Cần mạnh tay xử lý việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật

Thứ tư, 29/05/2024 12:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Theo các chuyên gia, cần siết chặt hơn nữa trong công tác quản lý, xử lý các nhãn hàng, các nhà sản xuất vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN); cần mạnh tay hơn để tránh việc một số doanh nghiệp thiếu đạo đức làm ảnh hưởng tới cả thị trường TPCN.

Sáng 29/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức Toạ đàm: “Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng”.

 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: BL

80% quảng cáo về phòng, hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc

Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là “trá hình” TPCN.

PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, thực trạng nhức nhối trong ngành thực phẩm chức năng hiện nay là những quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân ung thư.

Hiện tượng sai phạm trong quảng cáo TPCN không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của ngành TPCN, làm lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng TPCN, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam ban hành Quy chế đạo đức trong quảng cáo TPCN.

Quy chế gồm 5 chương, 16 điều chỉ ra cụ thể những hành vi được coi là vi phạm trong quảng cáo TPCN, nêu rõ những chuẩn mực đạo đức trong quảng cáo và biện pháp hạn chế vi phạm đạo đức quảng cáo…

PGS.TS Trần Đáng nhận định: “Quy chế đạo đức trong quảng cáo TPCN không chỉ là “kim chỉ nam”, là định hướng cho các hội viên của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam thực hiện quảng cáo có đạo đức – vì lợi ích của người tiêu dùng, vì mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trước hết và trên hết, đồng thời “gợi mở” để xã hội, cơ quan quản lý, doanh nghiệp TPCN, nhà phát hành quảng cáo và người tiêu dùng nhận biết những quảng cáo TPCN chưa đáp ứng chuẩn mực đạo đức để từ đó đấu tranh với những hành vi vi phạm và có biện pháp hạn chế kịp thời”.

PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: BL 

Để người dân, doanh nghiệp “hiểu đúng - làm đúng - dùng đúng TPCN”

Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam ban hành Quy chế đạo đức trong quảng cáo TPCN nhằm sát cánh cùng các cơ quan quản lý nhà nước lập lại trật tự kỷ cương trong thị trường TPCN, đưa ngành TPCN phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đây là bước triển khai tiếp theo với phương châm “3 Đúng” mà Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã đề ra và kiên trì thực hiện phổ biến - giáo dục - truyền thông ngay từ khi thành lập với mục đích để người dân và doanh nghiệp “hiểu đúng - làm đúng - dùng đúng TPCN”.

Theo PGS TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng đang gây nhức nhối trong xã hội. Người bệnh sử dụng TPCN theo quảng cáo sai sự thật sẽ làm mất thời gian vàng chữa trị cho chính họ; chưa kể khi các đối tượng quảng cáo cho thêm chất cấm vào thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc tăng cường sinh lý nam giới, xương khớp… Bên cạnh đó, TPCN nếu được cơ quan quản lý duyệt thì cũng không hề có nội dung công bố chữa khỏi bệnh, nếu có là do doanh nghiệp gian dối…Bởi vậy, cần có cơ chế quản lý và quy định pháp luật về lĩnh vực này.

Mạnh tay xử lý việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhận định: Lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng đã thử nghiệm nhiều mô hình truyền thông như: Hãy là người tiêu dùng thông thái. Tuy nhiên, hiện nay để phát hiện và nhận ra thực phẩm an toàn rất khó, rất phức tạp.

Theo Thứ trưởng, nguyên nhân việc bùng nổ quảng cáo sai sự thật trên mạng phần lớn xuất phát từ thói quen thích xem nội dung miễn phí của người dân. “Nếu như không xem nội dung miễn phí thì sẽ là những trang quảng cáo... Điều này làm cho người xem bị bão hòa, khó kiểm chứng thông tin”, Thứ trưởng cho hay..

 Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: BL

Theo Thứ trưởng, để xử lý vấn đề này cần yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới nỗ lực xử lý nội dung vi phạm bằng cách đề nghị các doanh nghiệp làm ăn chân chính đang quảng cáo rút kinh phí, không quảng cáo trên trang mạng đó nữa. Đây chính là giải pháp chặn dòng tiền quảng cáo hợp pháp vào mạng xã hội để xử lý nội dung quảng cáo sai sự thật. “Ngoài ra, chúng ta có thể đưa các trang quảng cáo sai sự thật vào danh sách đen, công bố mạng lưới quảng cáo có nhiều sai phạm để cộng đồng biết và tránh những trang mạng làm ăn không uy tín”, Thứ trưởng cho hay.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần truyền thông mạnh hơn nữa để người dân hiểu rằng, thực phẩm chức năng không thể thay được thuốc, dù đây vẫn là câu bắt buộc phải có trong mọi quảng cáo về thực phẩm chức năng. Đồng thời, cần siết chặt hơn nữa trong công tác quản lý, xử lý các nhãn hàng, các nhà sản xuất vi phạm về quảng cáo, về thành phần hay chất lượng sản phẩm; cần mạnh tay hơn nữa, tránh việc một số doanh nghiệp thiếu đạo đức làm ảnh hưởng tới cả thị trường thực phẩm chức năng.

Tại tọa đàm, đại diện Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã công bố bản Quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng ban hành theo Quyết định 17/QĐ-VAFF ngày 10/5/2024 của Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng và cùng các Hội viên trao đổi, thảo luận đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng quảng cáo thực phẩm chức năng trong tình hình hiện nay./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực