|
Ảnh minh họa |
(ĐCSVN) - Lại một lần nữa vấn đề y đức của người thầy thuốc được đem ra “mổ xẻ” qua vụ việc bác sĩ trong các bệnh viện ở TP.HCM liên kết với nhà thuốc, trình dược viên kê toa tràn lan để được hưởng chiết khấu lớn từ các hãng dược. Chính vì vậy, để hạn chế nạn nhận hoa hồng, y đức của người thầy thuốc được kêu gọi đặt lên hàng đầu.
Những ngày qua, không ít trình dược viên của các hãng dược phẩm nước ngoài cũng như trong nước… đã không tin vào mắt mình khi một số bác sĩ của bệnh viện công mở phòng mạch tư và “ăn” chiết khấu hoa hồng mua thuốc, kê toa thuốc rất cao. Điển hình là Công ty Dược phẩm Shering - Plough thuộc một tập đoàn dược của Mỹ có văn phòng đại diện tại Việt Nam chiết khấu hoa hồng cao ngất ngưởng đối mỗi sản phẩm kê đơn. Cụ thể, chỉ với hai loại thuốc đặc trị viêm gan là P.50 (Peg-intron 50mcg) và P.80 (Peg-intron 80mcg), mỗi tháng có bác sĩ được chiết khấu tới 30% giá trị, tương đương nửa tỷ đồng/tháng.
Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Trương Văn Tuấn, Chủ tịch hội Dược sĩ bệnh viện - Trưởng khoa Dược Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM, tại Việt Nam, để hạn chế nạn bác sĩ kê toa nhận hoa hồng, các bệnh viện thành lập Hội đồng thuốc và giám định của bệnh viện theo dõi định kỳ. Tuy nhiên hình thức giám sát chỉ trên sổ sách như hiện nay chưa chắc hiệu quả, bởi nếu bác sĩ đã cố tình muốn giới thiệu bệnh nhân đến phòng mạch của mình mua thuốc là không khó. Những hành động như trao đổi bằng miệng, đưa danh thiếp cho bệnh nhân hay nhờ vệ tinh bên ngoài bệnh viện tiếp thị… đều rất khó bị phát hiện. Chính vì thế theo ông Tuấn, từ trước đến nay, để hạn chế nạn nhận hoa hồng, ban giám đốc các bệnh viện chỉ còn cách tuyên truyền và kêu gọi y đức.
Nhằm khắc phục việc bác sĩ kê toa nhận hoa hồng, chính phủ một số nước chỉ chấp nhận cho một ít nhà phân phối dược uy tín cung cấp thuốc. Tất cả loại thuốc về đến bệnh viện đều đã được chính phủ duyệt, trong đó chính phủ duyệt cả mức giá bán đã tính luôn mức chiết khấu một cách công khai.
Tại Việt Nam, bên cạnh sự nhốn nháo của vô vàn nhà phân phối dược, số lượng nhà phân phối có uy tín, không chấp nhận chuyện chi hoa hồng đã dần xuất hiện nhưng vẫn chưa đủ mạnh. Trong khi đó, các văn bản hiện hành tại VN vẫn chưa quy định cụ thể mức xử lý đối với trường hợp chi hoa hồng cho bác sĩ.
Liên quan đến vụ chi hoa hồng kê đơn của bác sĩ, TS Nguyễn Hoàng Bắc, Phó Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM cho biết, bệnh viện đã đình chỉ công tác để điều tra làm rõ vụ hai cán bộ là bác sĩ - tiến sĩ thuộc phòng khám gan của Đại học Y Dược TP.HCM hưởng chiết khấu từ Công ty Dược Shering Plough thuộc Hãng dược MSD.
Theo lãnh đạo bệnh viện, mặc dù hai bác sĩ trên có chuyên môn vững, nhưng nếu mắc phải sai phạm thì vẫn phải xử lý một cách nghiêm khắc nhất.
Ngoài ra, sau hàng loạt thông tin trên báo, lãnh đạo Bệnh viện đã chỉ đạo bộ phận chuyên trách của bệnh viện tiếp tục kiểm tra toàn bộ thuốc, nhất là thuốc điều trị gan, nhằm đánh giá, xác định việc lạm dụng kê toa của bác sĩ.
Đồng thời, bệnh viện sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra việc kê đơn của bác sĩ đối với các loại thuốc điều trị khác, như: thần kinh, tim mạch, ung thư... Theo ông Bắc, các biện pháp nêu trên nhằm khống chế sự “phóng tay” kê toa của bác sĩ.
Sau khi có thông tin về việc các loại thuốc bị đẩy giá lên cao do hãng dược "bắt tay" bác sĩ, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) đề nghị thanh tra Bộ xem xét tổ chức kiểm tra, xác minh việc Công ty dược Merck Sharp & Dohme chiết khấu cho bác sĩ. Cục cũng đề nghị thanh tra Bộ có biện pháp xử lý nếu công ty này vi phạm trong việc chiết khấu cho bác sĩ.
Đồng thời, Cục cũng yêu cầu Merck Sharp & Dohme (MSD) cung cấp thông tin về giá nhập khẩu của một số mặt hàng thuốc bán vào các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhằm so sánh với giá bán tại Việt Nam. Công ty MSD cũng phải kiểm tra và báo cáo rõ về vấn đề chiết khấu.
Trước thông tin “hãng dược cầm tay bác sĩ kê đơn”, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ làm rõ tình trạng bác sĩ trong các bệnh viện ở TPHCM liên kết với nhà thuốc, trình dược viên kê toa tràn lan để được hưởng chiết khấu lớn từ các hãng dược. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với UBND TPHCM kiểm tra việc phản ánh tình trạng trên, nếu đúng phải có biện pháp xử lý kịp thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.