Gánh nặng vì bệnh lao
Ở tuổi thất thập lẽ ra vợ chồng bà N.T.H ở xã Thanh Bình, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, được an dưỡng tuổi già thế nhưng thật không may cô con gái út lại bị mắc bệnh bại não từ nhỏ. Thương con, bao năm làm lụng vất vả có bao nhiêu tiền vợ chồng bà đều gom góp đưa con đi chữa bệnh. Trời không phụ lòng ông bà, sau thời gian dài chữa trị con gái ông bà cũng đã tự biết làm những việc cá nhân, đã có thể nói chuyện với bố mẹ dù ngôn từ không được tròn vành. Những tưởng cuộc sống cứ thế êm ả trôi đi thì ông bà nhận tin con gái mắc bệnh lao.
Khi nhận kết quả của T bị lao kháng thuốc gia đình bà H cũng muốn buông xuôi vì nỗi lo kinh tế cộng với nỗi lo tâm lý đè nặng. “Trong suy nghĩ của tôi, lao là căn bệnh quá đỗi xa lạ, trong gia đình, ngoài xóm không ai mắc làm sao con tôi lại bị. Nhận kết quả tôi hoảng loạn lắm, không chỉ lao đơn thuần mà còn là lao kháng thuốc nhưng khi được bác sĩ tận tình tư vấn tôi mới an lòng và một lần nữa quyết tâm cùng con vượt qua ải khó khăn” – ông B chồng bà H giãi bày.
Để có tiền chữa chạy cho con, vợ chồng ông lại gom góp và đi vay nóng hàng xóm. Điều trị tại bệnh viện, sức khỏe con yếu nên được 2 tuần vợ chồng ông B đành phải xin cho con về điều trị tại nhà, hàng ngày ông bà chở con lên viện tiêm và lấy thuốc. “Là người khuyết tật nên con có thẻ BHYT miễn phí, quá trình chữa bệnh con được điều trị và cấp thuốc miễn phí từ Chương trình phòng chống Lao quốc gia. Nhưng tiền đi lại, ăn ở rồi thuốc bổ cũng tốn kém lắm. Mỗi bận đi là một lần phải vay mượn, khó khăn chồng chất nhưng vợ chồng tôi vẫn bảo nhau cùng cố gắng chạy chữa điều trị cho con”, bà H bày tỏ nỗi niềm.
|
Khám sàng lọc bệnh lao cho người dân ở tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: ĐT |
Theo thống kê, hiện Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới với hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo WHO 2020). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
Thống kê cũng cho thấy, hiện nay có khoảng 70% bệnh nhân lao thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Dù thuốc chống lao được cấp miễn phí song với thời gian điều trị kéo dài cùng với nhiều bệnh lý kèm theo nên chi phí điều trị cho một bệnh nhân có thể lên tới vài trăm triệu đồng.
Tăng cường truyền thông lan tỏa Quỹ hỗ trợ bệnh nhân lao
Thực tế trước đó, nhận thấy khó khăn, gánh nặng mà bệnh nhân lao phải chịu “Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB” được Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký, ban hành Quyết định số 380/QĐ-BNV thành lập vào ngày 16/3/2018. Đây là một quỹ xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ chăm sóc, dự phòng, điều trị cho người bệnh lao, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, có phạm vi hoạt động trên toàn quốc. Tính đến hết tháng 12/2021, Quỹ đã hỗ trợ được gần 3.000 lượt người bệnh với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Năm 2021, Quỹ đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia (Cổng 1400) tổ chức vận động nhắn tin ủng hộ người bệnh lao qua đầu số 1402 trong sự kiện Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3/2021), chương trình đã huy động được 43.000 tin nhắn tương đương với 871 triệu đồng. Năm 2022, Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB phối hợp với Cổng 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB. Kết thúc chiến dịch nhắn tin ủng hộ Quỹ từ 22/03 đến 20/05/2022, chương trình đã tiếp nhận được 49.000 tin nhắn, tương đương hơn 980 triệu đồng ủng hộ.
Có thể thấy, việc ra đời quỹ PASTB rất có ý nghĩa song so với số bệnh nhân mắc bệnh Lao cần hỗ trợ vẫn còn khiêm tốn. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, bài toán chi phí đã khiến nhiều người nghèo mắc lao không đủ điều kiện tuân thủ theo phác đồ điều trị dẫn đến bỏ điều trị và nguy cơ kháng thuốc cao; nhiều trường hợp giấu bệnh, làm nguồn lây kéo dài. Không có ai được miễn trừ không mắc lao, người nghèo có nguy cơ mắc lao cao hơn 2,5 lần và nghèo là nguyên nhân khiến họ không đủ điều kiện để chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Phản ánh từ địa phương cho thấy, việc chuyển đổi cơ chế mua sắm, thanh toán thuốc chống lao từ ngân sách nhà nước sang BHYT đã bắt đầu được triển khai, tuy nhiên nhiều địa phương gặp khó khăn và vướng mắc cần được Chương trình Chống lao cùng Bộ Y tế, cơ quan BHXH Việt Nam hỗ trợ tháo gỡ.
Để người mắc lao được tiếp cận điều trị lao theo đúng phác đồ điều trị dài ngày, cần phải nghiên cứu làm sao có thêm ngân sách để hỗ trợ, cấp thuốc chống lao miễn phí đến từng người bệnh một cách dễ dàng nhất. Chỉ khi người bệnh không gặp rào cản nào trong tiếp cận và điều trị bệnh lao mới có thể đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao. Bên cạnh đó rất cần sự chung tay hỗ trợ về nguồn lực từ xã hội, theo đó cần đẩy mạnh truyền thông để mọi người biết nhiều hơn đến quỹ PASTB. Có như vậy, mới có thêm nguồn lực để hỗ trợ bệnh nhân lao tuân thủ điều trị tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Trong năm 2023 Chương trình Chống lao Quốc gia đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu của Chiến lược chấm dứt bệnh lao giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn 2030; Xây dựng và hoàn thiện Đề xuất viện trợ Quỹ Toàn cầu Phòng chống lao giai đoạn 2024-2026. Đặc biệt, chương trình cũng tập trung hỗ trợ các địa phương trong việc quản lý điều tiết sử dụng thuốc chống lao từ nguồn bảo hiểm y tế để đảm bảo có đủ thuốc sử dụng cho người bệnh, đáp ứng các điều kiện về thanh quyết toán với cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định; Tăng cường áp dụng chiến lược 2X (Xquang, Xpert) trong các tiếp cận phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh nhân lao, sử dụng hiệu quả xe X-quang di động kỹ thuât số và các máy X-quang di động được cấp cho các tỉnh trong phát hiện bệnh nhân lao. |