Cẩn trọng với bệnh đái tháo đường ở người trẻ tuổi

Thứ ba, 21/02/2023 15:41
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Ngày càng có nhiều người trẻ tuổi, nhất là trẻ em mắc bệnh đái tháo đường. Trẻ hóa đái tháo đường đang là vấn đề đáng lo ngại cho gia đình và xã hội. Việc điều trị đối với nhóm này thường khó khăn hơn các nhóm bệnh nhân ở các lứa tuổi khác. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nên chủ động tầm soát để sớm phát hiện bệnh và có hướng điều trị phù hợp, hiệu quả.

Xu hướng trẻ hóa…

Thời gian qua, một số cơ sở y tế như Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương… đã tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân từ 7 - 18 tuổi nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường type 1 đều ở mức đường huyết rất cao. Theo Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Khoa Nội tiết (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), đái tháo đường type 1 (hay còn gọi là tiểu đường tuýp 1) là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng. Khi đó, glucose trong máu không thể đi vào tế bào và tích tụ dần trong máu dẫn đến tăng đường máu, trong khi các tế bào lại bị “đói năng lượng” do không thể tiếp nhận được glucose. Khi lượng đường trong máu tăng cao kéo dài sẽ gây hại cho cơ thể và gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.

Bệnh đái tháo đường type 1 thường được chẩn đoán ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh có thể khởi phát từ vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất là 10 - 14 tuổi. Tỷ lệ nam/nữ là tương đương nhau. Đái tháo đường type 1 chiếm khoảng 5 - 10% trong số người mắc bệnh đái tháo đường. Theo nhiều chuyên gia y học, trẻ hóa đái tháo đường đang là vấn đề đáng lo ngại cho gia đình và xã hội. Việc điều trị nhóm này thường khó khăn hơn vì các thuốc uống hạ đường huyết hiện ít được nghiên cứu ở trẻ em. Đa phần các thuốc được nghiên cứu ở người từ 18 tuổi, ở độ tuổi dưới 18 tuổi có rất ít bằng chứng. Vì vậy, việc dùng thuốc điều trị cho trẻ em, thiếu niên cần phải cẩn trọng.

                 Tuyên truyền trực quan về bệnh đái tháo đường ở trẻ nhỏ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.                         Ảnh: benhviennhitrunguong.gov.vn

Mặt khác, khi mắc đái tháo đường ở tuổi còn nhỏ, trẻ thường tuân thủ các quy tắc điều trị kém, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt không thể giống như người lớn. Việc điều trị bệnh cũng gặp nhiều khó khăn bởi trẻ em đang cần nhiều dinh dưỡng để phát triển, không thể bắt trẻ kiêng khem quá mức, tạo thói quen ý thức về bệnh cho trẻ là rất khó.

Các nghiên cứu y học gần đây cũng cho thấy, đái tháo đường ở người trẻ biến chứng sẽ tiến triển nặng hơn, thời gian dẫn đến biến chứng sớm hơn và tỷ lệ có biến chứng nhiều hơn so với đái tháo đường ở người lớn tuổi. Trong đó, hạ đường huyết là vấn đề ảnh hưởng rất lớn tới trẻ. Vì não trẻ em cần được cung cấp đường hằng định, nên khi hạ đường huyết sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến não, làm giảm sự phát triển của não. Do đó, để phòng tránh đái tháo đường cho con trẻ, bố mẹ cần kiểm soát chế độ ăn và cân nặng cho trẻ.

Chủ động tầm soát bệnh đái tháo đường

Thực tế, nhiều người đang nhầm lẫn rằng đái tháo đường type 1 là một bệnh lý di truyền. Song, đái tháo đường type 1 không được xếp vào nhóm bệnh rối loạn di truyền. Tuy nhiên, một người có khả năng mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 cao hơn nếu có người thân trực hệ chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này. Để phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả bệnh đái tháo đường ở người trẻ, cần nâng cao nhận thức của mọi người đối với loại bệnh nguy hiểm này.

Đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin. Bệnh đái tháo đường type 1 không thể ngăn ngừa được. Chúng ta thậm chí không thể biết ai sẽ mắc bệnh hay sẽ không mắc căn bệnh này. Bệnh đái tháo đường type 1 không phải là bệnh truyền nhiễm, vì vậy trẻ em và thanh thiếu niên không thể mắc bệnh từ người khác hoặc truyền bệnh cho bạn bè hoặc thành viên trong gia đình.

Không giống như bệnh đái tháo đường type 1, bệnh đái tháo đường type 2 đôi khi có thể được ngăn ngừa. Tăng cân quá mức, béo phì và lối sống ít vận động là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, nếu như trước đây, bệnh đái tháo đường type 2 thường chỉ xảy ra ở người lớn, thì hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em và thanh, thiếu niên được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2, do số lượng trẻ em thừa cân, béo phì ngày càng tăng nhanh.

 Điều trị đái tháo đường cho bệnh nhân nhi. (Ảnh minh họa)

Vấn đề quan trọng là cần chủ động tầm soát để sớm phát hiện bệnh. Cụ thể, cần lưu ý khi khi thấy trẻ có các triệu chứng như: Khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm mới ở trẻ chưa bị trước đây… Đặc biệt, khi xuất hiện kèm theo một số triệu chứng cảnh báo nguy hiểm của đái tháo đường type 1 như: Đau bụng, nôn, rối loạn ý thức, thở nhanh sâu, hơi thở có mùi trái cây chín (táo chín…) thì người phải sớm đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán xác định và điều trị một cách kịp thời. Hiện tại để điều trị đái tháo đường type 1, việc sử dụng Insulin vẫn là bắt buộc. Sử dụng Insulin sớm còn giúp bảo tồn chức năng tế bào beta còn sót lại. Kiểm soát đường huyết tốt góp phần giảm các nguy cơ về biến chứng trong lâu dài.

Bên cạnh đó, để giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2, các bác sĩ cũng khuyến cáo, cần đảm bảo trẻ ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Khuyến khích trẻ ăn thực phẩm ít béo, giàu chất dinh dưỡng như ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt, trái cây, rau, sản phẩm từ sữa và protein nạc (có thể giúp ngăn ngừa tăng cân quá mức, một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh đái tháo đường type 2). Cần hạn chế thức ăn và đồ uống có đường. Tiêu thụ nhiều thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường - như nước ngọt, nước trái cây có đường (có thể dẫn đến tăng cân quá mức).

Đồng thời, cần khuyến khích nhiều hoạt động thể chất ở trẻ. Duy trì hoạt động và hạn chế thời gian dành cho các hoạt động ít vận động như xem ti vi, chơi điện tử hoặc trò chơi trên máy tính (có thể giúp giảm nguy cơ tăng cân và giúp ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh đái tháo đường type 2).

Trước việc nhiều người dân nhầm tưởng rằng đái tháo đường có thể chữa khỏi và tin vào một số nội dung quảng cáo không chính xác từ các trang mạng xã hội, nhiều chuyên gia y học nhấn mạnh, đến thời điểm hiện tại chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh đái tháo đường type 1. Do vậy, khi có những triệu chứng như đã nêu ở trên, người dân nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa nội tiết để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp. Tránh việc tự ý điều trị hoặc điều trị theo kinh nghiệm dân gian rất dễ dẫn đến những biến chứng, làm bệnh nặng hơn, hoặc có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh./.

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực