Cần chế độ đãi ngộ tương xứng với đặc thù công việc cho nhân lực y tế cơ sở

Thứ ba, 01/08/2023 09:24
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đại biểu Quốc hội Trần Đình Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế cụ thể để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng để tương xứng với công sức của họ khi thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu và đặc thù công việc.
 Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) 

Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội dành một ngày làm việc để thảo luận, cho ý kiến đối với Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết Giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Trên cơ sở báo cáo giám sát của Quốc hội và kết quả giám sát ở địa phương, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) nhận thấy hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng còn gặp rất nhiều khó khăn, yếu kém, cơ chế chính sách đối với lĩnh vực này còn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập cần phải được nghiêm túc xem xét và sớm có giải pháp khắc phục. 

Cụ thể, các chính sách đối với y tế, cơ sở y tế dự phòng hiện nay còn nhiều mặt chưa phù hợp; số lượng nhân lực y tế cơ sở còn thấp; việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc tại trạm y tế xã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các xã miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng chuyên sâu ở y tế cơ sở, y tế dự phòng thiếu, số lượng bác sĩ được đào tạo chính quy làm việc tại y tế cơ sở rất thấp, phần lớn đào tạo theo hình thức chuyên tu liên thông; tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc có chiều hướng gia tăng. 

Nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ sở vật chất, trang thiết bị trang bị cho y tế cơ sở thiếu và lạc hậu, y tế cấp xã hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn thu được phân bổ từ ngân sách nhà nước, nguồn thu dịch vụ hầu như không có nên rất khó khăn trong hoạt động; cơ hội, điều kiện để nhân viên y tế cơ sở trau dồi kinh nghiệm và học tập, nâng cao trình độ chuyên môn rất ít và rất khó khăn; chính sách đãi ngộ chưa đủ sức để khuyến khích cán bộ y tế về làm việc tại tuyến cơ sở. 

Theo đại biểu, trong quá trình giám sát, rất nhiều cán bộ, nhân viên trong ngành y tế trăn trở và có sự so sánh với yêu cầu của đặc thù công việc với chế độ chính sách họ đang được hưởng hiện nay.

Các đại biểu tại phiên thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết Giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Từ thực trạng trên, đại biểu thống nhất cao với nội dung kiến nghị của Đoàn giám sát và đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo rà soát trình Quốc hội ban hành các dự án luật để bổ sung hoàn thiện các quy định liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế cụ thể để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng để tương xứng với công sức của họ khi thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu và đặc thù công việc.

Theo đại biểu, cần tiếp tục áp dụng chính sách đào tạo cử tuyển cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Xem xét bổ sung đối tượng viên chức ngành y tế công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cử đi đào tạo trình độ đại học theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 101 ngày 1/9/2017 của Chính phủ.

Số lượng nhân lực y tế cơ sở còn thấp 

Đồng thời, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất và hỗ trợ thỏa đáng với các nguồn lực khác cho y tế cơ sở để y tế cơ sở đủ thức hoàn thành nhiệm vụ, nhất là đối với các đơn vị hoạt động phụ thuộc chủ yếu vào nguồn phân bổ ngân sách nhà nước, không có hoặc có rất ít các nguồn thu khác. Đồng thời, cân nhắc việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế đối với lĩnh vực y tế và lĩnh vực giáo dục.

Xem xét, đánh giá cụ thể về hiệu quả và tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp để sử dụng và phát huy vai trò, hiệu quả của lực lượng y tế thôn, bản trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. 

“Tôi thấy vai trò của lực lượng y tế thôn, bản đối với công tác chăm sóc sức khỏe người dân ở vùng cao, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất thiết thực, cần thiết phải được duy trì và phát huy” - đại biểu nhấn mạnh./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực