Cẩn trọng với nguy cơ đột quỵ trong mùa đông

Thứ bảy, 18/11/2023 21:48
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Mùa đông, thời tiết chuyển lạnh thường làm gia tăng nguy cơ dẫn đến đột quỵ, tai biến, nhất là ở với người cao tuổi hay người có tiền sử tăng huyết áp, có bệnh nền,… Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mọi người cần lưu ý chăm sóc sức khỏe trong mùa đông, chủ động các biện pháp phòng bệnh.

Thống kê của nhiều cơ sở y tế cho thấy, số lượng bệnh nhân bị đột quỵ thường có xu hướng gia tăng vào mùa đông, khi thời tiết chuyển lạnh. Nguy cơ đột quỵ cũng xảy ra đối với người cao tuổi hay người có tiền sử tăng huyết áp, có bệnh nền,… Tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội), bác sĩ Đỗ Gia Quý, Trưởng khoa Đột quỵ - Phục hồi chức năng cho biết, khi thời tiết lạnh, số ca đột quỵ vào viện có xu hướng gia tăng, "trung bình số ca đột quỵ nhập viện tăng khoảng 20 - 30%".

Theo nhiều chuyên gia, đột quỵ có mối liên quan mật thiết với thời tiết. Khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch.

Thêm vào đó, hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt máu. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông. Từ đó, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dễ dẫn đến nhồi máu não.

 PGS.TS Mai Duy Tôn (thứ 3, từ trái sang), Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. (Ảnh: BVBM)

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, đột quỵ nguy hiểm không chỉ bởi nó là căn bệnh cấp tính, không thể lường trước mà còn do di chứng để lại là rất nặng nề. Bệnh nhân đột quỵ ở thể nặng có thể tử vong trong giờ đầu, ngày đầu. Qua thời gian nguy hiểm để lại di chứng nặng như liệt nửa người, phải có người hỗ trợ sinh hoạt, tổn hại về sức khỏe và tinh thần... Đáng nói là do thiếu hiểu biết, nên nhiều gia đình đã không đưa bệnh nhân đột quỵ đi cấp cứu mà để ở nhà và dùng các thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc sử dụng phương pháp truyền miệng không đúng, vài ngày sau mới đưa đi cấp cứu thì đã muộn.

Trong trường hợp người bệnh bị đột quỵ, việc đưa người bệnh đến bệnh viện sớm, giúp người bệnh được điều trị kịp thời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, hạn chế được những di chứng về sau. Do đó, ngay khi thấy một ai đó có một trong các dấu hiệu như tê bì một tay, một chân; nói khó, méo miệng; mờ một mắt đột ngột; đau đầu dữ dội,… thì người nhà cần gọi cấp cứu hay đưa đến ngay bệnh viện gần nhất có chuyên khoa điều trị đột quỵ.

Đặc biệt, các bác sỹ cũng khuyến cáo, trong quá trình chờ cấp cứu, không nên tự ý cho người bệnh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào vì một số loại thuốc sẽ làm tình trạng xuất huyết não trở nên nghiêm trọng hơn và làm các biến chứng sẽ càng nặng hơn, tăng nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, cần lưu ý không chích máu ngón tay người bệnh; không cử động, lắc người bệnh; không cho người bệnh ăn hay uống để tránh sặc,… Người nhà cũng không nên cạo gió, nặn chanh vào miệng người bị đột quỵ. Đây là những quan niệm sai lầm, hoàn toàn không có tác dụng hỗ trợ cho người bệnh.

Với người bị đột quỵ vào mùa đông, nên để người bệnh nằm nghiêng một chỗ, nới lỏng quần áo, tránh để người bệnh mặc trang phục quá chật. Ghi lại thời gian người bệnh có dấu hiệu đột quỵ cũng như các triệu chứng của người bệnh để có thể cung cấp với nhân viên y tế.

 Thời tiết chuyển lạnh, nhiều bệnh viện ghi nhận số lượng bệnh nhân đột quỵ gia tăng. (Ảnh: Hà Linh).

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, đột quỵ được xem là bệnh lý cấp tính, hay xảy ra rất đột ngột và hậu quả thường gây tử vong hay để lại nhiều di chứng về sau. Song, đột quỵ hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Để phòng đột quỵ vào mùa đông, ngoài việc kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, bệnh tim mạch; sử dụng thuốc chống đông máu; có chế độ ăn lành mạnh; tránh căng thẳng, stress trong cuộc sống thì cần một số lưu ý riêng về chăm sóc sức khỏe trong mùa đông. Mọi người nên vận động nhẹ nhàng từ 3 - 5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng. Giữ nhiệt độ trong nhà cân bằng, không để xuống thấp dưới 25 độ và cân bằng với nhiệt độ ngoài trời. Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh. Không tắm quá muộn cũng như không tắm nước lạnh, sử dụng nước ấm khoảng 37 độ C là phù hợp nhất.

Đặc biệt, việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh rất quan trọng, nhất là với người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành... cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, khi vừa ngủ dậy.

Cần lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt. Khi tham gia hoạt động thể chất, nên mặc nhiều lớp áo, khi cơ thể ấm lên sau vận động thì có thể cởi bỏ bớt và mặc vừa đủ giữ ấm cơ thể. Có thể tăng cường hoạt động thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để hỗ trợ tim mạch nhưng cần tuân theo nguyên tắc không hoạt động quá sức. Nếu đang hoạt động ngoài trời lạnh và thấy đổ mồ hôi, như vậy cơ thể đang bị quá nóng và có dấu hiệu bất ổn, nhất là đối với người có bệnh tim mạch thì tốt nhất nên nghỉ ngơi, cởi bớt áo khoác và vào ngay trong nhà. Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời vì rượu làm giãn nở các mạch máu trên da, khiến cơ thể cảm thấy ấm hơn trong khi thực sự lấy đi nguồn nhiệt ra khỏi các cơ quan quan trọng, làm cho bản thân người uống rượu không biết được cơ thể bị mất nhiệt.

Một điểm cần lưu ý đó là mọi người nên chủ động tầm soát đột quỵ để phòng đột quỵ vào mùa đông. Với những thiết bị hiện đại, việc định kỳ tầm soát sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu, triệu chứng của đột quỵ; từ đó có phương án can thiệp, hỗ trợ kịp thời, giúp bảo đảm sức khỏe cho mỗi người./.

Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực