Một mô hình thí điểm siêu thị cung cấp thực phẩm an toàn thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại Hà Nội (Ảnh: Đ.H)
Thực phẩm an toàn có đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khoẻ con người, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm gây ra không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí cho chăm sóc sức khoẻ. An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Đảm bảo an toàn thực phẩm cũng góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo và hội nhập quốc tế.
Thực tiễn cho thấy, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ở nước ta đang được đẩy mạnh. Việc thử nghiệm, khảo nghiệm và ban hành danh mục thuốc thú y cấm sử dụng, được phép sử dụng và hạn chế sử dụng được thực hiện theo qui định pháp luật. Công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đã được thực hiện tốt; việc giết mổ gia súc tập trung bước đầu được tổ chức ở một số thành phố lớn. Việc xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn áp dụng thực hành vệ sinh tốt trong chăn nuôi được triển khai tích cực. Trong sản xuất rau, quả, nhiều địa phương đã và đang quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn như Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Long An,... Chương trình giám sát ô nhiễm sinh học và dư lượng các chất độc hại trong sản phẩm trồng trọt và kiểm soát chất lượng các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất thực phẩm nông sản (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) đang được triển khai.
Trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, việc kiểm soát chất lượng, ATTP trong tất cả các công đoạn sản xuất thủy sản đã được đẩy mạnh. Từ năm 1994, ngành thủy sản đã chuyển đổi phương thức kiểm soát sản phẩm cuối cùng sang kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất, hướng dẫn các doanh nghiệp chế biến thủy sản áp dụng Quy phạm thực hành sản xuất tốt (GMP), Quy phạm vệ sinh chuẩn (SSOP), kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên nguyên lý phân tích mối nguy ATTP và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP). Bên cạnh đó, đã hướng dẫn triển khai áp dụng các chương trình kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm trong tất cả các công đoạn của chuỗi sản xuất thủy sản theo từng đối tượng cụ thể từ tàu cá, cảng cá, chợ cá đầu mối, đại lý thu gom, cơ sở bảo quản nhằm kiểm soát toàn bộ chuỗi sản xuất, kinh doanh từ ao nuôi đến bàn ăn.
Cùng với việc bảo đảm ATTP từ khâu sản xuất, việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ, các siêu thị cũng được đẩy mạnh. Việc xây dựng các chợ đầu mối đã góp phần kiểm soát chất lượng ATTP của nguồn nguyên liệu thực phẩm, tuy việc thực hiện các quy định về ATTP tại các chợ ở nông thôn, chợ cóc, chợ tạm hiện vẫn còn bất cập. Tại hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, về cơ bản đã có sự đầu tư cho việc kiểm soát chất lượng ATTP đối với nguồn nguyên liệu cung cấp, nên nhìn chung thực phẩm tại siêu thị đáp ứng yêu cầu về ATTP.
Nhìn chung, công tác bảo đảm ATTP được đẩy mạnh, nhưng kết quả chưa được như mong đợi, số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng diễn biến phức tạp và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ cộng đồng. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở nước ta cơ bản vẫn là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên việc kiểm soát an toàn vệ sinh rất khó khăn. Mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua, song công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém, bất cập, hạn chế về nguồn lực và đầu tư kinh phí và chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2015, trên địa bàn cả nước xảy ra 140 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 4.273 người bị ngộ độc, trong đó có 20 trường hợp bị tử vong. Trong 9 tháng năm 2016, cũng đã có tới 100 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 3.025 người bị ngộ độc, trong đó có 9 trường hợp bị tử vong.
Số liệu trên cho thấy, tuy công tác bảo đảm ATTP vẫn còn những yếu kém, bất cập, gây không ít lo lắng cho người tiêu dùng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tuy ngày càng được hoàn thiện, nhưng chưa đồng bộ, còn xảy ra sự chồng chéo, mâu thuẫn, hoặc bỏ sót một số lĩnh vực... gây khó khăn cho việc áp dụng. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý còn thiếu và chưa cập nhật. Việc chuyển đổi và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia còn chậm. Tổ chức bộ máy cơ quan quản lý chuyên ngành chưa hoàn thiện. Lực lượng cán bộ quản lý, cán bộ thanh tra chuyên ngành rất mỏng lại phân tán, việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết. Tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm còn chưa cao. Chế tài xử phạt còn nhiều bất cập, chưa cụ thể và chưa có tính răn đe cao.
Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tuy đã có chuyển biến song việc triển khai còn thụ động, mới tập trung giải quyết được một số vấn đề bức xúc, chưa chủ động quản lý được nguy cơ ô nhiễm theo chuỗi cung cấp thực phẩm theo một chiến lược dài hạn. Phương thức quản lý thực phẩm còn nhiều bất cập. Chất lượng ATTP của một số sản phẩm thực phẩm chế biến thủ công, quy mô nhỏ tuy có được cải thiện nhưng vẫn là một khâu yếu.
Thực trạng về tồn dư hóa chất, ô nhiễm hóa chất bảo quản trong một số thực phẩm chưa được cải thiện nhiều. Tỷ lệ cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát còn ở mức rất thấp. Tỷ lệ số người sản xuất, kinh doanh dịch vụ, người tiêu dùng nhận thức đúng về ATTP tuy có tiến bộ nhưng ở mức trung bình; trách nhiệm của người sản xuất quy mô nhỏ lẻ đối với sức khỏe cộng đồng chưa cao; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và tỷ lệ hàng hóa được cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm ở mức rất thấp.
Để bảo đảm ATTP có tác động tích cực tới sức khỏe của người dân, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, công tác này cần được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân. Theo đó, cần xây dựng và kiện toàn cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý và thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm theo hướng sản xuất lớn, gắn với việc phát triển thị trường hàng hóa nông sản an toàn. Khuyến khích, hỗ trợ hoặc cho vay vốn để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn.
Tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi trong sản xuất thực phẩm an toàn. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền ATTP, chú trọng phát triển đội ngũ tuyên truyền viên thuộc các đối tượng là người của các tôn giáo khác nhau và người dân tộc thiểu số. Đào tạo kiến thức chuyên ngành, nội dung tuyên truyền ATTP cho người tham gia công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục ATTP. Các tài liệu, thông điệp truyền thông cần tập trung vào các nội dung mang tính hướng dẫn, định hướng thay đổi hành vi và các biện pháp thực hiện hành vi bảo đảm ATTP, phù hợp với từng đối tượng.
Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về ATTP. Củng cố, kiện toàn các cơ quan kiểm tra nhà nước về ATTP và chỉ định các cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện kiểm nghiệm về ATTP tham gia kiểm định, giám định chất lượng hàng hóa. Tiếp tục phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý ATTP, các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương chỉ tập trung xây dựng chính sách quản lý vĩ mô, thanh tra kiểm tra và giải quyết các vấn đề đối ngoại, giải quyết các rào cản của thị trường.
Đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP. Hoàn thiện các thể chế, các quy định để kiểm soát được ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm. Tăng cường thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp khác, bảo đảm sử dụng đúng chất lượng, chủng loại, liều lượng, thời gian cách ly của các loại vật tư nông nghiệp sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm.
Tổ chức thường xuyên giám sát, kiểm tra tồn dư hoá chất độc hại trong nông sản, thuỷ sản thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ giết mổ và vệ sinh thú y, vệ sinh thuỷ sản; kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, đặc biệt là các chợ đầu mối. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, có nguồn gốc nhập lậu và gian lận thương mại, hàng thực phẩm vi phạm pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phát triển các mô hình đầu tư liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ với các hãng sản xuất trang thiết bị xét nghiệm có uy tín trên thế giới. Tăng cường chia sẻ thông tin giữa các phòng kiểm nghiệm quốc gia, khu vực, các phòng kiểm nghiệm quốc tế nhằm phổ biến kinh nghiệm hoạt động xét nghiệm đảm bảo ATTP.
Tiếp tục triển khai và nhân rộng trong toàn quốc các mô hình quản lý ATTP tiên tiến, áp dụng các thực hành sản xuất tốt trong trồng trọt, chăn nuôi và xúc tiến các hoạt động cấp giấy chứng nhận. Hoàn thiện các quy trình thực hành sản xuất tốt, xây dựng các quy định về kiểm tra chứng nhận VietGAP, đánh giá, chỉ định, giám sát hoạt động của các tổ chức cấp chứng nhận.…