Rác thải được tập trung tại một KCN ven đô. (Ảnh minh họa: Bích Liên)
Hoạt động công nghiệp nội đô – thủ phạm chính gây ô nhiễm
Theo Báo cáo Môi trường quốc gia được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố cuối năm 2017, hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế ở Việt Nam, chiếm đến 90% số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh, 25% tổng đầu tư xã hội, thu hút 77% lực lượng lao động phi nông nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này phần lớn phân bố xen lẫn trong khu dân cư, tập trung trong các khu vực đô thị, gia công sản xuất cho các doanh nghiệp lớn với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên liệu và có tỷ lệ phát thải cao. Ngoài ra, do hoạt động nhỏ lẻ, manh mún nên nhiều cơ sở cũng không thể đủ vốn để di dời vào các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) như đề xuất. Đây chính là những đối tượng khó kiểm soát về mặt môi trường.
Cho đến nay, chưa có nhiều nghiên cứu tổng hợp đánh giá về ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp đứng độc lập ngoài KCN, cụm công nghiệp (CCN). Tuy nhiên, theo các báo cáo, đánh giá đều cho thấy, lượng phát thải (nước thải, khí thải) từ các cơ sở này chiếm tỷ lệ khá lớn và gây nhiều sức ép lên môi trường. Tùy theo loại hình sản xuất mà lượng phát thải và tính chất nguồn ô nhiễm là khác nhau.
Bên cạnh đó, hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm không khí còn từ các khu, cụm công nghiệp cũ nằm gần và trong các đô thị, các khu công nghiệp như: Thượng Đình, Minh Khai - Mai Động (Hà Nội), Thủ Đức, Tân Bình (Tp. Hồ Chí Minh), Biên Hoà I (Đồng Nai), KCN Việt Trì, Khu Gang thép Thái Nguyên,... và ô nhiễm không khí cục bộ ở xung quanh các xí nghiệp, nhà máy xi măng (đặc biệt là xi măng lò đứng), các lò nung gạch ngói, xí nghiệp sản xuất đồ gốm, các nhà máy nhiệt điện đốt than và đốt dầu FO, các nhà máy đúc đồng, luyện thép, các nhà máy sản xuất phân hoá học,...
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Môi trường, năm 2017 đơn vị này đã tập trung chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra, xử lý được hơn 20 vụ việc, điểm nóng về môi trường. Trong đó, có những vụ việc nghiêm trọng như nhiều cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp Tân Hồng, Hải Dương ồ ạt xả thải khiến sông Bắc Hưng Hải ô nhiễm nghiêm trọng khiến cá chết hàng loạt; một số tàu hút bùn đất từ cảng biển Nghi Sơn và đổ thải tại vùng biển giáp ranh giữa hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa gây ô nhiễm môi trường biển…
Kiểm soát các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm
Lý giải về những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài, trong khi công tác huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường chưa được triển khai thực hiện hiệu quả. Mặt khác vấn đề này chưa được quan niệm như một tài nguyên, cần phải giảm phát thải và tái sử dụng; công nghiệp xử lý rác thải chưa phát triển.
Bộ trưởng cũng cho biết, chất lượng môi trường sống đang phải chịu những áp lực không nhỏ do tác động tích lũy từ nhiều năm qua, không thể giải quyết một cách triệt để trong một sớm một chiều mà đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Bởi vậy, cần đề xuất những cơ chế đột phá trong sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) nhằm huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường. Cần thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp môi trường để chất thải thành tài nguyên được tái chế, tái sử dụng một cách hợp lý ở các vùng miền khác nhau của cả nước, phục vụ phát triển KT-XH. Cùng với hoàn thiện thể chế, cần tập trung quản lý cải thiện chất lượng môi trường, xử lý ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, nông thôn, khu, cụm công nghiệp, đô thị…
Đồng quan điểm trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho biết, để giải quyết các vấn đề môi trường tích lũy, đột xuất, Bộ cần tăng nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết, kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện các bất cập, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cảnh báo nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường.
Tổng cục Môi trường tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm soát ô nhiễm, tập trung vào các khu công nghiệp đang hoạt động nhưng chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá công tác bảo vệ môi trường trong các khu, cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước.
Tổng cục Môi trường cũng cho biết, trọng tâm năm 2018 là hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường gồm: Luyện gang, thép; nhiệt điện; khai thác, chế biến khoáng sản kim loại có sử dụng hóa chất độc hại; sản xuất giấy, bột giấy; nhuộm (vải, sợi); mạ; chế biến mủ cao su; chế biến tinh bột sắn; sản xuất xi măng; sản xuất hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học (trừ loại hình phối trộn); lọc hóa dầu; thuộc da; chế biến thủy sản; chế biến mía đường; sản xuất pin, ắc quy; xử lý chất thải. Các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hoặc có công nghệ lạc hậu, lượng phát sinh chất thải lớn, vị trí đặt dự án nhạy cảm về môi trường. Cách thức kiểm soát là thông qua sự phối hợp của cơ quan quản lý môi trường và chủ dự án trong việc rà soát, đánh giá, xác định nguy cơ gây ô nhiễm và các yêu cầu cần thực hiện. Đây sẽ là giải pháp tích cực nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường tại khu vực nội đô./.