khuyến cáo cách phòng bệnh hiệu quả là giữ vệ sinh môi trường sinh hoạt của trẻ sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh đồ chơi, rửa tay cho trẻ bằng xà phòng. Khi trẻ sốt cao đột ngột, người nhà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, hướng dẫn theo dõi và can thiệp, điều trị kịp thời.
Theo BS Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh TCM, hạn chế thấp nhất trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, ngành Y tế tỉnh vẫn duy trì thường xuyên các hoạt động giám sát, xét nghiệm phát hiện ca bệnh và xử lý kịp thời, khống chế các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh triển khai giám sát chặt chẽ các biến thể virus mới.
Tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý các ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong, thực hiện tốt phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.
|
BS Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng |
Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng chống dịch bệnh trong các tình huống. Tăng cường tập huấn về giám sát, điều trị bệnh tay chân miệng cho nhân viên y tế.
Đối với các địa phương, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn, chú trọng tại các khu có nguy cơ cao, có nguy cơ bùng phát dịch như các khu trọ, chung cư có mật độ dân cư cao.
Đa dạng hóa các hình thức truyền thông tới người dân như họp tổ dân phố, phát trên loa phát thanh phường, xã, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, báo chí, đài truyền hình.
Phối hợp ngành Giáo dục – Đào tạo chủ động tổ chức truyền thông tại các trường học về bệnh tay chân miệng, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo các cơ sở giáo dục, đào tạo có đủ các phương tiện vệ sinh an toàn, đúng cách và thuận tiện nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các điểm trường.
Được biết, trước đó Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết./.