Cận thị học đường: Thực trạng đáng báo động

Thứ năm, 12/09/2019 10:25
(ĐCSVN)- Cận thị học đường đã và đang trở thành một vấn nạn đối với lứa tuổi học sinh. Tại khắp cả nước, tỷ lệ cận thị học đường đang ngày một tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập và vui chơi của trẻ em.

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2017, cả nước ta có gần 5 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học mắc tật khúc xạ, trong đó số trẻ bị cận thị chiếm tới hơn 40% và tập trung chủ yếu ở thành thị.

Cận thị là một loại tật khúc xạ phổ biến. Người bị cận thị khó khăn khi nhìn các vật ở xa. Cận thị học đường là tình trạng các em trong độ tuổi đi học mắc tật cận thị. Cận thị sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sức khỏe của các em học sinh. Cụ thể là nheo mắt khi nhìn vật từ xa có thể gây mỏi mắt và nhức đầu. Nếu cận thị nặng, võng mạc của mắt có thể mỏng đi, gây tổn thương đến “cửa sổ tâm hồn” của trẻ. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng ảnh hưởng đến quá trình học tập. Mắt trẻ sẽ nhìn kém, đọc chữ hay bị nhảy dòng, nhầm dấu, viết chậm, sai chữ,… dẫn đến kết quả học tập giảm sút, trẻ trở nên rụt rè và thiếu tự tin.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Phân loại cận thị: Thông thường, người ta chia cận thị ra 3 loại theo mức độ cận như sau: Cận thị ở mức độ nhẹ dưới -3,00 diop; Cận thị ở mức độ trung bình là từ từ -3,00 diop đến -6,00 diop; Cận thị từ -6,00 diop trở lên gọi là cận thị nặng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tật cật thị ở lứa tuổi học sinh đó là, việc học tập và sinh hoạt thiếu hợp lý, cường độ học tập ngày càng dày đặc cùng với môi trường ánh sáng không đảm bảo.

Một thực tế nữa là, ở nhiều trường học hiện nay, với sĩ số học sinh quá đông nên giáo viên không thể rèn tư thế ngồi cho từng em, nhiều trẻ hiện nay ngồi học sai tư thế, thậm chí nhiều trẻ còn bò ra bàn hoặc nằm lên giường để học. Rồi ở nhà, việc không kiểm soát khi con cái đọc sách, xem ti vi quá nhiều cũng khiến trẻ dễ bị mắc tật khúc xạ.

Với công nghệ ngày càng hiện đại, trẻ sớm sử dụng các thiết bị điện tử để phục vụ cho học tập, giải trí, làm cho mắt cũng phải điều tiết ở cự ly gần trong thời gian dài. Điều này dẫn đến nguy cơ suy giảm thị lực và cận thị cao, đặc biệt là lứa tuổi 7-9 tuổi và 12–14 tuổi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết ttbị điện tử trên 3 giờ mỗi ngày, mắt sẽ có nguy cơ bị suy giảm thị lực 90%. Trong khi đó, theo thống kê tại Việt Nam, trung bình mỗi người hiện sử dụng màn hình các thiết bị điện tử một ngày gần 10 giờ (dùng máy tính bảng 5 giờ 10 phút, điện thoại 2 giờ 40 phút, xem tivi 2 giờ). Việc xem các thiết bị điện tử vượt gấp nhiều lần chuẩn cho phép được cho là nguyên nhân khiến tỉ lệ bị bệnh về tật khúc xạ học đường tăng cao tại Việt Nam.

Ngoài ra do yếu tố di truyền, thông thường bố mẹ bị cận thị từ 6 diop trở lên thì mức độ di truyền là 100%.

Trẻ dưới 18 tuổi thì chưa đủ tuổi phẫu thuật tật khúc xạ, phương pháp điều trị cận thị học được tối ưu nhất là đeo kính cho người cận thị. Do đó, nên đưa trẻ đến các cơ sở bệnh viện mắt uy tín để các bác sĩ khám và chẩn đoán tật khúc xạ ở trẻ.

Vời những trẻ bị cận thị, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám mắt thường xuyên để kiểm tra tiến triển của tật cận thị nhằm thay kính kịp thời giúp trẻ nhìn rõ hơn. Việc không thay kính định kỳ sẽ khiến thị lực của trẻ bị giảm sút, đeo kính sai độ khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn, khiến độ cận tăng nhanh hơn.

Theo lời khuyên của các chuyên gia mắt, có nhiều biện pháp phòng tránh cận thị học đường như: cải thiện điều kiện học tập và sinh hoạt bằng cách đảm bảo góc học tập đủ ánh sáng và ngồi học đúng tư thế; thực hiện thời gian biểu học tập, nghỉ ngơi, vui chơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe, thư giãn thị giác.

Chế đô ăn uống giàu vitamin: bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, E, B,… như cà rốt, bí đỏ, cà chua, trứng, thịt, cá,… trong bữa ăn hằng ngày để nuôi dưỡng mắt. Nên hạn chế thức ăn chế biến sẵn, chiên xào nhiều dầu mỡ.

Khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng để xác định tật khúc xạ (cận thị) và các bệnh về mắt khác sớm và có phương pháp điều trị kịp thời…/.

Việt Linh (TH)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực