Đó cũng là nội dung tọa đàm “Những điểm mới trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức sáng nay. Tọa đàm có sự tham dự của ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế; GS. TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng Thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam; đại diện một số doanh nghiệp dược tại Việt Nam…
Tại tọa đàm, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, 7 năm qua, ngành dược nước ta đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. So sánh giữa năm 2016 và 2023 cho thấy, tổng trị giá sử dụng thuốc từ 3,4 tỷ USD tăng lên 7 tỷ USD; tiền thuốc bình quân đầu người trong năm từ 22 USD/người lên tăng lên 75 USD/người. Số nhà máy sản xuất dược phẩm tăng từ 168 lên 238 nhà máy, 44 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện Việt Nam đã sản xuất được 10/11 vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và 4 vaccine phục vụ tiêm dịch vụ, là một trong ít quốc gia đáp ứng chủ động, tự lực nguồn vaccine sản xuất trong nước….
|
Các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Ảnh: Duy Thông |
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy một số nội dung của Luật Dược 2016 không còn phù hợp với yêu cầu quản lý; gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, ảnh hưởng đến việc cung ứng thuốc như thiếu các chính sách phù hợp để thúc đẩy các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, chưa có chính sách ưu đãi khuyến khích, tạo thuận lợi đối với xuất khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, việc cấp giấy phép lưu hành thuốc, gia hạn giấy đăng ký lưu hành còn chậm…
Theo các đại biểu, việc đưa ra các cơ chế, chính sách hiệu quả để phát triển công nghiệp dược là cần thiết để bảo đảm đủ thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Đồng thời, muốn thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất thuốc, nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học thì phải có các cơ chế, chính sách đột phá để mang lại hiệu quả thực sự. Bên cạnh đó, chính sách phát triển ngành công nghiệp dược phải hài hòa giữa việc thu hút đầu tư nước ngoài và bảo đảm sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa, tạo vị thế, tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp dược trong nước, sản phẩm dược của Việt Nam trên thị trường…
Những thông tin tại tọa đàm hôm nay hết sức hữu ích với các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng như với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong quá trình hoạch định chính sách và thực thi các chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy ngành dược phát triển đột phá trong thời gian tới, để hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý./.