Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Trước khi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Theo báo cáo, Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Về phạm vi điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 1 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung đầy đủ nội dung theo tên các chương, mục của dự thảo Luật và bỏ khoản 2 Điều 1 quy định về nội dung Luật không điều chỉnh.
Về bố cục của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được bố cục lại bảo đảm rõ ràng, hợp lý hơn bằng việc điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung, chỉnh lý tên một số chương, tách thêm mục so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.
Làm rõ khái niệm “cấp chuyên môn kỹ thuật”
Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) bày tỏ đồng tình cao với các nội dung sửa đổi của dự thảo luật, cho rằng các nội dung giải trình tại Kỳ họp lần này đã thể hiện rõ tình thần nghiêm túc, cầu thị, tiếp thu các ý kiến góp ý.
Đề cập đến nội dung liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 103 của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà cho rằng đây là khái niệm chưa từng có trong các văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực y tế trước đây và cũng là lần đầu tiên được ghi nhận trong dự thảo Luật này. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung định nghĩa về “cấp chuyên môn kỹ thuật” trong điều khoản giải thích từ ngữ của dự thảo Luật này.
|
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) phát biểu tại Hội trường sáng 24/10. Ảnh: VPQH |
Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang được Bộ Y tế phân tuyến chuyên môn kỹ thuật thành bốn tuyến, mặc dù đã quy định lộ trình thực hiện nội dung này. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình bốn tuyến thành ba cấp với điều kiện thực tiễn của hệ thống y tế Việt Nam hiện nay là một thách thức. Đại biểu cho rằng, đối với việc tổ chức thực hiện, dự thảo Luật cần phải quy định hướng dẫn nguyên tắc cụ thể.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng còn thiếu quy định về nguyên tắc để vận hành hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo ba cấp chuyên môn kỹ thuật. Các quy định trong dự thảo chưa làm rõ sự kết nối giữa các cấp khám bệnh, chữa bệnh và đảm bảo điều tiết toàn hệ thống. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần cân nhắc bổ sung nguyên tắc quy hoạch hệ thống y tế theo ba cấp chuyên môn phù hợp với việc quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo địa bàn, theo vùng miền, từ đó phân bổ các cơ sở y tế hợp lý để người dân được tiếp cận các dịch vụ từ sớm, từ xa.
Cần bổ sung quy định tự chủ ở bệnh viện công trong Dự thảo Luật
Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn; nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc, việc các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập. Phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị.
Nhiều bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. Nhưng vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc là phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, chỉ vì một điều kiện là họ thiết bị hiện đại hơn.
Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.
Đại biểu Hoàng Văn Cường hy vọng rằng những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám, chữa bệnh lần này. Tuy nhiên những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo luật này.
Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật khám, chữa bệnh sửa đổi lần này một số nội dung:
Trước hết, quy định về tự chủ của bệnh viện công tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu. Theo đó, cần quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định trong hoạt động khám chữa bệnh, tự quyết định trong việc tổ chức bộ máy và con người, tự chủ và quyết định những vấn đề tài chính của bệnh viện kể cả nguồn tài chính do ngân sách đầu tư.
Cùng đó, cần quy định rõ những điều kiện để bệnh viện được thực hiện cơ chế tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau để xác định quyền năng đi đôi với mức độ tự chủ mà bệnh viện đã làm được.
Thêm nữa, cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt đối với so với cơ chế chưa tự chủ trên nguyên tắc giá dịch vụ y tế khám chữa bệnh phải đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí. Cơ chế tính đúng tính đủ đối với các cơ sở khám chữa bệnh chưa tự chủ cần phải dựa vào yếu tố kỹ thuật và nằm trong khung giá dịch vụ y tế do Bộ Y tế ban hành. Nhưng với bệnh viện tự chủ phải được tự quyết định giá dịch vụ y tế trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do đơn vị tự xây dựng và công khai tất cả các mặt hàng để người lao động trong bệnh viện cùng tham gia giám sát.
Định mức kinh tế kỹ thuật khám chữa bệnh của từng bệnh viện phải đảm bảo mọi bệnh nhân đều được tiếp cận bình đẳng như nhau trong việc tiếp cận phác đồ điều trị cũng như đội ngũ y bác sĩ. Mức giá dịch vụ khám chữa bệnh chỉ khác nhau dành cho đối tượng có sự lựa chọn khác nhau về điều kiện phục vụ đi kèm cũng như khác nhau về việc lựa chọn các thuốc, thiết bị y tế có nguồn gốc xuất xứ khác nhau.
Cần định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với việc tự chủ để tự quyết định sử dụng nguồn thu, tự quyết định mức chi trả tiền lương, cũng như tự quyết định đầu tư, mua sắm và trích các quỹ đầu tư phát triển cũng như các quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo.
“Để tránh quan niệm không đúng về tự chủ là khoán trắng cho bệnh viện tự lo, cần quy định rõ trong Luật về nguồn ngân sách Nhà nước không cấp chi thường xuyên cho các bệnh viện tự chủ, phải dành để chi trả khám chữa bệnh cho các bệnh nhân thuộc đối tượng mà xã hội cần phải chi trả thông qua cơ chế đặt hàng, và ngân sách Nhà nước phải đầu tư cho các mục tiêu phát triển”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
|
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội) phát biểu tại Hội trường sáng 24/10. Ảnh: VPQH |
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cũng cho rằng, cơ chế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Đây là vấn đề pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Theo đại biểu Thu, hiện nay các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ, trong khi đó, Dự thảo Luật sửa đổi lần này lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập. Trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về dinh dưỡng trong điều trị.
Đề nghị nghiên cứu bổ sung quyền lựa chọn bác sỹ của người bệnh
Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) băn khoăn về khái niệm “người bệnh” tại khoản 3, Điều 2. Thực tiễn cho thấy Luật khám bệnh, khám bệnh 2009 hiện hành và dự thảo Luật hiện nay đều không điều chỉnh các dịch vụ y tế như chăm sóc sức khỏe sinh sản, phẫu thuật thẩm mỹ, y tế dự phòng. Đây là các dịch vụ y tế không phải là khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, làm cơ sở cho việc quy định trách nhiệm và quyền lợi các bên liên quan cũng như bao quát được hết các hoạt động cung ứng dịch vụ y tế. Đồng thời khái niệm “người bệnh” cần được thay thế bằng khái niệm “người sử dụng dịch vụ y tế” để bao hàm được đầy đủ những người sử dụng dịch vụ.
Về quyền của người bệnh được quy định tại Điều 9 đến Điều 15 của dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quyền lựa chọn bác sỹ của người bệnh. Bệnh nhân có quyền lựa chọn bác sỹ hoặc các nhân viên y tế thích hợp với nhu cầu điều trị bệnh của mình. Bệnh nhân có quyền tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc nhà cung cấp dịch vụ y tế khác khi thấy cần. Thực tế các dịch vụ phẫu thuật hiện nay đã sử dụng quyền này của người bệnh. Đồng thời cần bổ sung quyền than phiền, khiếu nại chứ không chỉ quyền kiến nghị của người bệnh như quy định tại Khoản 1, Khoản 2.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, việc giữ bí mật thông tin cho bệnh nhân rất khó thực hiện ở một số tình huống tại bệnh viện. Bởi vì nhiều bác sĩ chọn giải pháp là giải thích cho người nhà. Trong khi đó, người nhà lại là không tôn trọng quyền giữ bí mật thông tin cho bệnh nhân. Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, các quy định pháp luật cần cụ hơn để áp dụng cho nhiều trường hợp giúp bệnh viện có cách ứng xử phù hợp. Bệnh nào thì cho bệnh nhân biết, bệnh nào thì chỉ cho người nhà biết.
Có chính sách đãi ngộ đặc biệt cho cán bộ ngành y
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) khẳng định dự án luật ra đời đã đáp ứng và giải quyết được những yêu cầu phong phú, đa dạng của thực tiễn liên quan công tác khám bệnh, chữa bệnh của nước ta, nhằm hướng đến một nền y tế phục vụ chuyên sâu, chuyên nghiệp, hệ thống và hiện đại.
Về các nội dung chính sách của nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu cho rằng, khoản 2, Điều 4 dự thảo luật quy định có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề là chưa cụ thể, khó áp dụng trong thực tế. Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đặt câu hỏi: Yếu tố đặc biệt được định tính ở mức độ nào để đủ sức trở thành một trong những động lực cơ bản cho đội ngũ y tế, vì ngành y là ngành có thời gian đào tạo dài hơn, đặc thù hơn các ngành khác. Đào tạo càng dài, tiêu chuẩn càng cao thì bảng lương, hệ số lương phải khác so với ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn hơn.
Ngoài ra, với tính chất đặc thù nên sẽ có những nhiệm vụ đặc biệt phát sinh như trong đại dịch COVID -19 vừa qua cần có những chính sách đãi ngộ đặc biệt để có thể áp dụng ngay khi cần, như hưởng 100% phụ cấp đặc thù, nên có một bảng lương theo từng bậc, từng ngạch riêng cho ngành y tế theo vị trí việc làm…
Cân nhắc thời gian thông qua Dự án Luật
Góp ý dự thảo thảo Luật, đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) bày tỏ băn khoăn về thời gian thông qua Dự án Luật. Đại biểu đặt vấn đề, có nên thông qua Dự án Luật tại Kỳ họp này không, hay nên tiếp tục thảo luận tại một Kỳ họp nữa để bổ sung thêm các nội dung đối với một Dư án Luật lớn, quan trọng; nhiều chính sách lớn cần đánh giá tác động như Dự luật này.
Đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng các quy định về trách nhiệm của các tổ chức xã hội nghề nghiệp chưa rõ ràng, chưa hợp lý, còn bất cập. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp được huy động nguồn lực để trực tiếp hành nghề, trong khi chưa quy định rõ về việc đảm bảo điều kiện hành nghề, các quy định trong Dự án Luật về nội dung này còn mâu thuẫn. Đại biểu đề nghị cần rà soát, nghiên cứu kỹ để đảm bảo Dự án Luật đạt được hiệu quả khi được chính thức ban hành.
Về chi phí khám bệnh chữa bệnh, Dự án Luật vẫn chưa làm sáng tỏ, chưa đề ra được nguyên tắc tính đúng tính đủ. Sau khi tính đúng tính đủ thì phải thực hiện chi đúng chi đủ. Nếu không chi rõ ràng thì đội ngũ y tế vẫn không thể làm tốt được nhiệm vụ. Vì vậy, cần thiết kế các điều khoản chặt chẽ để quy định rõ vấn đề này.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần rà soát toàn bộ Dự án Luật vì có nhiều chính sách đến tận năm 2027, 2032 mới thực hiện, hay rất nhiều chính sách mới, lớn cần phải đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng. Do đó, theo đại biểu cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thảo luận tiếp về Dự án Luật này tại Kỳ họp tiếp theo để đảm bảo tính khả thi khi đưa vào áp dụng.
Bày tỏ ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cũng băn khoăn về thời gian thông qua Dự án Luật. Đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Quốc hội nội dung quy định về vấn đề tự chủ tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh trong Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà thực tiễn đặt ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét thông qua Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi tại kỳ họp thứ năm./.