Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến 6h ngày 24/7 là 99 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng. Hiện có hơn 10.300 người đang cách ly phòng chống dịch. Cũng tính đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 272 ca nhiễm COVID-19 nhập cảnh được cách ly ngay.
Mặc dù Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận các ca/chùm ca bệnh mới (ngày 23/7 ghi nhận 4 ca bệnh nhập cảnh từ Nga và Hàn Quốc; ngày 22/7 ghi nhận 12 ca bệnh nhập cảnh từ Nga và Mỹ; ngày 21/7 ghi nhận 12 ca bệnh cũng nhập cảnh từ Nga, trước đó rải rác ghi nhận một vài ca), tuy nhiên, các ca bệnh đều từ nước ngoài về và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có khả năng lây lan ra cộng đồng. Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch COVID-19. Theo các chuyên gia, nguy cơ dịch xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn cao do tình trạng vượt biên, nhập cảnh trái phép, trốn cách ly...
|
Một điểm chốt chặn ở tuyến biên giới Việt - Lào địa phận Quảng Nam.
(Ảnh minh họa: Mạnh Trường)
|
Điển hình như, liên tiếp những ngày qua, hàng chục người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vừa bị lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng phát hiện, đưa đi cách ly. Điều này làm dấy lên lo ngại việc tái phát dịch COVID-19 ở trong nước. Cụ thể, ngày 20/7, Sở Y tế Đà Nẵng xác nhận vừa phát hiện 27 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng và những người này đã được đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra quá trình nhập cảnh trái phép của nhóm người này.
Trong khi đó, ngày 18/7 vừa qua, tỉnh Quảng Nam cũng đã phát hiện 21 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đang ở Hội An và thị xã Điện Bàn. Nhóm người này được đưa vào khu cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19 tại Trung đoàn 885, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam; được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả âm tính lần 1 với với vurus SARS-CoV-2.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, diễn biến dịch COVID-19 tái bùng phát ở Trung Quốc và tại một số nơi như Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) các ca nhiễm có dấu hiệu tăng đột biến trở lại chính là cảnh báo, bài học cho nước ta.
“Trong khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên thế giới, nếu chúng ta chỉ cần lơ là, không làm tốt việc ngăn chặn dịch xâm nhập vào Việt Nam, không phát hiện kịp thời các ca bệnh nếu có, dịch sẽ bùng lên. Do đó, Việt Nam phải tăng cường giám sát, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Việt Nam cũng đã có 99 ngày không ghi nhận thêm ca nhiễm lây lan trong cộng đồng. Đó là một tín hiệu vui, nhưng sự lơ là, chủ quan thì đang diễn biến ở rất nhiều nơi, điển hình là dường như chúng ta đã bỏ qua các bước được khuyến cáo như: Đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khử khuẩn, thực hiện việc sống và làm việc trong “điều kiện mới”…
Nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu khi tình hình dịch trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ dịch xâm nhập rất cao. Tại các khu cách ly tập trung, trong những chuyến bay trở về gần đây đã ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19. Do đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, bây giờ chưa phải là thời điểm mở cửa với khách du lịch quốc tế, chỉ mở chuyến bay với các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc, xúc tiến thương mại hoặc đón công dân Việt Nam trở về nước.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc kiểm soát người nhập cảnh phải được đặt lên hàng đầu thời điểm này. Tất cả các ca nhập cảnh đều phải được cách ly phù hợp và thực hiện xét nghiệm theo đúng quy định. Đáng lưu ý, chúng ta cũng không nên lơ là giám sát các trường hợp có triệu chứng nghi mắc như sốt, ho, khó thở… Các cơ sở y tế vẫn tiếp tục thực hiện khai báo y tế, giám sát người bệnh chặt chẽ để phân luồng ngay khi bệnh nhân có triệu chứng nghi mắc COVID-19.
Đặc biệt, khi Việt Nam đã thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, người dân vẫn không được chủ quan mà bỏ qua các khuyến cáo của ngành y tế trong chống dịch.
|
Nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở Quảng Nam tại khu cách ly tập trung.
(Ảnh: L.T)
|
Cùng chung nhận định với PGS.TS Trần Đắc Phu, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, hiện chính quyền địa phương một số nơi và người dân đã có dấu hiệu chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh. Một số địa phương không thực hiện nghiêm ngặt những hướng dẫn giám sát, phòng bệnh trong tình hình mới. Người dân chủ quan không còn đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ, không thực hiện rửa tay sát khuẩn...
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cảnh báo nếu lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, Việt Nam và nhiều nước có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 như những gì mà Bắc Kinh (Trung Quốc) và tại một số nơi như Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) đang phải trải qua.
Nhằm bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong nước, chúng ta phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, không để nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Theo khuyến cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với “nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19, cương quyết không để dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, biên giới phải được kiểm soát tốt.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiếp tục thực hiện 6 biện pháp bảo vệ trong phòng, chống dịch COVID-19 gồm vệ sinh tay; che miệng và mũi khi ho và hắt hơi; không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay; hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người; giữ khoảng cách tối thiểu 1m; thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào./.
Bên lề hội nghị giao ban công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm 6 tháng đầu năm được tổ chức ngày 21/7 tại Đắk Lắk, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định để phòng chống dịch hiệu quả, trong đó có phòng chống dịch COVID-19 xâm nhập, cần triển khai đồng bộ các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Trong đó, một trong các biện pháp cấp bách là phải thắt chặt tuần tra biên giới, kiểm tra kỹ các cơ sở lưu trú tại các địa phương...
Sự việc một số người Trung Quốc vừa qua "lọt" khỏi các khâu kiểm tra và đến một số nơi ở Đà Nẵng, Quảng Nam rồi mới bị phát hiện, tổ chức xét nghiệm, cách ly là hết sức đáng tiếc. Vì thế cần tiếp tục kiểm soát chặt các đường mòn, lối mở dọc biên giới, thực hiện tốt công tác quản lý hành chính, đặc biệt là quản lý về tạm trú, lưu trú. Các cơ sở tạm trú, lưu trú phải đăng ký người đến tạm trú, lưu trú với chính quyền địa phương, đồng thời khai báo đầy đủ.
Khi có những người nhập cảnh từ nước ngoài vào mà chưa có sự kiểm soát của y tế thì các cấp chính quyền địa phương khi nhận được báo cáo của các cơ sở lưu trú, tạm trú thì phải đến kiểm tra và bắt buộc những người nước ngoài vừa nhập cảnh này phải đến các cơ sở cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo phòng dịch.
|