Trước tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh, việc điều trị trẻ mắc COVID-19 thể nhẹ tại nhà là phương án phù hợp, góp phần giảm tải áp lực cho các bệnh viện, cơ sở thu dung. Không những vậy, đây còn là “chìa khóa” tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em được gia đình chăm sóc, yêu thương và giúp ổn định về tâm lý.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít trường hợp trẻ mắc COVID-19 phải nhập viện do những tai nạn đáng tiếc xảy ra khi được điều trị tại nhà. Cụ thể, vào đầu tháng 3, một trường hợp bệnh nhân 6 tháng tuổi (ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng bỏng nặng. Theo thông tin từ các bác sĩ tại đơn vị Bỏng, Bệnh viện Nhi Trung ương (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, bệnh nhân cấp cứu trong trình trạng nhiễm trùng máu do bị bỏng khi người nhà xông mũi, họng để phòng COVID-19.
|
Gia tăng trẻ mắc COVID-19 khiến nhiều phụ huynh lo ngại. (Ảnh: TG). |
Chị Nguyễn Thị Tĩnh, ở đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội) không giấu được sự lo lắng khi con gái có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. May mắn thay, con gái chị chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ nên được cách ly điều trị, chăm sóc tại nhà.
“Vợ chồng tôi sợ rằng virus SARS-CoV-2 có thể để lại những di chứng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con gái mình. Trước “ma trận” thông tin về các sản phẩm thuốc điều trị COVID-19 cho trẻ đang tràn lan trên mạng xã hội, loại nào cũng được giới thiệu sẽ mang lại hiệu quả nhanh nhất, thật sự tôi băn khoăn không biết phải sử dụng thuốc nào cho đúng”, chị Nguyễn Thị Tĩnh chia sẻ.
Cùng nỗi trăn trở giống như chị Tĩnh, anh Nguyễn Văn Vũ, ở đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Những ngày qua, theo dõi thông tin thời sự, nhận thấy số trẻ nhiễm COVID-19 phải nhập viện, đã khiến cho tôi cũng như nhiều gia đình có con nhỏ cảm thấy rất lo ngại. Tôi đã tìm mua sẵn một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, kháng viêm, thực phẩm chức năng để chủ động xử lý, điều trị tại nhà nếu không may con mình có những triệu chứng của COVID-19…”.
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 528/QĐ-BYT về việc “Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19”. Theo đó, Bộ Y tế đặc biệt lưu ý các phụ huynh không tự sử dụng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm... cho trẻ mắc COVID-19 khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế.
Thời gian gần đây, nhiều người đã truyền tai nhau về tác dụng của việc dùng nước xông để điều trị cho người mắc COVID-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, đối với trẻ nhiễm COVID-19, việc xông chỉ nên áp dụng cho trẻ trên 5 tuổi. Cha mẹ không nên lạm dụng xông hơi và không được xông trực tiếp vào cơ thể trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 30 tháng tuổi. Bởi, cấu trúc niêm mạc mũi và đường hô hấp của trẻ rất mỏng, nếu xông trực tiếp sẽ làm khô niêm mạc mũi, giảm khả năng kháng virus tự nhiên của cơ thể khi mắc COVID-19. Ngoài ra, thời gian qua, thực trạng sử dụng viên xông họng cho trẻ cũng đang trở nên rất phổ biến. Và việc xông mũi họng nhiều lần trong ngày, khiến phổi hít quá nhiều hơi nước sẽ làm tăng nguy cơ thiếu ô xy, tổn hại đến phổi, hệ hô hấp của trẻ.
|
Cẩn trọng khi chăm sóc, điều trị trẻ mắc COVID-19 tại nhà. (Ảnh: AB). |
Tiếp cận dưới góc độ y tế, sức đề kháng là khả năng nội tại trong mỗi cá thể. Chế độ dinh dưỡng hợp lý thì sức đề kháng tốt và ngược lại. Hơn nữa, so với người trưởng thành, trẻ em là đối tượng có sức đề kháng yếu hơn nên việc theo dõi, chăm sóc trẻ mắc COVID-19 cần đặc biệt thận trọng. Theo đó, chỉ nên sử dụng thuốc điều trị COVID-19 cho trẻ khi có chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng những loại thuốc hay thực phẩm chức năng không có nguồn gốc xuất xứ, công dụng rõ ràng.
Theo bác sĩ Đào Trường Giang, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (quận Ba Đình, Hà Nội), bất cứ loại thuốc nào cũng có thể gây nên tác dụng phụ khi đưa vào trong cơ thể. “Corticoid là thuốc được chỉ định trong nhiều bệnh lý do có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch. Các loại thuốc kháng viêm có thành phần Corticoid sẽ cho hiệu quả nhanh, nhưng cũng gây ra các tác dụng phụ, nguy cơ dẫn tới những hệ quả lâu dài đến sức khỏe của trẻ như loãng xương, giảm sức đề kháng và các bệnh liên quan đến tim mạch”, bác sĩ Đào Trường Giang chia sẻ.
Thực tế cho thấy, việc người dân tự ý sử dụng thuốc điều trị cho trẻ mắc COVID-19 không có sự hướng dẫn của dược sĩ, bác sĩ sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cũng không cần quá lo lắng khi trẻ mắc COVID-19 có các biểu hiện ho, sốt, vì đó là những triệu chứng bình thường. Việc mỗi người cần làm là bình tĩnh xử lý theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, theo dõi các thông tin chính thống để chăm sóc trẻ đúng cách, khoa học. Bên cạnh đó, khi phát hiện các triệu chứng bất thường, cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở gần nhất để kịp thời thăm khám, cứu chữa.
Mục tiêu của việc điều trị trẻ mắc COVID-19 thể nhẹ tại nhà là để đảm bảo an toàn. Và an toàn trong cách sử dụng thuốc đang là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Đồng thời, phụ huynh cần nâng cao cảnh giác khi tiếp cận với các nguồn thông tin để tránh mua phải thuốc chữa COVID-19 giả, kém chất lượng; cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các phương pháp hỗ trợ điều trị COVID-19 trước khi áp dụng cho trẻ./.