Các địa phương chủ động phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ

Thứ ba, 07/11/2023 15:56
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, ngành y tế các tỉnh đã đẩy mạnh giám sát sớm các trường hợp mắc bệnh, tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, xử lý ngay và triệt để ổ dịch.
 
 Ảnh minh họa. Nguồn: CDC

*Thanh Hóa

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 900 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có một trường hợp tử vong. Các ca sốt xuất huyết chủ yếu là bệnh nhân trở về từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Trước tình hình ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh giám sát sớm các trường hợp mắc bệnh, tăng cường truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn, xử lý ngay và triệt để ổ dịch.

Với 89 ca mắc, thị xã Nghi Sơn là địa phương ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất ở Thanh Hóa. Ngay khi xuất hiện ca mắc đầu tiên, Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn đã phối hợp với Trạm y tế các phường, xã tổ chức giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết xung quanh nhà bệnh nhân, đồng thời phun hóa chất triệt để trong bán kính 200m. Thị xã Nghi Sơn cũng tiến hành tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng, chống dịch đối với cộng đồng. Nhờ tích cực triển khai các biện pháp khoanh vùng, khống chế dịch nên đến nay cả các ổ dịch sốt xuất huyết đều đã được kiểm soát, không lây lan rộng.

Ông Lê Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn cho biết: Nghi Sơn là khu vực trọng điểm sốt xuất huyết ở Thanh Hóa do đây là địa bàn có sự giao thương đi lại rất lớn với các tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh đó, người dân địa phương có nghề làm mắm trong các lu, vại... là những vật dụng tạo điều kiện cho muỗi trú ẩn, đẻ trứng, loăng quăng, bọ gậy phát triển. Năm nay ngay từ đầu mùa dịch, Trung tâm Y tế thị xã đã tập trung vào hoạt động giám sát, tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn giám sát kịp thời các ca mắc và nghi mắc sốt xuất huyết. Việc phát hiện sớm ca bệnh là yếu tố quan trọng giúp ngành y tế thị xã và chính quyền địa phương triển khai kịp thời các biện pháp khoanh vùng, bao vây, dập dịch.

Để dịch sốt xuất huyết không lây lan rộng, ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa đã có công văn chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, tổ chức giám sát chặt chẽ các ổ dịch sốt xuất huyết, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện. Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh chiến dịch vệ sinh môi trường, nhà cửa, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, khơi thông cống rãnh, lật úp các dụng cụ chứa nước, diệt loăng quăng, bọ gậy; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, đáng lo ngại là từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng khá nặng; một số bệnh nhân diễn biến nặng do có bệnh nền, bệnh nhân đang điều trị bệnh khác bằng thuốc chứa corticoid liều cao hoặc phụ nữ đang mang thai. Trong đó, có không ít bệnh nhân nhập viện muộn do chủ quan, tự điều trị tại nhà.

*Hà Tĩnh

Những ngày gần đây, tại Hà Tĩnh, mưa, lũ diễn biến rất phức tạp, gây ngập lụt, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân. Hiện nay, mưa đã giảm bớt nhưng nước lũ rút chậm, ngành Y tế Hà Tĩnh huy động lực lượng về các địa phương cùng với chính quyền hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước, giảm thiểu nguy cơ về dịch bệnh tật xảy ra.

Nhằm chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ, ngành Y tế đã chủ động chuẩn bị vật tư, phương tiện và huy động lực lượng tại chỗ cùng với các cấp chính quyền địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ và xử lý môi trường, không để dịch bệnh xảy ra. 

Để chủ động phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Tĩnh đã cấp bổ sung 350kg Cloramin B và 55.000 viên Aquatab khử khuẩn nước sạch sinh hoạt cho huyện Hương Khê.

Ảnh minh họa. Nguồn: TB 

Không chỉ huyện miền núi Hương Khê bị ảnh hưởng của mưa lũ mà tại huyện Đức Thọ có hai xã là An Dũng và Lâm Trung Thủy bị ngập lụt với 49 hộ, trong đó có 14 hộ nước ngập sâu vào nhà, nhiều giếng nước bị ngập. Tại huyện Nghi Xuân có xã Cổ Đạm và Xuân Hội với 150 hộ bị ngập cục bộ, ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của nhân dân.

Ngành Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế các huyện miền núi, các huyện vùng bị ngập lụt phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường sau lũ, xử lý nước giếng khơi và đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường thôn, xóm, chủ động phòng, chống các dịch bệnh phát sinh khi nước lũ rút./.

 *Gia Lai

Trước các khó khăn, vướng mắc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thị Thanh Lịch đã có các chỉ đạo kịp thời để Bệnh viện hoạt động ổn định, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Ban lãnh đạo Bệnh viện khẩn trương xây dựng Đề án vị trí việc làm và số lượng người làm việc đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 của Bộ Y tế; đồng thời, phải đồng bộ với các mục tiêu, chỉ tiêu theo định hướng phát triển đến năm 2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành bệnh viện hạng I theo hướng bệnh viện đa khoa gồm các chuyên khoa có chuyên môn sâu… Các Sở Nội vụ, Sở Y tế có trách nhiệm hướng dẫn Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện đảm bảo theo quy định; trong đó cần lưu ý đến việc đảm bảo chế độ, chính sách của người lao động, cũng như tâm tư, nguyện vọng của người lao động; thời gian hoàn thành trong tháng 11/2023.

Bệnh viện cần đánh giá lại hoạt động liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế, báo cáo và đề xuất phương hướng thực hiện thời gian tới (bằng văn bản) gửi Sở Y tế, Sở Tài chính tổng hợp.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan trên cơ sở đề xuất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý để tháo gỡ những tồn tại, khó khăn trong hoạt động liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế tại Bệnh viện thời gian qua… Bệnh viện Đa khoa tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan rà soát, sắp xếp thực hiện phương án xây dựng lại khu vực nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân; lập hồ sơ khái toán và báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, thực hiện từ nguồn xã hội hóa./.

BL (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực