Cách bảo vệ sức khỏe trong ngày nắng nóng

Thứ tư, 26/06/2024 15:04
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Nắng nóng có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương như người già, trẻ nhỏ và những người mắc một số bệnh lý nhất định.

Bộ Y tế cho biết vào mùa nắng nóng, người dân có thể thường gặp phải một số vấn đề sức khỏe là say nắng, say nóng, hoặc đột quỵ do nóng.

Nguyên nhân chủ yếu do phải tiếp xúc quá lâu, hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao, hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

Sử dụng các phương tiện chống nắng cần thiết khi đi ra ngoài đường. (Ảnh: TL)

Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu, hoặc trong môi trường nóng bức như người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở các lò gạch, lò luyện gang thép…; những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường...

Biểu hiện của các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể. Trong đó, ở mức độ nhẹ là mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút.

Mức độ nặng là đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt…), và có thể tử vong.

Bộ Y tế lưu ý, khi gặp vấn đề về sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp.

Cụ thể, với mức độ nhẹ, cần chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió. Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân. Sau đó, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát, hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô. Đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, hai bên cổ để giúp nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể.

Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất, như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng.

Nếu nạn nhân bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút. Lưu ý không để cho nhiều người vây quanh nạn nhân. Sau khoảng 10 - 15 phút, các biểu hiện sẽ giảm dần.

Trường hợp nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115, hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý trong quá trình vận chuyển, thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Các biện pháp dự phòng

Về biện pháp dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều.

Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột, mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài, bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng, hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.

Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Đồng thời, tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày.

Đặc biệt, cần uống tối thiếu 1,5 - 2 lít nước/ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Ngoài ra, cần rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng, và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.

Trẻ cần được bổ sung nước đầy đủ, nhất là trong ngày nắng nóng để đảm bảo sức khỏe. (Ảnh: TL)

Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, cần bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ, như vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao.

Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút.

Trường hợp này cũng nên hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng, như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính.

Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng. Lưu ý, không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc.

Đặc biệt, cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất, như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc, khi uống nước cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp làm thoáng mát nơi làm việc, như sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống quạt thông gió phù hợp.

Trẻ nhỏ mắc bệnh về hô hấp tăng cao

Thông tin Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, những ngày qua, bệnh viện gần như quá tải vì số lượng người nhà đưa bệnh nhân đến khám bệnh quá đông. Nhiều trẻ em nhập viện do thời tiết nắng nóng kéo dài, vi khuẩn phát triển mạnh trong khi sức đề kháng của trẻ bị giảm.

Trẻ đến khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương trong dịp nắng nóng. (Ảnh: TL) 

Trẻ em bị thiếu nước, tiêu tốn nhiều năng lượng do bài tiết mồ hôi, điều hòa thân nhiệt nên dễ bị cảm cúm, sốt, các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa.

Nhiều trẻ em cũng bị say nắng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời tăng cao nhiều trẻ bị sốc nhiệt dẫn đến ốm nặng và ngất xỉu.

Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, nếu trẻ bị say nắng, say nóng, bố mẹ cần bình tĩnh để có cách xử trí kịp thời bằng thực hiện nhanh các biện pháp sau:

Gọi bác sĩ hoặc xe cấp cứu ngay lập tức. Làm mát cho bé càng nhanh càng tốt bằng cách bế trẻ đến chỗ mát, thoáng khí.

Lau mát cho bé bằng nước mát và quạt cho bé. Lưu ý: trong các trường hợp say nắng, say nóng uống hạ sốt như Ibuprofen hoặc Paracetamol cũng không làm trẻ hạ sốt.

Nếu bé hôn mê, gọi hỗ trợ và hồi sức tim phổi ngay. Nếu bé còn tỉnh, cho bé uống một ly nước lạnh, uống mỗi 15 phút cho đến khi bé cảm thấy đỡ hơn. Liên tục theo dõi thân nhiệt tim phổi của bé trong khi đợi bác sĩ và xe cấp cứu. Ngoài ra, mệt lả do nóng cũng là tình trạng nhiều trẻ gặp phải trong mùa hè khi nhiệt độ tăng cao và hoạt động, tập luyện thể lực nhiều giờ dưới trời nóng bức.

Cũng theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ em là đối tượng đặc biệt nhạy cảm và rất dễ bị say nắng, say nóng. Nhiệt độ môi trường là yếu tố quan trọng gây ra các vấn đề sức khỏe nhưng cũng không hoàn toàn là yếu tố quyết định duy nhất, mà còn do ảnh hưởng đồng thời của môi trường kín khí gây khó thở; cơ thể thiếu nước, mặc quần áo quá chật,...

Ví dụ, trời nóng 36 độ C nhưng con người đứng trong bóng râm, thoáng khí ít có nguy cơ say nắng, say nóng hơn khi họ ở ngoài trời vận động thể lực mạnh dưới cái nóng 32 độ C hoặc bị quần áo che kín (nhất là với trẻ nhũ nhi).

Một đứa trẻ ở trong xe hơi đóng kín cửa sẽ dễ bị say nóng do thiếu oxy và bị ánh nắng ở ngoài chiếu thẳng vào dù nhiệt độ môi trường lúc đó chỉ 25 độ C.

Để phòng tránh trẻ bị say nắng, say nóng trong mùa hè, các bậc phụ huynh nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi; không nên cho trẻ vận động ở cường độ cao và liên tục quá 2 giờ đồng hồ dưới ánh nắng mặt trời. Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, cho trẻ ngừng ngay việc tập luyện, vận động và vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi.

Không thay đổi đột ngột môi trường của trẻ. Nếu trẻ vừa đi ngoài về, tránh cho vào phòng điều hòa ngay. Không nên để trẻ chạy nhảy, ra vào giữa phòng điều hòa và không gian nóng bức bên ngoài.

Trang bị đầy đủ mũ, quần áo, kính mắt, khẩu trang hoặc che chắn cẩn thận cho trẻ trước khi đi ra ngoài trời nắng.

Nếu cho trẻ đi ô tô, tuyệt đối không để trẻ 1 mình trên xe. Khi đỗ, cần chọn nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào xe gây tăng nhiệt độ.

Hãy tắm cho các trẻ bằng nước mát khi nhiệt độ ngoài trời cao, nắng nóng gay gắt. Việc này sẽ giúp điều hòa thân nhiệt của các bé. Bổ sung dinh dưỡng và vitamin đầy đủ cho trẻ để tăng sức đề kháng và sức khỏe.

Sử dụng máy lạnh ra sao?

Theo các bác sĩ, người dân cần lưu ý khi sử dụng máy lạnh trong mùa nắng nóng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí sốc nhiệt. Việc bước từ phòng lạnh ra ngoài trời đột ngột có thể dẫn tới sốc nhiệt.

Để tránh tình trạng này, người dùng nên tắt điều hòa trước khi ra ngoài khoảng 20 - 30 phút, đồng thời mở cửa để không khí lưu thông giúp cơ thể thích nghi với nhiệt độ ngoài trời.

Nếu đi từ ngoài vào phòng lạnh, nên mở cửa phòng lạnh và ngồi trước cửa phòng một lát để nhiệt độ cơ thể hạ dần dần, thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ.

Bên cạnh đó, không nên để nhiệt độ phòng chênh lệch quá lớn với nhiệt độ ngoài trời, có thể dẫn đến cảm lạnh, sốc nhiệt. Theo các chuyên gia, nhiệt độ chỉ nên chênh lệch khoảng 7 độ so với môi trường bên ngoài.

Không nên ở trong phòng máy lạnh liên tục. Mùa hè, nhiều người không muốn bước ra khỏi phòng lạnh; tuy nhiên, nếu ngồi trong phòng máy lạnh quá lâu có thể gây ảnh hưởng đến da, dễ mắc các bệnh về hô hấp. Cũng không để điều hòa rọi thẳng vào người.

Vị trí lắp đặt điều hòa cũng rất quan trọng, nhiều người lắp điều hòa và điều hướng gió thẳng vào người, đầu... để nhanh mát. Tuy nhiên, việc đưa gió lạnh trực tiếp vào cơ thể trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe gây cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng..., đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ.

Chăm sóc da khi ngồi máy lạnh đúng cách

Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, nhiều người lầm tưởng ngồi trong phòng máy lạnh sẽ không cần dùng kem chống nắng hay dưỡng ẩm. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm, gây ảnh hưởng làn da của chị em.

Theo khuyến cáo, dù làm việc trong môi trường không có ánh nắng, chị em vẫn cần chú ý bôi kem chống nắng thường xuyên, bôi nhắc lại 2,5 - 3 tiếng/lần. Bên cạnh đó, cần dưỡng ẩm, cấp nước cho da. Có thể bổ sung qua nước uống, các loại thức ăn và bôi kem dưỡng ẩm hằng ngày để tránh da không bị mất nước./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực