Cao Bằng: Tạo bước chuyển về chất trong sản xuất nông nghiệp

Thứ tư, 25/11/2020 09:03
(ĐCSVN) – Để tạo bước chuyển biến về chất trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến.
Đồng chí Bế Đăng Khoa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng  

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bế Đăng Khoa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng xung quanh vấn đề nay.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, nhiệm kỳ qua, đặc biệt là trong năm 2020 tỉnh Cao Bằng đã triển khai chính sách phát triển KHCN như thế nào? Những thành tựu nổi bật trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ?

Giám đốc Sở KH&CN Bế Đăng Khoa: Thực hiện nhất quán quan điểm khoa học công nghệ là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, vì vậy việc phát huy và phát triển khoa học công nghệ được các cấp ủy đảng và chính quyền trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm chỉ đạo ban hành triển khai các văn bản, chính sách và chương trình về KHCN. Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 391-KH/TU thực hiện Kết luận 50-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 12/2019/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng...

Giai đoạn vừa qua, tỉnh đã phê duyệt 07 dự án xây dựng thương hiệu cho nông sản của Cao Bằng với kinh phí khoảng 04 tỷ đồng. Đến nay, các sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, đồng thời tạo được niềm tin của người tiêu dùng và thị trường trong, ngoài tỉnh.

Cùng với đó, hoạt động KHCN được tỉnh đổi mới theo hướng ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều nhiệm vụ KHCN được ứng dụng, duy trì và nhân rộng, qua đó đã góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp tập trung nghiên cứu phát triển các loại cây trồng có thế mạnh của địa phương để từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Các giống cây trồng đặc sản của địa phương được nghiên cứu phục tráng và phát triển. Đẩy mạnh đưa các loại giống cây trồng mới cho năng suất chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên vào sản xuất. Tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng từ khâu nhân giống sản xuất đến bảo quản sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa, hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ đó năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt.

Đặc biệt, ngày 07/5/2020, tỉnh Cao Bằng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế cho Hệ thống và quy trình xử lý rác của tác giả Bế Văn Tú và Bế Thị Diệp Hà. Đây là sự ghi nhận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong công tác sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo của tỉnh Cao Bằng.

PV: Đồng chí có thể cho biết những kết quả nêu trên có tác động như thế nào đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh?

Giám đốc Sở KH&CN Bế Đăng Khoa: Mặc dù còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư cho nhiệm vụ KHCN chưa nhiều nhưng những năm qua, lĩnh vực KHCN đã đạt được các thành tựu nhất định, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhận thấy tỉnh có giống cây, con đặc sản nhưng do quá trình canh tác, nuôi trồng lâu ngày, người dân tự nhân giống nên có độ thuần kém, năng suất thấp, tỉnh Cao Bằng đã đặt hàng triển khai các nhiệm vụ KH&CN nhằm duy trì, khai thác, phục tráng và phát triển các giống cây trồng, vật nuôi chất lượng để góp phần nâng cao năng suất, mang lại giá trị kinh tế, từng bước phát triển ngành nông nghiệp địa phương bền vững.

 Nhiều giống cây trồng đã được tỉnh Cao Bằng khai thác, phục tráng và phát triển góp phần nâng cao năng suất, chất lượng

Qua quá trình thu nhập, chọn giống lúa nếp hương, pì pất, nếp ong từ các vụ lúa, đã hoàn thành việc phục tráng các giống lúa trên đảm bảo theo quy trình sản xuất giống do Bộ NN&PTNT ban hành, tạo ra sản phẩm giống lúa nguyên chủng năng suất cao. Đối với nếp hương, pì pất bình quân đạt 46 tạ/ha, cao hơn giống cũ 20%, nếp ong cho năng suất cao hơn 15% so với giống cũ, đảm bảo chất lượng tốt; hoàn thiện được quy trình sản xuất giống lúa nguyên chủng và quy trình thâm canh sản xuất lúa để chuyển giao cho địa phương áp dụng, vì vậy năng suất và chất lượng được nâng cao rõ rệt.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tỉnh đã tiếp tục triển khai dự án về sở hữu trí tuệ xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể nếp hương Bảo Lạc, nếp ong Trùng Khánh để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Hiện huyện Trùng Khánh, Bảo Lạc đã chỉ đạo sử dụng nguồn giống là kết quả của đề tài nghiên cứu để từng bước thay thế giống cũ và mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đối với các giống cây ăn quả như cam, quýt Hòa An, quýt Trà Lĩnh tỉnh đã triển khai ứng dụng công nghệ sinh học để bảo tồn và phát triển nguồn giống đảm bảo tiêu chuẩn theo đó năng suất đã tăng lên rõ rệt, năng suất cam tăng từ 12,5 tấn/ha lên 22 tấn/ha, năng suất quýt tăng từ 10 tấn/ha lên 15 tấn/ha, thu nhập tăng 1,4 lần. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo quản đã giúp kéo dài thời gian đến 06 tuần, từ đó sản phẩm cam, quýt được đảm bảo chất lượng tốt, thuận lợi cho lưu thông sản phẩm. Qua nghiên cứu khảo sát điều kiện thổ nhưỡng, định hướng về phát triển cây quýt tỉnh Cao Bằng có khả năng mở rộng đến 10.000 ha.

Cùng với đó, tỉnh đã nghiên cứu chọn lọc được nguồn gen lợn lang Đông Khê; xây dựng 07 mô hình chăn nuôi hộ gia đình; xây dựng hoàn thiện 05 quy trình kỹ thuật chăn nuôi thực hiện trong chăn nuôi tập trung và nông hộ tại địa phương. Hiện các mô hình đã được nhiều hộ dân áp dụng và mở rộng sản xuất, lợn thương phẩm cung cấp ra thị trường được người tiêu dùng đánh giá cao.

Để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong các lĩnh vực mũi nhọn là: du lịch-dịch vụ, kinh tế cửa khẩu, tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá các dạng tài nguyên du lịch và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; phát triển dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu xuất khẩu qua khu kinh tế của khẩu tỉnh Cao Bằng... Các kết quả nghiên cứu nói trên được các ngành đánh giá cao và đưa vào làm cơ sở khoa học cho việc định hướng phát triển trong thời gian tới.

PV: Để mang lại những giá trị cao hơn nữa, KHCN Cao Bằng cần thêm những điều kiện gì, thưa đồng chí?

Giám đốc Sở KH&CN Bế Đăng Khoa: Trước những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, KHCN, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Trong thời gian qua, những thành tựu trong ứng dụng KHCN đã mang đến nhiều thành công, song nhìn chung trình độ KHCN của tỉnh Cao Bằng còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước.

Để thu ngắn khoảng cách, những năm qua nhiều cơ chế, chính sách về KHCN ưu tiên cho vùng nông thôn miền núi đã được tỉnh ban hành. Tuy nhiên để giúp Cao Bằng phát triển, Nhà nước, các bộ và ban ngành Trung ương cần sớm có quy định đặc thù để phát triển khoa học công nghệ phục vụ đồng bào dân tộc và miền núi, cụ thể: Tiếp tục bố trí đủ kinh phí cho hoạt động khoa học và công nghệ; sớm có cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ khoa học trẻ, tình nguyện hướng dẫn, chuyển giao KHCN tại vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; có chính sách hỗ trợ kinh phí để tiếp tục mở rộng các mô hình đạt hiệu quả sau khi kết thúc dự án…

Cùng với đó, có kế hoạch chỉ đạo các doanh nghiệp cùng Cao Bằng xây dựng các mối liên kết kinh tế nhằm huy động nguồn lực của các địa phương, doanh nghiệp trong nước và nguồn vốn nước ngoài giúp tỉnh khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển.

Đối với tỉnh Cao Bằng, trong thời gian tới, cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo HĐND có các cơ chế, chính sách, UBND tỉnh tiếp tục cụ thể hóa, điều chỉnh, lập quy hoạch chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch các ngành kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trên cơ sở tập trung phát triển nông, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời có kế hoạch khả thi đào tạo nguồn nhân lực phù hợp để đón đầu kịp thời các dự án đầu tư phát triển công nghiệp chế biến…

Những thành tựu trong ứng dụng KHCN đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng, cung cấp ra thị trường được người tiêu dùng đánh giá cao.

PV: Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống được Đại hội lần thứ XIX tỉnh Cao Bằng xác định là yếu tố quan trọng tạo sự phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Vậy theo đồng chí, những giải pháp nào sẽ thúc đẩy ứng dụng KHCN trong lĩnh vực này?

Giám đốc Sở KH&CN Bế Đăng Khoa: Nông, lâm nghiệp trong khoảng thời gian 2021-2025, tầm nhìn 2050 vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, Cao Bằng cần tiếp tục khai thác lợi thế tuyệt đối và phát huy lợi thế so sánh để phát triển nông lâm nghiệp bền vững, toàn diện, năng suất cao, nâng cao tỷ suất hàng hóa trong nông, lâm nghiệp. Với tinh thần chung của tỉnh là tạo bước chuyển biến về chất trong sản xuất nông nghiệp và phát triển mạnh nông thôn, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả, thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến.

Mạnh dạn chuyển những diện tích không chủ động về nước hoặc khí hậu không thích hợp sang trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu và các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn nhằm phát huy lợi thế của mỗi tiểu vùng. Những vùng có điều kiện thuận lợi, chủ động về nước thì vận động và có chính sách hỗ trợ nông dân thâm canh, tăng vụ nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích gieo trồng. Đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả với quy mô lớn đủ cung cấp cho công nghiệp chế biến và tiêu dùng của nhân dân. Đẩy mạnh thâm canh, mở rộng diện tích cây thuốc lá, cây mía, cây đỗ tương và các loại cây ăn quả có lợi thế ở Cao Bằng như hạt dẻ, hồng, cây có múi nhất là cam, quýt, bưởi… Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc. Có chính sách khuyến khích và biện pháp đẩy mạnh phát triển đàn bò thịt theo hướng bán công nghiệp ở những nới có điều kiện như Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Hà Quảng. Khuyến khích phát triển chăn nuôi gia cầm và các loại sản vật của rừng.

Triển khai mạnh mẽ chương trình khởi nghiệp; khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới tạo sáng, hỗ trợ thành lập các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tập trung xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu; xây dựng, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là các sản phẩm OCOP góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất, kinh doanh nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ nhằm đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh. Ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng chuyên môn hóa và hiện đại, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng giống cây trồng vật nuôi. Củng cố, tăng cường các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, giống cây lâm nghiệp, chọn lọc giống tốt, tổ chức thu mua nhân ra diện rộng.

Tiếp tục hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước trên lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao và đào tạo nhân lực KHCN; xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch hợp tác quốc tế về KHCN, gắn với các chương trình KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát huy thế mạnh của các đối tác vùng, hợp tác phát triển với các tỉnh Đông Bắc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Lan Phương (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực