Cần có hướng tiếp cận toàn cầu về đối phó với các bệnh truyền nhiễm

Thứ sáu, 30/10/2020 17:28
(ĐCSVN) - Các đại dịch trong tương lai sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, lây lan nhanh hơn, gây thiệt hại nhiều hơn cho nền kinh tế thế giới và chết chóc hơn COVID-19, trừ khi có thay đổi sâu rộng trong hướng tiếp cận toàn cầu về đối phó với các bệnh truyền nhiễm.
"Corona" trong tiếng Latin có nghĩa là "hào quang" hoặc "vương miện." (Ảnh minh họa) 

Đây là lời cảnh báo của 22 chuyên gia hàng đầu trên toàn thế giới đưa ra trong một báo cáo về đa dạng sinh học và đại dịch công bố hôm 29/10.

Tổ chức Nền tảng Khoa học-Chính sách Liên Chính phủ về Đa dạng Sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) đã triệu tập một hội thảo trực tuyến khẩn cấp để thảo luận về các mối liên hệ giữa tình trạng suy thoái của thiên nhiên và nguy cơ đại dịch gia tăng. Tại đây, các chuyên gia đã đồng tình rằng con người có thể thoát khỏi kỷ nguyên đại dịch, nhưng điều này sẽ đòi hỏi một thay đổi mang tính bước ngoặt trong cách tiếp cận từ đối phó với dịch bệnh sang phòng ngừa.

COVID-19 là đại dịch toàn cầu thứ sáu kể từ Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, và dù nó có nguồn gốc từ vi khuẩn trong động vật, giống như tất cả các đại dịch khác, sự xuất hiện của dịch bệnh này hoàn toàn là do các hoạt động của con người thúc đẩy, theo bản báo cáo ước tính hiện có 1,7 triệu virus 'chưa được phát hiện' đang tồn tại ở động vật có vú và chim - trong số đó có thể có tới 850.000 loại có khả năng lây nhiễm cho người.

“Nguyên nhân của đại dịch COVID-19 – hay của bất kỳ đại dịch nào thời hiện đại – đều không phải là bí ẩn.” Tiến sĩ Peter Daszak, Chủ tịch Liên minh EcoHealth và chủ trì hội thảo IPBES phát biểu: “Chính các hoạt động gây ra biến đổi khí hậu và xoá sổ đa dạng sinh học của con người cũng dẫn đến nguy cơ đại dịch do tác động của chúng đến môi trường của chúng ta. Những biến đổi do cách chúng ta sử dụng đất; mở rộng và thâm canh nông nghiệp; và buôn bán, sản xuất và tiêu dùng không bền vững đã và đang phá vỡ thiên nhiên và gia tăng tiếp xúc giữa động vật hoang dã, vật nuôi, mầm bệnh và con người. Đây chính là con đường dẫn đến đại dịch.”

Nguy cơ đại dịch có thể được giảm thiểu đáng kể thông qua việc giảm các hoạt động gây mất đa dạng sinh học của con người, bằng cách bảo vệ tốt hơn các khu bảo tồn và thông qua các biện pháp giảm khai thác không bền vững các vùng có đa dạng sinh học cao. Từ đây chúng ta có thể giảm tiếp xúc giữa động vật hoang dã-vật nuôi-con người và giúp ngăn chặn khả năng lây lan của các bệnh mới, báo cáo nêu. 

“Chúng ta có bằng chứng khoa học mạnh mẽ để đi đến một kết luận rất chắc chắn,” Tiến sĩ Daszak cho biết. “Con người ngày càng có khả năng ngăn chặn các đại dịch - nhưng cách ứng phó của chúng ta hiện nay phần lớn bỏ qua năng lực này. Hướng tiếp cận lúc này trên thực tế là hết sức trì trệ - chúng ta vẫn dựa vào nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh chỉ sau khi chúng xuất hiện, thông qua vắc xin và liệu pháp điều trị. Con người có thể thoát khỏi kỷ nguyên của các đại dịch, nhưng điều này đòi hỏi chúng ta tập trung nhiều hơn vào công tác phòng ngừa bên cạnh các biện pháp đối phó.”

“Các hoạt động của con người có thể gây biến đổi căn cơ môi trường tự nhiên, nhưng thực tế này không phải lúc nào cũng dẫn đến một hệ quả tiêu cực. Đây là bằng chứng thuyết phục về sức mạnh của chúng ta trong việc dẫn dắt bước thay đổi cần thiết để giảm nguy cơ đại dịch trong tương lai - đồng thời mang lại lợi ích cho công tác bảo tồn và giảm thiểu biến đổi khí hậu.”

Báo cáo chỉ ra rằng việc dựa vào những biện pháp chống dịch sau khi chúng xuất hiện, chẳng hạn như các biện pháp y tế công cộng và các giải pháp công nghệ, đặc biệt là thiết kế và phân phối nhanh chóng các loại vắc xin và phương pháp điều trị mới, là một “con đường chậm chạp và không chắc chắn”, điều này đặc biệt quan trọng khi nói đến những đau thương con người gánh chịu trên diện rộng và hàng chục tỷ đô la thiệt hại hàng năm cho nền kinh tế toàn cầu khi đối phó với đại dịch.

Khi nhắc đến tổn thất do COVID-19 gây ra tính đến tháng 7 năm 2020 ước tính khoảng 8-16 nghìn tỷ đô la trên toàn cầu. Riêng ở Hoa Kỳ dự đoán thiệt hại có thể lên tới 16 nghìn tỷ đô la khi bước sang quý 4 năm 2021. Các chuyên gia dự tính chi phí cho công tác giảm thiểu rủi ro để ngăn chặn đại dịch thấp hơn 100 lần so với chi phí ứng phó cho những đại dịch như thế này, “đây có thể là động lực kinh tế mạnh mẽ thúc đẩy cho chuyển đổi sâu rộng”.

Báo cáo cũng đưa ra một số đề xuất chính sách có thể giúp giảm thiểu và giải quyết nguy cơ đại dịch. Trong đó có:

Thành lập hội đồng liên chính phủ cấp cao về phòng chống đại dịch để cung cấp cho những người ra quyết định các bằng chứng và khoa học tốt nhất về các bệnh mới xuất hiện; dự đoán các khu vực rủi ro cao; đánh giá tác động kinh tế của các đại dịch tiềm ẩn và rà soát và phát hiện các lỗ hổng nghiên cứu. Một hội đồng như vậy cũng có thể điều phối công tác thiết kế một khuôn khổ giám sát toàn cầu.

Các quốc gia đặt ra các mục tiêu hoặc chỉ tiêu được đồng thuận chung trong khuôn khổ hiệp định hoặc thỏa thuận quốc tế - với những lợi ích rõ ràng cho con người, động vật và môi trường.

Thể chế hóa hướng giải pháp “One Health” (“Một sức khỏe”) giữa chính phủ các nước để xây dựng năng lực sẵn sàng ứng phó đại dịch, tăng cường các chương trình phòng chống đại dịch và điều tra và kiểm soát các đợt bùng phát dịch trong tất cả các lĩnh vực.

Xây dựng các đánh giá tác động về rủi ro sức khoẻ của đại dịch và căn bệnh mới và đưa chúng vào trong quy trình thực hiện những dự án phát triển và sử dụng đất đai lớn, đồng thời cải cách cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc sử dụng đất sao cho những lợi ích và rủi ro đối với đa dạng sinh học và sức khỏe được xem xét và chú trọng.

Đảm bảo rằng phí tổn kinh tế của đại dịch được tính vào trong nền tiêu dùng, sản xuất, các chính sách và ngân sách của chính phủ.

Tạo điều kiện thay đổi để giảm thiểu các loại hình tiêu dùng, nông nghiệp toàn cầu hóa mở rộng và thương mại đã dẫn đến đại dịch – công tác này có thể bao gồm các khoản thuế phí đánh vào tiêu thụ thịt, chăn nuôi và các hoạt động có nguy cơ đại dịch cao khác.

Giảm rủi ro bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người trong buôn bán động vật hoang dã quốc tế thông qua quan hệ đối tác liên chính phủ mới về "sức khỏe và thương mại"; giảm hoặc loại bỏ các loài có nguy cơ dịch bệnh cao trong buôn bán động vật hoang dã; tăng cường thực thi pháp luật trong tất cả các khía cạnh của buôn bán trái phép động vật hoang dã và nâng cao giáo dục cộng đồng tại các điểm nóng về dịch bệnh về nguy cơ sức khỏe của buôn bán động vật hoang dã.

Tiếp nhận sự đóng góp và kiến thức của nhóm người bản địa và cộng đồng địa phương trong các chương trình phòng chống đại dịch, cố gắng đảm bảo an ninh lương thực tốt hơn và giảm tiêu thụ động vật hoang dã.

Lấp đầy những lỗ hổng kiến thức quan trọng như về các hành vi nguy cơ chính, vai trò liên quan của hoạt động buôn bán động vật hoang dã cả bất hợp pháp, thiếu kiểm soát lẫn hợp pháp và có kiểm soát đối với nguy cơ dịch bệnh, và nâng cao hiểu biết về mối quan hệ giữa suy thoái hệ sinh thái và nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Phát biểu về bản báo cáo của hội thảo, Tiến sĩ Anne Larigauderie, Thư ký điều hành IPBES cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã nêu bật tầm quan trọng của khoa học và kỹ năng chuyên môn trong cung cấp thông tin cho chính sách và ra quyết định. Mặc dù đây không phải là một trong những báo cáo đánh giá liên chính phủ IPBES điển hình, nhưng nó là một ấn phẩm đặc biệt được chuyên gia bình duyệt, đại diện cho quan điểm của một nhóm các nhà khoa học hàng đầu thế giới, với bằng chứng cập nhật nhất và được soạn thảo trong điều kiện thời gian hạn chế đáng kể. Chúng tôi chúc mừng Tiến sĩ Daszak và các tác giả khác của báo cáo hội thảo và cảm ơn họ vì đóng góp quan trọng này cho kiến thức của chúng ta về sự xuất hiện của đại dịch và các phương án kiểm soát và ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai. Báo cáo này không chỉ cung cấp cho các người nhà hoạch định chính sách những hiểu biết mới về việc giảm thiểu rủi ro đại dịch và các lựa chọn để phòng ngừa, mà còn bổ trợ cho một số đánh giá IPBES đang thực hiện.

Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực