Những tồn tại và thách thức trong lĩnh vực SKSS
Theo đánh giá của TS. Lưu Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), sự khác biệt khá lớn về TVM, tử vong trẻ em (TVTE) và TVSS giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc trong cả nước là một trong những khó khăn lớn nhất của công tác CSSKSS năm vừa qua.
Năm 2015 đã khép lại, công tác CSSKSS và CSSK BMTE còn phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, trong đó không thể không nhắc tới sự chênh lệch khá lớn về TVM, TVTE và TVSS giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc. Tỷ suất TVM khu vực nông thôn cao gấp 3 lần khu vực thành thị. Tỷ suất TVTE khu vực nông thôn cao gấp 2 lần so với thành thị. Tử vong sơ sinh ở nông thôn miền núi cao gấp 2 lần so với nông thôn đồng bằng, ở dân tộc ít người cao hơn gấp 2 lần so với người Kinh. Chỉ số TVTE dưới 5 tuổi đặc biệt cao tại các khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (33,9‰), Tây Nguyên (39,5 ‰). Bên cạnh đó, mặc dầu TVM, TVTE trong những năm gần đây đã xuống khá thấp nhưng tốc độ giảm đã chậm lại. Nếu ở giai đoạn 1990-2009, tốc độ giảm trung bình đối với TVM là 10/100.000 mỗi năm, thì giai đoạn 2009-2015 chỉ còn khoảng 2-2,5/100.000. Tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ và phụ nữ mang thai còn cao (0,23%);…
Tình trạng quá tải bệnh viện vẫn còn diễn ra thường xuyên.
(Ảnh: T.H.; chụp tại BVĐK khu vực Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa)
Ngoài ra, trong quá trình triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng công tác CSSKSS đã bộc lộ không ít khó khăn. Điển hình như tại tỉnh Thanh Hóa, ông Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh cho biết, việc tiếp cận và chất lượng CSSKSS bà mẹ trước, trong và sau sinh còn nhiều hạn chế; TVTE dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi đã giảm nhưng TVSS còn cao, tốc độ giảm còn chậm; tỷ lệ phá thai đã giảm nhưng chưa bền vững; nhân lực chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa thiếu, đặc biệt là tại tuyến huyện… Ngoài ra, tình trạng quá tải bệnh viện vẫn còn diễn ra thường xuyên, công suất sử dụng giường bệnh ở tuyến tỉnh luôn ở mức 150 - 200%; ở các tuyến dưới, công tác truyền thông không hiệu quả và chủ yếu là thiếu kinh phí để hoạt động; khoa CSSKSS, TTYT huyện tại nhiều đơn vị còn thiếu nhân lực, trình độ chuyên môn hạn chế, công tác quản lý thai nghén còn nhiều bất cập, công tác vô khuẩn tại trạm y tế còn nhiều tồn tại…
Lý giải một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế trên, theo ông Lương Ngọc Trương, mặc dù Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều các hoạt động can thiệp như triển khai Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em, hướng dẫn đào tạo đỡ đẻ có kỹ năng, chăm sóc thiết yếu trước, trong và sau sinh… nhằm cải thiện chất lượng công tác CSSKSS, tuy nhiên rất khó để triển khai đồng bộ các hoạt động này trên địa bàn một tỉnh rộng như Thanh Hóa. Cũng theo ông Trương, Thanh Hóa là một tỉnh lớn, còn nghèo (thu nhập bình quân đầu người ở mức 2/3 bình quân chung của cả nước), dân số đứng thứ 3 toàn quốc (sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội), có 11 huyện miền núi, 7 huyện 30a (trong tổng số 63 huyện nghèo của cả nước), do vậy, đời sống kinh tế còn thấp, nhiều phong tục tập quán còn lạc hậu, đặc biệt, tại khu vực miền núi, việc đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Với những đặc thù như vậy, việc tiếp cận của các bà mẹ với cơ sở y tế còn rất hạn chế, trong khi đó, mạng lưới y tế lại rất mỏng.
Còn tại Quảng Bình - một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, quanh năm chịu nhiều thiên tai, đời sống kinh tế người dân trên địa bàn còn khó khăn, trình độ dân trí thấp; những yếu tố đó đã phần nào khiến cho việc thực hiện công tác CSSKSS của tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt về mặt nhân lực, trang thiết bị và kinh phí. Theo Báo cáo kết quả thực hiện công tác CSSKSS tỉnh Quảng Bình 9 tháng đầu năm 2015 của Trung tâm CSSKSS tỉnh, một số khoa Chăm sóc SKSS tuyến huyện còn thiếu bác sỹ; chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS tại một số xã còn hạn chế; việc triển khai cung cấp dịch vụ KHHGĐ theo phương thức xã hội hóa tại các tuyến còn nhiều lúng túng về phương tiện, thu phí dịch vụ. Cùng với đó, kinh phí đầu tư cho công tác chăm sóc SKSS còn hạn chế, như: Kinh phí cho hoạt động truyền thông SKSS vị thành niên còn ít, thiếu tờ rơi truyền thông, sổ sách cập nhật riêng về lĩnh vực CSSKSS cho vị thanh niên... Riêng đối với Trung tâm CSSKSS tỉnh là đơn vị chuyên môn nhưng không tiếp cận được nguồn vốn, kỹ thuật do vậy kết quả hoạt động cũng có phần còn hạn chế.
Nâng cao chất lượng các hoạt động CSSKSS
Khắc phục những khó khăn, TS Lưu Thị Hồng khẳng định, năm 2015, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tiếp tục được triển khai mở rộng và đạt được những thành tựu đáng khích lệ, trong đó tập trung chú ý nhiều hơn đến chất lượng chăm sóc, góp phần vào việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Quốc gia cũng như các mục tiêu của Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản (DS/SKSS) Việt Nam; nhiều chỉ tiêu về CSSKSS đều đã được cải thiện hơn so với năm 2014.
Kỹ thuật Chăm sóc thiết yếu bà mẹ - trẻ sơ sinh trong và ngay sau sinh (EENC) được triển khai
rộng rãi và thu được hiệu quả tốt. Ảnh: T.H.
Báo cáo công tác CSSKSS năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 của Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) nêu rõ: Đến hết tháng 9/2015, cả nước có 1.202.844 phụ nữ đẻ, tương đương với cùng kỳ năm 2014 (1.204.497 phụ nữ đẻ). Tỷ lệ quản lý thai chung toàn quốc năm 2015 đạt 96,7%. Nhìn chung, tính từ năm 2006 đến nay, tỉ lệ quản lý thai đã gần đạt đến mức độ bao phủ phổ cập, kể cả ở các vùng miền núi và vùng sâu vùng xa. Tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế đã tăng đều từ 94,5% (2011) lên 96,7% (2015); tỷ lệ phụ nữ đẻ do cán bộ y tế được đào tạo đỡ của cả nước ước đạt 97,6%. Đặc biệt, một số vùng đạt được tỷ lệ rất cao như Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ (99,8-100%); tỷ lệ bà mẹ/trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh trong toàn quốc 2015 đạt 90,8%, cao hơn so với tỷ lệ năm 2014 (89,98%)…
Tại nhiều địa phương trên cả nước như Hà Tĩnh, năm vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là chất lượng và số lượng nguồn nhân lực nhưng Trung tâm CSSKSS tỉnh đã đạt được kết quả tốt trên các mặt hoạt động như: chỉ đạo tuyến; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, làm mẹ an toàn; dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; dự phòng và điều trị nhiễm khuẩn đường sinh dục, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS; phá thai an toàn; chăm sóc sức khỏe trẻ em, SKSS vị thành niên và thanh niên… Cụ thể, công tác chăm sóc và quản lý thai nghén đạt kết quả tốt, tỷ lệ phụ nữ được quản lý thai nghén đạt 99,9%, tỷ lệ khám thai từ 3 lần trở lên trong 3 kỳ đạt 93,3%, tiêm phòng uốn ván đạt 99,7%... vượt so với kế hoạch đề ra và tỷ lệ chung của toàn quốc. Tỷ lệ tai biến sản khoa giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2014. Tỷ lê suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở thể nhẹ cân đạt 14%, tỷ suất chết trẻ dưới 4 tuổi đều giảm so với kế hoạch. Đặc biệt năm 2015, Trung tâm CSSKSS tỉnh đã triển khai các câu lạc bộ SKSS vị thành niên, thanh niên tại 13 huyện, thị, thành phố, tổ chức các buổi truyền thông về sức khỏe vị thành niên tại các trường học…
Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ths.Bs Nguyễn Khoa Nguyên - Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh cho biết, trong năm 2015, công tác CSSKSS của tỉnh đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt, như: cung cấp dịch vụ KHHGĐ, thực hiện tốt quản lý thai nghén, nâng cao chất lượng khám thai, tỷ lệ khám thai từ 3 lần trở lên trong 3 thời kỳ đạt trên 96%, đã triển khai kỹ thuật Chăm sóc thiết yếu bà mẹ - trẻ sơ sinh trong và ngay sau sinh (EENC) từ tháng 6 đến nay, công tác tai biến sản khoa, tử vong mẹ giảm; công tác truyền thông cũng như cung cấp dịch vụ khám, điều trị phụ khoa, sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú được triển khai thường qui; hoạt động công tác Nam học, vô sinh và vị thành niên/thanh niên ngày càng được chú trọng;…
Phát huy các thành tựu đã đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế; trong năm 2016 và những năm tiếp theo, ngành Y tế xác định việc củng cố và phát triển mạng lưới CSSKSS theo hướng tăng cường khả năng tiếp cận phổ cập đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là năng lực hồi sức cấp cứu sản khoa, sơ sinh sẽ là những nhiệm vụ quan trọng góp phần duy trì những thành quả đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm TVM, TVTE vào 2015, tiến tới thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), cũng như các mục tiêu của Chiến lược DS và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Trong không khí chào đón Xuân năm mới 2016 đã về, tin tưởng và hy vọng những kết quả trong lĩnh vực SCSKSS sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình, chế độ thai sản, nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh, bình đẳng giới. Thực hiện tốt chiến lược dân số, gia đình, chương trình hành động vì trẻ em..., đầu tư nâng cao chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người, bảo đảm cân bằng tỉ lệ giới tính khi sinh và quyền trẻ em. Huy động các nguồn lực, tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống bệnh viện, trạm y tế, phòng khám bệnh”.../.